Từ một huyện yếu kém trong thực hiện chính sách dân số, Tân Hiệp đã tìm được lối đi riêng để nâng cao nhận thức của các gia đình Công giáo về thực hiện sinh đẻ có trách nhiệm, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế, xã hội.
Tân Hiệp là huyện có đông người theo đạo Công giáo nhất của tỉnh Kiên Giang, với 40% dân số. Toàn huyện có 53 nhà thờ, bình quân mỗi xã có 5 nhà thờ. Với đặc thù của một huyện đông bà con giáo dân, tập quán văn hóa, nhất là quan niệm về sinh sản của người dân chịu ảnh hưởng nhiều của giáo lý và giáo luật Công giáo. Đạo Công giáo chỉ khuyến khích tín hữu áp dụng các phương pháp tránh thai tự nhiên. Do đó, công tác dân số ở Tân Hiệp gặp nhiều khó khăn, trong nhiều năm, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên và tỷ lệ sinh con thứ ba cao.
Cấp ủy, chính quyền huyện Tân Hiệp đã quyết tâm đưa công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình trở thành một trong những nhiệm vụ then chốt để có thể phát triển bền vững. Để thực hiện chủ trương này, đòi hỏi những người làm công tác dân số ở địa bàn đông giáo dân phải kiên trì, sáng tạo. Trung tâm Dân số- Kế hoạch hóa gia đình huyện Tân Hiệp phối hợp với lãnh đạo các xã, thị trấn và các đoàn thể tìm ra phương pháp truyền thông về dân số- kế hoạch hóa gia đình phù hợp với các nhóm đối tượng. Tại các địa bàn có đông bà con giáo dân, chính quyền, mặt trận tổ quốc đã thuyết phục các chức việc tại xứ, họ đạo phối hợp với cán bộ làm công tác dân số để tuyên truyền, vận động các gia đình Công giáo thực hiện sinh sản có trách nhiệm. Đồng thời phát huy tối đa vai trò, lợi thế của các cán bộ chuyên trách, cộng tác viên và tuyên truyền viên là người Công giáo để tiếp cận, vận động và hướng dẫn các đôi vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ở các họ đạo thực hiện sinh sản có trách nhiệm… Các cộng tác viên dân số là người cùng tôn giáo với bà con đã tranh thủ câu chuyện lúc đi lễ về để nắm bắt tâm tư của nhiều chị em, khéo léo trao đổi những kinh nghiệm thực tế về sinh sản có trách nhiệm... Với cách tiếp cận này, chị em phụ nữ Công giáo đã tự tin, thoải mái hơn khi đề cập đến phương pháp thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
Song song với đổi mới phương pháp tuyên truyền, Tân Hiệp còn kết hợp, lồng ghép nội dung truyền thông về dân số- kế hoạch hóa giao đình vào nội dung các chương trình của dự án “Can thiệp giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thông”; “Can thiệp, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” “ Tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân”. Theo ông Lê Thành Chiến- Giám đốc Trung tâm Dân số- Kế hoạch hóa gia đình huyện Tân Hiệp, việc xây dựng nội dung truyền thông kết hợp với các chương trình như trên đã tạo sự phong phú, tránh được khô cứng nhàm chán, đồng thời có thể tương tác từ lợi ích của dự án này với dự án khác. Từ năm 2012 đến nay, Trung tâm Dân số- Kế hoạch hóa gia đình huyện Tân Hiệp đã phối hợp với các ngành, đoàn thể, hợp tác xã nông nghiệp, các doanh nghiệp tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, tư vấn trực tiếp tại hộ gia đình, họp nhóm nhỏ về các nội dung liên quan đến dân số- kế hoạch hóa gia đình, thu hút hàng chục nghìn lượt chị em phụ nữ tham dự, trong đó có gần 85% là phụ nữ Công giáo.
Sau hơn một năm áp dụng các giải pháp trên, đặc biệt là đổi mới cách tiếp cận và phương pháp truyền thông ở các họ đạo, đến nay, gần 90 % phụ nữ Công giáo đã hiểu rõ lợi ích của sinh sản có trách nhiệm, từ đó chị em đã tự ý thức thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng dân số, cải thiện chất lượng cuộc sống gia đình. Năm 2012, Tân Hiệp là huyện duy nhất của tỉnh đạt chỉ tiêu giảm sinh. Kết quả này được xem như bước đột phá trong phương pháp truyền thông về dân số ở vùng Công giáo, nhằm giúp bà con giáo dân nhận thức rõ về lợi ích của sinh sản có trách nhiệm để chủ động thực hiện chính sách dân số, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của huyện.
An Luých