Lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: Đào Diến |
Nguyễn Hữu Dật (1603-1681) sinh tại Thăng Long (Hà Nội), đại công thần của chúa Nguyễn Đàng Trong, cháu 8 đời của Nguyễn Trãi, con của Nguyễn Triều Văn, theo chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa. Ông có công phò tá nhiều đời chúa Nguyễn, đánh lui nhiều cuộc Nam tiến của chúa Trịnh, giữ vững lãnh thổ Đàng Trong, được phong chức Chiêu Vũ hầu. Ông sớm sớm bộc lộ tài năng cả văn lẫn võ, được bổ vào chức Tham cơ vụ và Ký lục dinh Bố Chính. Năm 1631, ông theo Đào Duy Từ đắp chiến lũy Nhật Lệ (tục gọi là lũy Thầy). Tương truyền, mỗi lần được chúa Nguyễn ban thưởng, ông thường chia cho cấp dưới, nhất là những người nghèo khó, hoặc xét theo hoàn cảnh mà ban thưởng. Không những thế, đối với tù binh, ông cũng đối xử rất nhân hậu, Bởi vậy ông rất được lòng tướng sĩ và nhân dân, nên được tôn vinh là tướng Bồ Tát. Ông góp công lớn đẩy lui quân Trịnh bằng nhiều kế sách quân sự, như “trường kỳ mai phục”, “lấy yếu địch mạnh”, “lấy nhàn đối phó với mỏi mệt”, “điệu hổ ly sơn”, “ly gián”, nhất là “trọng dụng tướng tài”. Ông nói: “Tôi chọn kỹ các tướng, ai có mưu lược thì không cứ là thân thích hay người ngoài đều cho cầm quân, còn những người có họ hàng cố hữu mà không biết binh pháp thì cho bổng lộc ưu hậu chứ không cho nắm giữ binh quyền. Ông mất, nhân dân Đàng Trong dựng đền thờ.
Nguyễn Hữu Cảnh (1650–1700) con Nguyễn Hữu Dật cũng là danh tướng thời chúa Nguyễn Đàng Trong, người được xem là vị tướng mở cõi Nam Bộ với việc xác lập chủ quyền cho người Việt tại vùng đất Đồng Nai, Gia Định vào năm 1698. Kể từ thời điểm đó, miền đất này chính thức trở thành một đơn vị hành chính trực thuộc lãnh thổ nước nhà. Ông sinh tại vùng đất Phước Long, xã Chương Tín, huyện Phong Lộc (nay là xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). Được cha mẹ nuôi dưỡng võ nghệ lại chuyên tâm luyện tập từ tuổi nhỏ, lớn lên trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, ông được tham chính, lập nhiều chiến công, được chúa Nguyễn Phúc Tần phong chức Cai cơ (một chức võ quan thuộc bậc cao) ở tuổi 20, được người đương thời tôn là “Hắc Hổ” (vì ông sinh năm Dần và vì có nước da ngăm đen, vóc dáng hùng dũng). Ông còn được được phong tước là Lễ Thành Hầu, nhận nhiệm vụ Thống binh dẹp loạn Chiêm Thành, bình định biên cương. Tiếp đến, ông được thăng làm Chưởng cơ, lãnh chức Trấn thủ dinh Bình Khang. Ông mất, được triều đình phong tặng mỹ hiệu Hiệp tán công thần đặc tấn Chưởng dinh, thụy Trung Cần. Năm Minh Mạng thứ 12 (Nhâm Thìn 1832), ông được truy phong thêm tước Vĩnh An Hầu.