Thực hiện khoảng 1600 bài phát biểu, diễn thuyết và nói chuyện tại trên dưới 50 quốc gia ở 4 lục địa khác nhau, truyền cảm hứng sống và vươn lên cho hàng triệu người, Nick Vujicic đã trở thành biểu tượng của sức sống mãnh liệt trên toàn cầu.
Là người tin Chúa, quả thực Nick Vujicic không chỉ đem đến cho người khuyết tật một ngọn lửa nghị lực lớn lao, nhưng còn đem đến cho tất cả chúng ta một tấm gương về lòng tín thác mạnh mẽ vào Chúa.
Nick chào đời ngày 4.12.1982, tại một góc phố nhỏ ở Melbourne, Úc, Nhưng ngay trong khoảnh khắc thiêng liêng ấy, cả bố mẹ nó đều gần như ngất đi sau khi nhìn thấy đứa con bé bỏng chỉ có đầu và tấm thân yếu ớt không tay không chân. Cả gia đình Nick hết sức đau buồn và hốt hoảng vì điều đó và nỗi lo cho đứa con đau yếu khác người. Tuy vậy, Nick khỏe mạnh như những trẻ em bình thường khác. Anh dần lớn lên trong sự yêu thương đặc biệt của tất cả mọi người.
Khi lên 6 tuổi, Nick được người cha - một lập trình viên máy tính – chỉ dạy cách gõ phím và làm quen với máy vi tính. Khi Nick đến tuổi đi học, bố mẹ anh quyết định không gửi con vào trường dành cho những trường hợp khuyết tật mà lại đăng ký cho con trai mình cùng học với những đứa trẻ bình thường. Lý do là cả hai đều muốn con mình học cách sống tự lập ngay trong hoàn cảnh khó khăn nhất. Nick chia sẻ “Đó là một quyết định đúng, tôi luôn thầm cảm ơn bố mẹ mình vì đã cho tôi học trong môi trường của những học sinh bình thường”.
Tuy vậy, với hình hài khác biệt với mọi người, trong thời gian đi học, Nick phải trải qua những điều thách đố: bị bạn bè bắt nạt, miệt thị và tẩy chay. Suốt nhiều năm phải sống trong hoàn cảnh khủng khiếp như thế, tâm hồn dễ vỡ của Nick đã bị tổn thương trầm trọng và sụp đổ đến mức cậu không muốn tồn tại nữa…
Cho đến một lần, mẹ của Nick đã đưa cho con trai đọc bài báo về một người đàn ông tật nguyền, khát khao được sống khỏe để tiếp tục giúp đỡ cho cộng đồng. Hình ảnh ấy đã thay đổi Nick hoàn toàn. Anh bắt đầu tìm lại sự tự tin, niềm ham sống và khát khao thể hiện mình. Anh được người mẹ tận tụy của mình “sáng chế” một chiếc kẹp bút, có thể gắn vào một trong hai ngón chân nhỏ của Nick, để viết lách. Nick không có cẳng chân mà chỉ có 2 bàn chân bé tẻo teo, mỗi bàn có 2 ngón chân nhỏ xíu. Nick bắt đầu tập bơi hồ bơi, ra sân chơi đá bóng cùng lũ bạn, gồng mình chạy nhảy nô đùa trên đôi bàn chân nhỏ ấy. Sau này, Nick gọi bàn chân nhỏ xíu ấy là “cái dùi trống”. Nick cũng bắt đầu thành thạo với việc dùng ngón và gót chân lướt phím trên máy vi tính. Phương pháp “gót và ngón” cũng được Nick dùng chơi tennis, trả lời điện thoại, cạo râu hay uống nước.
Năm 1990, Nick Vujicic vinh dự được trao giải thưởng “Công dân trẻ nước Úc” nhờ sự vững gan bền chí của mình trong nỗ lực vượt lên số phận. “Thay vì tức giận vì những gì mình không có, hãy biết ơn những gì đang có” - chính là bí quyết để chàng trai không tay chân Nick Vujicic vượt qua nghịch cảnh.
Năm 21 tuổi, Nick tốt nghiệp ĐH với hai chuyên ngành cùng một lúc là Kế toán và Kế hoạch tài chính. Hiện Nick còn điều hành Life Without Limbs, một tổ chức phi lợi nhuận hướng về những người khuyết chi.
Chàng trai 31 tuổi này khởi động các chương trình diễn thuyết truyền cảm hứng sống của mình năm 17 tuổi, tại những nhà thờ, trường học ở địa phương. Nick thường chọn những chủ đề khó khăn mà giới trẻ ngày nay phải đối mặt để diễn thuyết.
Chiều 22/5, chàng trai Nick Vujicic đã đến Việt Nam. Vừa xuống sân bay Tân Sơn Nhất Nick Vujicic đã được sự chào đón nồng nhiệt của đông đảo các bạn trẻ, doanh nhân và người dân TP Hồ Chí Minh. Ngay sau đó, Nick đã có buổi giao lưu “Chào Việt Nam” với chủ đề “Sức mạnh của nghị lực - Vươn lên từ nghịch cảnh” diễn ra tại trung tâm hội nghị White Palace. Buổi giao lưu là chương trình đầu tiên trong chuỗi sự kiện kéo dài gần 1 tuần của Nick Vujinic tại Việt Nam.
Trong những ngày tại Việt Nam, Nick đã tham gia nhiều chương trình như: giao lưu với khán giả trong chương trình Chào Việt Nam với chủ đề "Hãy sống cho điều ý nghĩa hơn", giao lưu với các doanh nhân Việt Nam với chủ đề “Không bao giờ bỏ cuộc”; giao lưu với chủ đề “Hãy sống như Nick”; nói chuyện với hơn 30.000 học sinh, sinh viên trên địa bàn TP HCM.
Thông tin chàng trai “không tay, không chân” Nick Vujicic đến Việt Nam nhận được sự quan tâm của nhiều người dân ở Việt Nam. Nhất là với những người khuyết tật, đây là một sự kiện quan trọng đối với họ, bởi những chia sẻ yêu thương và nghị lực sống tuyệt vời từ Nick sẽ giúp họ có thêm nghị lực để vươn lên trong cuộc sống.
Theo Nick Vujicic, để Việt Nam có nhiều hơn những con người như Nick thì “chỉ có người Việt Nam mới cứu được người Việt Nam”. Cũng như để nước Úc có Nick Vujicic, những người Úc đã chung tay “cứu” Nick bằng những hoạt động hỗ trợ tích cực và hiệu quả. Người khuyết tật cần xã hội cho cơ hội và cần có quyết tâm nắm lấy cơ hội.
Để có thể vượt qua mọi khó khăn thử thách và thành công như hôm nay, Nick Vujicic không chỉ dựa vào nỗ lực và ý chí không bao giờ từ bỏ của bản thân. Trong bài diễn thuyết của mình, anh còn cám ơn gia đình và xã hội. Nếu ai đã từng đọc những cuốn tự truyện của Nick thì không khỏi khâm phục những sáng tạo bằng tất cả tình yêu thương của cha mẹ Nick dành cho anh khi cố gắng sửa chữa những vật dụng đời thường nhất để anh có thể tự sử dụng. Chẳng hạn như cha anh nghĩ ra cách gắn bàn chải điện lên tường để anh có thể tự đánh răng bằng cách nghiêng đầu. Mẹ anh thì làm những chiếc quần khóa bằng nút dán để anh có thể tự thay đồ…
Có lẽ, nếu không có tình yêu thương đó của cha mẹ sẽ rất khó có 1 Nick Vujicic năng động, tự tin và mạnh mẽ như ngày hôm nay. Và anh cũng không phủ nhận sự hỗ trợ to lớn từ chính quyền nước Úc và những người dân Úc bình thường nhất đã giúp mình phát triển bản thân.
Trong chương trình “Chào Việt Nam” diễn ra tại Sài Gòn vào buổi tối ngày 22 tháng 5 vừa qua, với thông điệp “Hãy sống cho điều có ý nghĩa hơn”, Nick chia sẻ: “Ở Úc tôi cũng không được Chính phủ hỗ trợ hoàn toàn như nhiều người lầm tưởng. Chính phủ có hỗ trợ cho tôi rất nhiều, nhưng khi vào đại học thì chính quyền cũng không tìm cho tôi 1 trường học phù hợp hay hỗ trợ điều kiện cho tôi học tập. Rất may là tôi được Tổ chức hỗ trợ những người Úc giúp cho rất nhiều thứ để có thể học tập và làm việc”.
Và từ đó, Nick gửi gắm đến xã hội Việt Nam thông điệp: “Chỉ có người Úc mới cứu được người Úc. Và cũng chỉ có người Việt Nam mới cứu được người Việt Nam!”. Chỉ có cộng đồng người Việt Nam mới có thể giúp những con người Việt Nam chịu nhiều thử thách như Nick để vượt qua khó khăn
Tuy nhiên, anh cũng khuyên những con người đang chịu nhiều thử thách như anh không nên chờ đợi sự hỗ trợ của gia đình, xã hội mà tự bản thân mình phải xác định mục tiêu sống có ý nghĩa hơn, để phấn đấu và nắm bắt cơ hội.
Với thông điệp “Hãy sống cho điều có ý nghĩa hơn” và với dẫn chứng là bản thân mình đã cố gắng sống, làm việc để đem ngọn lửa động lực đến cho càng nhiều con người đang bế tắc, giúp họ vui sống… Nick đã thuyết phục hàng ngàn khán giả trong hội trường buổi nói chuyện hôm đó.
Thạc sĩ chuyên ngành hành vi học Võ Thị Hoàng Yến, một người khuyết tật đồng thời cũng là Giám đốc Trung tâm Khuyết tật & Phát triển cho biết: “Nhiều năm làm việc với người khuyết tật, tôi hiểu tâm tư, những ước nguyện, và trăn trở của người khuyết tật, đặc biệt là thanh niên khuyết tật trước sự bấp bênh của cuộc sống. Nhiều em nghĩ đến cái chết vì luôn ám ảnh rằng mình là gánh nặng của gia đình và xã hội. Các em sinh viên, thanh niên khi đến với tôi cũng thế. Các em như một thế hệ lạc lõng, mất phương hướng, mất niềm tin vào những điều tốt đẹp, và luôn trăn trở “Tôi là ai? Tôi sống trên đời này để làm gì? Ý nghĩa cuộc sống là gì?”. Do đó, bà Võ Thị Hoàng Yến đánh giá rất cao sự kiện Nick Vujicic đến Việt Nam và những thông điệp mà Nick chia sẻ. Bà cho rằng: “Nick xuất hiện như là sự truyền lửa cần thiết cho mọi người, đặc biệt là cho người khuyết tật và thanh thiếu niên. Vì anh là một thanh niên khuyết tật và vì anh là người biết tin. Nhờ đó mà anh có sức mạnh để lan toả niềm tin, giúp người khác tự chữa lành vết thương của chính mình và hướng đến những điều tốt đẹp!”.
Nick Vujicic đã rời Việt Nam sau 5 ngày làm việc và gặp gỡ, diễn thuyết, trò chuyện (từ 22 - 26.5). Trong suốt thời gian này, gần như anh dành hết thời gian để gặp gỡ, chia sẻ với nhiều người ở mọi tầng lớp, với những tấm gương nghị lực sống. Tất cả, ít nhiều đã để lại trong tâm trí người Việt sự yêu mến, nể phục. Những người may mắn thì gặp trực tiếp Nick qua những buổi diễn thuyết, người không có điều kiện thì theo dõi trên truyền hình. Đi tới đâu trong những ngày vừa qua cũng nghe nhắc đến anh, một người không tay, không chân nhưng không bao giờ từ bỏ khát vọng sống và vươn lên.
Không chỉ là tấm gương cho những người khuyết tật, anh còn giúp cho cả những người khỏe mạnh bình thường có thêm niềm cảm hứng để phấn đấu trong cuộc sống. Không biết khi nào anh trở lại nhưng chắc hẳn hình ảnh thân quen và nụ cười luôn gắn trên môi của anh sẽ luôn ở lại Việt Nam.
Chàng trai không tay, không chân Nick Vujicic - con người đầy nghị lực đã đến Việt Nam - và đã có những câu nói để đời, giúp vực dậy tinh thần, truyền cảm hứng cho những người đang tuyệt vọng và vật lộn tìm lẽ sống. Chúng ta cùng đọc lại những lời chia sẻ của anh về niềm tin và sự tín thác vào Thiên Chúa:
Chúa có những kế hoạch cho cuộc đời tôi, và vì điều đó nên tôi không thể tự nhấn chìm mình trong nỗi thất vọng.
Bạn có thể ngập chìm trong những thứ tiền có thể mua được, và bạn vẫn sẽ đau khổ như nhân loại vẫn thế. Tôi biết những người có cơ thể hoàn hảo mà không có được một nửa hạnh phúc mà tôi tìm thấy. Trong những chuyến đi của tôi, tôi thấy nhiều niềm vui ở những khu ổ chuột ở Mumbai hay nhà tế bần ở châu Phi hơn ở những khu dân cư kín cổng cao tường giàu có và những điền trang rộng ngút ngàn triệu đô.
Tôi có lựa chọn hoặc giận dữ với Chúa vì những thứ tôi KHÔNG CÓ, hoặc biết ơn vì những gì tôi CÓ.
Tôi yêu cuộc sống của tôi, vì tôi đã thấy mục đích của mình.
Khi tôi thừa nhận rằng Chúa yêu thương tôi và có mục đích dành cho tôi, sự tự nhận thức về bản thân của tôi thay đổi và cả thái độ, hành động của tôi cũng vậy. Điều đó không xảy ra chỉ sau một đêm, nhưng qua thời gian tôi đã không né tránh việc giao tiếp với các bạn học ở trường và ở nơi tôi sống nữa. Tôi không còn trốn trong phòng dạy nhạc một mình để khỏi phải giao lưu với các bạn học trong giờ nghỉ ăn trưa. Tôi thôi không giấu mình sau bụi cây ở sân trường. Cha mẹ tôi đã khuyến khích tôi bắt chuyện với bạn bè thay vì đợi họ tìm đến tôi trước. Cuối cùng tôi đã bước ra khỏi cái vỏ ốc của mình và tôi phát hiện ra rằng khi mọi người biết và hiểu tôi, họ chấp nhận tôi và phát hiện ra tôi là người có thể khích lệ người khác. Quan trọng hơn, tôi đã chấp nhận bản thân mình.
Khi tôi chưa thoát ra khỏi nỗi sợ bị từ chối, không ai có thể biết con người Nick thực sự. Tôi cảm thấy thương cho bản thân mình, và mọi người cảm thấy thương hại tôi. Nhưng khi tôi chia sẻ những gì tôi đã đạt được với các bạn học, họ cùng khen ngợi những thành tích đó. Khi tôi cởi mở trước sự tò mò và những câu hỏi của họ về tình trạng thiếu chân tay của tôi, nói chuyện một cách thoải mái với họ, cười với họ, họ trở thành bạn của tôi.
Sự tôn trọng của bạn bè giúp tôi nâng cao sự tự ý thức về bản thân và khiến tôi thêm tự tin để trở nên cởi mở hơn. Tôi hiểu ra rằng sự khác biệt về hình thể chỉ trở thành trở ngại nếu như tôi cho phép nó như vậy. Có một số việc tôi không thể làm, nhưng tôi thường khiến chính bản thân mình và người khác ngạc nhiên bằng cách tìm ra những cách khá khéo léo để vượt qua thách thức. Tôi trượt ván, bơi, vượt nhiều bạn học về thành tích học tập, đặc biệt với môn toán và – thật ngạc nhiên – về khả năng diễn thuyết!
Khi tôi hiểu được giá trị của bản thân mình, tôi biết coi trọng người khác hơn. Họ đáp lại sự coi trọng mà tôi dành cho họ bằng cách coi trọng tôi. Kinh Thánh dạy chúng ta hãy yêu hàng xóm như yêu chính bản thân mình. Nếu bạn yêu và chấp nhận bản thân mình, thì bạn sẽ giàu tình yêu thương hơn, dễ chấp nhận người khác hơn. Bạn tạo ra một môi trường trong đó tình bạn và tình yêu dành cho người khác có thể được nuôi dưỡng, vun bồi.
Bạn đối với bản thân mình như thế nào thì người khác sẽ đối với bạn như thế. Nếu bạn không tôn trọng bản thân mình thì làm sao bạn có thể mong người khác tôn trọng bạn? Nếu bạn không yêu quý bản thân, thì người khác có thể yêu quý bạn được chăng? Tất nhiên là không. Nhưng nếu bạn thoải mái với chính mình, thì người khác sẽ cảm thấy thoải mái về sự có mặt của bạn. Nếu bạn làm cho người khác cảm thấy tốt về bản thân họ bởi sự tin cậy, khích lệ, chấp nhận mà bạn dành cho họ, thì tôi tin tình yêu sẽ tìm thấy bạn.
Khi tôi diễn thuyết trước đám đông học sinh và các nhóm thanh thiếu niên tại các nhà thờ, tôi luôn nói với họ rằng Chúa yêu họ vì chính bản thân họ. Tôi nói với họ rằng họ đẹp và rằng họ cần coi trọng bản thân mình như Chúa coi trọng họ. Đó là những lời nói đơn giản. Tuy nhiên mỗi lần tôi nói ra những lời đó, tôi thấy nhiều người xúc động đến rơi lệ. Tại sao lại như vậy? Đó là bởi vì những người trẻ tuổi thường nghĩ rằng họ phải trở nên hợp thời (hợp với số đông) nếu không họ sẽ bị loại. Họ cũng thường cảm thấy cần phải có một vẻ ngoài ưa nhìn, quần áo thời trang, phải thế này, thế kia mới được chấp nhận. Nhưng không phải vậy. Chúa chấp nhận tất cả chúng ta như chúng ta vốn có.
Bạn là đứa con đẹp đẽ của Chúa. Nếu Cha của tất cả chúng ta - Đấng Sáng Tạo của vũ trụ - yêu bạn, thì bạn cũng phải yêu chính bản thân mình.
Ước mong tấm gương nghị lực sống của Nick Vujicic sẽ trở nên ngọn đèn cháy sáng, chiếu tỏa trên cuộc đời chúng ta giữa những khó khăn thách đố, là động lực cho những anh chị em khuyết tật vươn lên trong cuộc sống.
Lạy Chúa, xin tạ ơn Chúa đã cho chúng con một Nick Vujicic đầy tình mến Chúa và lòng tín thác. Xin cho chúng con luôn chạy đến với Chúa, và tin tưởng vào sự quan phòng đầy yêu thương của Chúa.