Gương điển hình

Ngày ấy có anh tiến vào Sài Gòn

Cập nhật lúc 10:24 23/04/2010

 

Về  xã Tam Lác xưa (xã có ba xứ đạo là  Lác Môn, Lác Lý và Lác Phường) nay là xã Trực Hùng- Trực Ninh- Nam Định, nhiều người đều biết và rất kính trọng ông đại tá già Giuse Vũ Trọng Thất. Ông Thất sinh năm 1932, trên giáo họ Tân Mỹ (xứ Tân Lý). Tháng 1/1951 ông vào quân ngũ, phục vụ liên tục sau 34 năm, nay ông về xứ đạo đầy ắp những kỉ niệm buồn vui khi xưa, dưỡng già. Từ một thanh niên Công giáo còn rất trẻ ông đã tình nguyện vào bộ đội; được đứng vào hàng ngũ của Đảng đúng ngày tiến đánh quyết thắng Điện Biên Phủ; sau vào Chiến trường B vinh dự làm trinh sát đi cận, dẫn đường Đại tướng Văn Tiến Dũng… xoay quanh những dữ kiện đó đến nay người đại tá già vẫn còn khối chuyện để kể, giáo dục cho con cháu.
      Chuyện cái duyên ông vào bội đội, ông kể: Trước những năm 1950, vùng giáo quê ông sinh hoạt liên thông theo thứ cấp là giáo họ của nhà xứ Ninh Cường (nơi truyền giáo đầu tiên tại nước ta), vùng này lúc ấy thật yên bình, trù phú. Bỗng có một hôm (lúc 17 giờ, ngày 15/9/1949) giặc Pháp đổ bộ xuống giáo họ Lác Phường gần nhà ông. Chúng càn quét làm thay đổi mọi sinh hoạt của bà con giáo dân. Dã tâm nhất, chúng bắt và tra tấn người anh ruột của ông cho đến chết; bố ông lúc đó là Trung đội Trưởng Trung đội du kích Bặch Đầu Quân, bị một số phần tử phản động tiết lộ, chúng bắt, đánh đập dã man nhưng ông cụ nhất định không khai, không chịu khuất phục. Chúng không lấy được cung đành thả về… Tất cả những hình ảnh, hành động đó tác động mạnh mẽ đến tình yêu quê hương, xứ đạo và căm thù giặc Pháp sâu sắc. Ông bí mật liên lạc với tổ chức xin ghi danh gia nhập quân ngũ. Đơn vị du kích địa phương tuyển mộ ông. Thấy ông khỏe mạnh, nhanh nhẹn, nhất là nhiệt huyết nên chỉ sau hai tháng thượng cấp đã bổ nhiệm ông làm Xã đội Trưởng. Nhưng sau đó ít tháng, thượng cấp lại điều ông về làm cán sự tại Huyện đội Trực Ninh, thời gian ở đây là bước đệm để chuẩn bị chuyển sang quân chủ lực. Quả nhiên chiểu theo nguyện vọng, ông được điều sang quân chủ lực, đơn vị ông gia nhập lúc đó là đại đội 157, trung đoàn 9, đại đoàn 304, do Tướng Sinh Từ làm Tư lệnh. Đại đoàn này hầu như đều là người Bình Trị Thiên nhưng có nhiệm vụ tiến đánh các đồn bốt phía nam của Hà Nam Ninh, lúc này vùng giáo ven biển, địch lợi dụng triệt để (như An Cư ở Xuân Trường, Lưu Đông, Lạc Quần ở Giao Thủy…); khi đó anh lính trẻ Vũ Trọng Thất có lợi thế, từng lớn lên ở vùng giáo, từng sống trong lòng địch… được đơn vị huấn luyện cấp tốc nghiệp vụ trinh sát, rồi tung vào lòng địch, trinh sát cho đại đoàn chuẩn bị tiến đánh. Và cũng từ đây, “nghiệp trinh sát” đã theo anh hơn hai phần ba cuộc đời binh nghiệp. Nhiệm vụ trinh sát “mở hàng” cho trung đoàn 9 đánh tại Hà Nam Ninh tỏ ra rất có duyên với anh; kết quả là đều bí mật và đánh thắng, thậm chí thắng lớn.
      Trận Hà Nam Ninh, địch thua, điên cuồng kêu gọi viện binh, và chúng đã tổ chức một trận càn Pờ-ra-ta, chúng tuyên bố là “Trận này sẽ cất vó Cộng sản” nhưng trung đoàn của ông đã bí mật đi tắt Ninh Bình rồi vào Thị xã Thanh Hóa tăng gia sản xuất, huấn luyện chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới.
      Bước sang năm 1953, nhận lệnh thượng cấp tiến quân từ  bắc vào nam, tiến thẳng vào Đô Lương- Nghệ An; đến tháng 4/1953 sang giải phóng thượng Lào giúp bạn; tháng Mười cùng năm lại về Thanh Hóa tiếp tục huấn luyện, đi chỉnh huấn cải cách ruộng đất, giảm tô…
      Đến 1/1954 hành quân ngược lên Phú Thọ, nghỉ chân, ăn tết tại đó; tháng 2 cùng năm đánh Nà Sản- Sơn La, tháng 3 đánh Hồng Cúm- Điện Biên…
      Và rồi đến tháng 4/1954 có lệnh: Tổng công kích Điện Biên Phủ: Trước khởi đánh vài giờ người thanh niên Công giáo Vũ Trọng Thất được Chính ủy, đơn vị gọi lên kết nạp Đảng (đúng ngày 1/5/1954); xong lễ kết nạp, lập tức xuất quân tổng tiến công ngay hôm đó… Súng, pháo, bộc phá giữa ta và địch… rền rĩ ùng oàng liên tục đúng bảy ngày sau (ngày 7/5), quân ta chiến thắng cứ điểm tối tân của thực dân Pháp; cái mà thực dân tưởng rằng tương quan đó là xe tăng, còn những người Việt Minh- Cộng sản chỉ là châu chấu, thế mới có câu “… Tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng”. Rồi trong khoảng 10 năm tiếp theo, ông tham gia nhiều trận đánh ở đồng băng, đến năm 1964 ông lại lên đường đi B vào Nam đánh Mỹ.
      Thời kỳ ở chiến trường B đối với ông cũng đầy gian lao, hiểm nguy từ Đông, Tây Trường Sơn, Tây Nguyên… biết bao kỉ niệm về tình đồng chí đồng đội đồng lòng quyết tâm cơm vắt nằm hầm đánh giặc, nhưng bằng lối kể kiệm lời, kiêm tốn, ông vắn tắt bằng một kỉ niệm đẹp đối với Cố Đại tướng Văn Tiến Dũng, rằng: Tối Ba mươi Tết năm 1974, Đại tướng có mặt, cùng ăn tết với anh em Sư đoàn 472; sáng Mồng Một Tết, ông vinh dự (khi đó đang đeo lon thiếu tá) được cấp trên cử đưa Đại tướng từ Hiên (Quảng Nam) vào Kom Tum để kiểm tra, chỉ đạo giải phóng Buôn Mê Thuột (10/3/1975). Giải phóng Buôn Mê Thuột là bàn đạp để quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn… Một niềm vui vô bờ bến đến với dân tộc, nhưng trước hết đến với những người lính, trong đó có ông và các đồng đội, đúng 12h trưa ngày 30/4/1975 cánh quân của ông tiến vào đến Dinh Độc Lập, hai bên đường rợp cờ, hoa và những cánh tay vẫy chào những người lính Cụ Hồ thắng trong chính nghĩa. 

Vũ Thành Nam
Thông tin khác:
Người thanh niên Công giáo làm sống lại lò gốm cổ nghìn năm (20/04/2010)
Hơn cả tình anh em ruột thịt (03/04/2010)
ĐỒNG BÀO CÔNG GIÁO TỈNH HẬU GIANG ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC (29/03/2010)
Bếp ăn tình thương cần sự giúp đỡ của mọi người (26/03/2010)
Người Công giáo huyện Lương Tài “kính Chúa yêu nước” (23/03/2010)
Trung Lao- xứ đạo hơn 400 năm đón nhận ánh sáng tin mừng (19/03/2010)
Một giáo dân bỏ tiền tỉ đi xây mộ người dưng (19/03/2010)
Về xứ đạo Đồng Bào (11/03/2010)
Giáo xứ Thổ Hoàng với chương trình 'Bát gạo tình thương' (27/02/2010)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log