"Sự xâm thực của biển khiến chúng tôi đã từng phải bỏ nhà thờ, vườn tược chạy lùi vào đất liền đến ba lần nhưng đến nay vẫn chưa được yên" - linh mục Vinh Sơn Lê Văn Luật nguyên chánh xứ nhà thờ xứ Xương Điền, xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, nói trong bức xúc.
Nhìn theo hướng tay linh mục Luật chỉ, ba ngôi nhà thờ (Giáo họ: Trái tim, Thánh Phê - rô, Thánh Ma -đa- lê-na) nguy nga đồ sộ, đã từng là công trình văn hoá, tôn giáo, niềm tự hào của bà con giáo dân xã Hải Lý ngày nào nay chỉ còn lại ba cái xác tường đổ nát nằm chênh vênh sát mép mực nước biển.
Nói về sự xâm thực của biển qua thời gian, linh mục Luật cho biết: Tính riêng giáo xứ Xương Điền từ khi thành lập (năm 1696) đến nay thôi, đã bị biển xâm thực mất ba lần, lấn vào đất liền trên 7km, mỗi lần xâm thực phải phá bỏ hoặc bị cuốn trôi bảy ngôi nhà thờ và hàng ngàn ngôi nhà người dân cả lương và giáo, ruộng vườn, cây trồng vật nuôi; phải dịch chuyển, đắp lại 14 lần đê số 50.
Nhà dân và nhà thờ xã Hải Ly (Hải Hậu, Nam Định) đang bị biển xâm lấn.
Cùng với giáo xứ Xương Điền còn có các giáo xứ Xuân Hà, Kiên Chính, Phương Chính, Xuân Đài, Long Châu, chạy dài ven biển Hải Hậu… tính cả thảy đã phải phá dỡ, làm mới lên đến con số gần 50 ngôi nhà thờ, tốn kém biết bao công sức, vật chất, tinh thần, trí tuệ của bà con giáo hữu và xã hội. Mỗi lần mất đất, mất nhà, bà con lại lùi vào phía trong. Số bà con giáo dân đến nhờ linh mục xác nhận chuyển sinh hoạt tôn giáo đi nơi khác đã lên đến con số trên 8 ngàn người.
"Vậy phải làm gì để chế ngự lại sự xâm thực này?" - linh mục tự đặt câu hỏi rồi trả lời một cách ngắn gọn: "Phải biết tôn trọng môi trường sinh thái tự nhiên của nó" - Linh mục nói - “khi tôi lớn tại đất này, tôi không thấy biển hung dữ như bây giờ vì lúc đó có các loại cỏ mọc rất dầy, đan xen vào nhau, lớp này chồng lên lớp khác, mỗi ngày khi phù sa dâng lên, lại phủ thêm một lớp đất mầu mỡ, vừa bồi đắp cho đất lấn ra vừa nuôi dưỡng cho cỏ sinh trưởng... Khi nước rút xuống chứng kiến cảnh "biển bạc" nào là guộc, sò, điềm điệp, trùng trục… muốn ăn chỉ việc vơ lấy mang về! Còn hôm nay không những bị mất đi những sản vật quý giá từ biển mà còn bị biển cuốn trôi cả nhà cửa ruộng vườn, cơ sở thờ tự mà còn đe dọa đến cả tính mạng con người…
Nguyên nhân thì cũng có nhiều cách lý giải mặt này mặt khác, nhưng không thể chối bỏ được là chính chúng ta đã phá vỡ mất môi trường sinh thái tại bờ. Cụ thể như phá đi những lớp cỏ đan giữ cát và phù sa. Cách riêng của tôi là phải trồng lại - đúng - cái thứ cỏ nó đã từng thích nghi tại môi trường này ngàn đời như các loại cỏ mặt trời, cỏ dầy, cỏ gà, sậy, muống biển, sôm sôm, mền trầu, tanh tách, sài hồ, cỏ ngạn (gấu), cỏ sậy, xú vẹt, dứa dại… là những thứ cây, cỏ chịu được nóng, nắng và mặn…
Vừa qua, các tổ chức phi chính phủ Đan Mạch đã đưa cỏ của họ sang trồng giúp chúng ta, nhưng đến nay những cây trồng ngoài đê khi gặp mặn đều đã chết; trong đê cũng bị táp nóng chết dần; ngành thủy lợi đã từng đan những chiếc rọ bằng lưới thép (đựng đá) chống sóng tạt, đến nay đều đã han gỉ, chỉ một đợt sóng mạnh lại bị cuốn trôi tất cả”.
"Không có cách nào diệu kỳ bằng trả lại môi trường sinh thái vốn có của nó (trồng các loại cỏ chịu được nóng - nắng - mặn), cách này nếu nhân dân ven biển nước ta ý thức được thì mỗi năm tiết kiệm cho Nhà nước và nhân dân hàng ngàn tỉ đồng, bởi đó không những là cách làm đúng, mà còn rất rẻ… Những người dân muốn cứu được mình hãy biết giữ gìn những tầng thảm cỏ đê biển, không cho trâu, bò, dê, nghé… gặm cỏ; nhân dân đừng vì những vuông tôm, vuông cá mà đào phá các thảm cỏ tự nhiên ấy”.
Nhưng việc cấp bách cần phải làm ngay tránh thiệt hại to lớn cho bà con là cần phải đắp tôn lên cho con đê bao số 50 thêm chừng 1 mét; con đê này cơn bão số 7 năm 2005 sóng biển đã vượt qua, đánh sạt nham nhở nhiều chỗ, năm nay khi bão chưa đổ bộ chính thức vào đây nhưng mực nước biển đã lên đến lưng chừng; nếu mùa bão năm nay đổ bộ vào một cơn bão tương tự, thì con đê này chắc chắn không thể trụ vững.
Cần có sự chung tay của Nhà nước và các ban, ngành hữu quan - Linh mục Lê Văn Luật đề nghị