Tôi có sở thích tìm và đọc những câu chuyện tình của một thời binh lửa, trong đó có bộ sách “Chuyện tình dưới đáy ba lô”. Bản thân tôi rất ngưỡng mộ chuyện tình đẹp, trong sáng của những người lính, trong cái dữ dội của chiến tranh, lại có gì đó rất đỗi thanh bình, yên tĩnh và không kém phần ngọt ngào. Đó chính là tình yêu, trong tình yêu bất diệt dành cho Tổ quốc mà quên đi bản thân mình. Những chàng trai, cô gái ngày đó còn dành cho nhau những tấm chân tình mà tôi vẫn thầm luôn ngưỡng mộ. Những cô gái đợi chờ, mong ngóng tin tức người yêu nơi tiền tuyến, vì trách nhiệm với đất nước, vì nền hòa bình cho dân tộc, vì tương lai mà dấn thân vào chốn hiểm nguy bom đạn, nhưng hàng đêm vẫn dành chút thời gian thư từ về cho người yêu… Tình yêu của những thanh niên ngày ấy thật nên thơ. Nay tôi mới có dịp được tận tai nghe về câu chuyện tình của một người lính bằng xương, bằng thịt.
Đó là anh Phêrô Lê Xuân Đông -một người thanh niên Công giáo, sinh ra và lớn lên ở giáo xứ Phong Ý, giáo phận Thanh Hóa - nơi có dòng sông Mã anh hùng vốn đã đi vào lịch sử, đi vào thơ ca Việt Nam, với ước mơ đóng góp sức trẻ xây dựng quê hương và bảo vệ Tổ quốc, cùng với lớp thanh niên hồi đó anh náo nức lên đường nhập ngũ.
Ghi danh để nhập ngũ vào năm 1975, thế nhưng 2 năm liên tiếp khám tuyển đều không đạt, anh tiếp tục đăng ký xét tuyển. Không từ bỏ khát vọng của tuổi trẻ, tháng 6/1977, anh vinh dự được tham gia quân ngũ. Đơn vị anh đóng quân ở Thọ Đông, Thọ Xuân, Thanh Hóa.
Đầu tháng 10/1977, sau thời gian huấn luyện ở Thọ Xuân, Thanh Hóa, anh được chuyển về đại đội 14, tiểu đoàn 6 pháo binh thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa. Đây cũng là thời điểm anh quen chị Maria Nguyễn Thị Xuân quê Thọ Xuân, mà nay đã là vợ, là mẹ của các con anh…
Thời gian đầu huấn luyện, anh thường bị cấp trên phê bình, thế nhưng sau thời gian phấn đấu rèn luyện, khi đi bắn anh đạt điểm giỏi và được thưởng nghỉ phép 1 tuần. Một thời gian sau đó, anh được chuyển về tiểu đoàn 6 Nga Thái, Nga Sơn làm kinh tế, tập làm cói, cấy lúa, trồng khoai, sống trong dân, ăn khoai, ăn mạch cùng dân, ở đâu quen đấy, bộ đội thành dân bản xứ lúc nào không hay, cắt cói, trồng cói, dệt cói… việc gì bộ đội cũng làm được hết, vừa học, vừa làm. Anh Đông tâm sự: “...Ăn thì ăn khổ nhưng được cái là bộ đội được dân bao che, đùm bọc, học ở trong dân được cái nghề (trồng cói, trồng đay), ở nhà có khi mình không biết nhưng xuống đấy thì làm được hết”.
Cuối năm 1978, sau đợt huấn luyện của đơn vị nữ ở Thiệu Đô, một số chị em quê ở Hoằng Hóa, Đông Sơn được điều về tiểu đoàn 6, trong đó có chị Xuân - chị được cử về đại đội 14 và huấn luyện cùng tiểu đội với anh. Thời kỳ đầu huấn luyện anh và chị đã để ý đến nhau, thế nhưng hai người đều không dám bày tỏ về tình cảm của mình. Để ý đến nhau chỉ vậy thôi, chứ trong quân đội anh chị ít có thời gian để tìm hiểu về nhau nhiều.
Năm 1981, anh được cấp trên cử đi học Trường sỹ quan Pháo binh. Trước khi đi, anh nghỉ phép về quê ăn Tết cùng với gia đình, dịp này anh mới thổ lộ tình cảm dành cho chị bằng một lá thư tay. Kết thúc kỳ nghỉ Tết, quay trở lại đơn vị thì anh nhận được nhiệm vụ, ngày mai lên đường đi học. Thời gian đó, chị ở lại đơn vị chừng 6 tháng rồi ra quân về quê làm nông nghiệp. Bẵng đi một thời gian, anh nhận được thư chị gửi cho mình, trong lòng vô cùng vui mừng vì nội dung bức thư là câu trả lời mà bấy lâu anh vẫn mong đợi. Thế nhưng niềm vui chẳng được bao lâu, cấp trên điều động anh sang mặt trận 479 Campuchia để bảo vệ chốt Pailin, cao điểm 505. Trước khi lên đường, anh tranh thủ về nhà ghé thăm chị và gia đình, rồi đón tàu từ Hà Nội vào Sài Gòn sang Campuchia theo lệnh điều động.
Tháng 8/1983, anh Đông về phép, sau kỳ nghỉ quay lại thì đơn vị anh đã chuyển vị trí đóng quân. Và trên đường nhận nhiệm vụ mới, anh bị thương. Đó là ngày mà anh không thể nào quên (19/5/1984). Khi đó nghe tiếng mìn nổ gần đơn vị thì anh em mới chạy ra và phát hiện ra anh đang nằm bất tỉnh, những người đồng đội vội vã đưa anh về bệnh xá tiền phương của tiểu đoàn chữa trị.
Anh kể: “Khi bị thương, tôi chỉ thấy trời đất tối sầm lại, rồi không còn hay biết gì nữa. khi tỉnh dậy sờ lên mặt thì thấy mặt sưng phù, sờ xuống đến chân thì không hiểu sao không đứng lên được, sờ sang đến chân trái thì thấy đã cụt đến gối… sau đó, tôi được chuyển về Sài Gòn điều trị”.
Lúc này người yêu ở nhà - chị Xuân vẫn chưa hề hay tin gì về anh. Trong thời gian điều trị, anh chuyển đi không biết bao nhiêu bệnh viện. Có lần chuyển về nghỉ dưỡng ở Tam Điệp (Ninh Bình) tình cờ khi xe đi qua nhà, anh xin phép ghé thăm chị và gia đình. Nhưng lần đó không gặp chị, may mắn gặp được cụ bà. Khi đó mắt cụ đã mờ, cũng không hề biết anh, mãi khi giới thiệu tên tuổi, cụ mới nhận ra anh.
Sau khi làm chân giả ở Tam Điệp, về nhà vài hôm rồi anh cùng với một người chú xuống nhà chị chơi và xin phép gia đình để thống nhất ngày, giờ ra mắt họ hàng bạn bè và người thân.
Mùng 4 Tết năm 1986, được anh Hoàng Kim Quý (lúc bấy giờ là tiểu đoàn phó) cho một chuyến xe, đây không phải là một chiếc xe bình thường mà là chiếc xe kéo pháo của tiểu đoàn, sáng hôm sau, anh đón dâu từ Thọ Xuân lên Cẩm Thủy. Lễ rước dâu được tổ chức rất đơn giản chỉ vài người đại diện, rồi cả đoàn gồm 7-8 người lên xe đưa cô dâu về nhà chồng.
Qua thành nhà Hồ ở Vĩnh Lộc chiếc xe kéo pháo của tiểu đoàn bị hỏng, mà quanh đó ngày ấy không có lấy một chỗ để sửa xe, anh Đông chia sẻ: “Vất vả đâu chẳng thấy nhưng lúc gặp trường hợp như thế, trước mắt cả đoàn ai cũng đói, lại không quen biết ai, may có ông bác gần nhà thờ Vĩnh Lộc, cách đó mấy cây số, để thông báo tình hình và tìm cách khắc phục. Và đang là Tết nên nhà còn ít bánh chưng, bác vội vàng gói gém mang lên cho cả đoàn ăn và sửa xe”.
Nhưng rồi tình hình sửa xe cũng không mấy khả quan nên anh chị quyết định đạp xe từ thành nhà Hồ về Cẩm Thủy. Khi đó chị đèo anh, em trai chị đèo đồ đạc, còn xe kéo pháo thì ở lại. Đón dâu đầy gian nan, cả đoàn xuất phát từ 6 giờ sáng mà mãi đến 8 giờ tối mới về đến Cẩm Thủy, đạp xe về gần đến nhà thì cán bộ xã ra bên kia cầu đón anh chị, hỏi sao không thấy xe tiểu đoàn đâu?
Chiều ngày mùng 6 Tết năm đó, xã đứng ra tổ chức đám cưới cho anh chị tại đình làng Cẩm Phong, Cẩm Thủy. Nhớ lại ngày hôm ấy, anh Đông lại bùi ngùi xúc động: “Mình còn may mắn hơn nhiều đồng đội, hạnh phúc nhất là có một gia đình êm ấm, các con khôn lớn, thành đạt ngoan ngoãn, mỗi chiều cháu nội đi học về ríu rít, tôi lại thấy yêu hơn”.
Anh Phêrô Lê Xuân Đông và vợ
Mặc dù chiến tranh đã lấy đi của anh quá nhiều thứ, nhưng chị Maria Nguyễn Thị Xuân vợ anh chính là sự bù đắp cho những mất mát ấy của anh. Chúc cho tình yêu của anh chị mãi vững bền theo năm tháng và tình yêu ấy luôn để thế hệ trẻ chúng tôi trầm trồ, ngưỡng mộ…
Bài, ảnh: ĐỖ HOA