Giáo xứ Phúc Thành có gần 3000 giáo dân, sinh sống trên địa bàn các xã Nam Dong, Ea Pô, Ðắk Wil, Ðắk D’rông. Các hộ giáo dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó chú trọng tới các cây công nghiệp giá trị kinh tế cao phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, mít Thái. Đồng thời phát triển nghề truyền thống và ngành dịch vụ… Từ những chuyển đổi cơ cấu kinh tế đó đã giúp bà con từng bước cải thiện cuộc sống, từng bước vươn lên làm giàu. Nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng/ năm như hộ ông Phạm Văn Thái ở thôn Tân Bình; bà Phạm Thị Ngọc Trì ở thôn 7, xã Nam Dong; ông Nguyễn Ðăng Truyền ở thôn 4, xã Ðắk Wil; ông Cao Xuân Như ở thôn Hợp Tân, xã Ea Pô… Điều đáng trân trọng là nhiều giáo dân không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn giúp đỡ về vốn, kỹ thuật, vật tư cho những giáo dân khác để cùng phát triển kinh tế, đồng thời cùng với cộng đoàn giáo xứ tích cực tham gia các hoạt động bác ái, từ thiện như ủng hộ đồng bào bị thiên tai, thăm tặng quà các gia đình nghèo có hoàn cảnh éo le, neo đơn…
Bên cạnh phát triển kinh tế, các họ đạo trong xứ còn quan tâm tới đời sống tinh thần cho con em như tổ chức các hội trại dịp tết Trung Thu, lễ Noel, làm phòng đọc sách báo, thành lập các câu lạc bộ (theo ngành nghề), xây dựng các điểm vui chơi, thể thao… Qua đó đã hướng thanh thiếu niên tới lối sống lành mạnh, trách xa tệ nạn xã hội. Nhiều giáo dân còn tích cực tham gia tổ tự quản, lực lượng dân phòng ở địa phương nhằm ngăn chặn tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự ở khu dân cư. Hầu hết các gia đình Công giáo đều đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, cam kết thực hiện đúng nội dung của phong trào và gương mẫu thực hiện các quy ước của thôn xóm tại nơi cư trú. Việc xây dựng nếp sống văn minh trong các ngày lễ, hiếu, hỉ được các gia đình thực hiện một cách nghiêm túc và hiệu quả.
Hưởng ứng Chương trình xây dựng nông thôn mới, linh mục quản xứ đã vận động bà con giáo dân đóng góp ngày công và kinh phí cùng chính quyền nâng cấp, xây dựng mới các tuyến đường giao thông nông thôn. Nhiều gia đình giáo dân đã hiến đất, phá bỏ một phần diện tích cây cối, hoa màu để mở rộng đường làng, ngõ xóm, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn trở nên khang trang. Tiêu biểu như gia đình ông Ðỗ Văn Thạnh ở thôn 6, xã Nam Dong hiến gần 700 m2 đất và phá bỏ trên 100 cây cà phê, trụ tiêu đang trong thời kỳ thu hoạch để mở rộng đường cho thôn.
Theo ông Bùi Trọng Tuấn, Chủ tịch UBND xã Nam Dong, những việc làm trên của bà con giáo dân đã góp phần đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương (đến nay Nam Dong đạt 9/19 tiêu chí nông thôn mới).