Gương điển hình

Đức Giám mục Jean Cassaigne tông đồ người cùi ở Việt Nam

Cập nhật lúc 06:27 16/10/2021
Trong khóa họp Hội đồng Giám mục Việt Nam thường niên kỳ thứ I/2021 từ ngày 12-16/4/2021 vừa qua, tại Tòa Giám mục Nha Trang, các Đức Giám mục của 27 giáo phận, đều tán thành và “Chấp thuận để Đức Giám mục giáo phận Đà Lạt xúc tiến hồ sơ xin tuyên Chân phước và Hiển thánh cho Đức Giám mục Jean Cassaigne”.
Ðức cha Jean Cassaigne - Bạn của người phong tại Việt Nam. Ảnh: TL
Ðức cha Jean Cassaigne - Bạn của người phong tại Việt Nam. Ảnh: TL
Trong khóa họp Hội đồng Giám mục Việt Nam thường niên kỳ thứ I/2021 từ ngày 12-16/4/2021 vừa qua, tại Tòa Giám mục Nha Trang, các Đức Giám mục của 27 giáo phận, đều tán thành và “Chấp thuận để Đức Giám mục giáo phận Đà Lạt xúc tiến hồ sơ xin tuyên Chân phước và Hiển thánh cho Đức Giám mục Jean Cassaigne”. Đức Giám mục Jean Cassaigne - một con người từ bỏ mọi sự, để về sống chết với người phong cùi xứ Thượng. Dù ngài nằm xuống tính đến nay đã 48 năm (1973-2021) nhưng vang vọng đâu đó khắp núi rừng cao nguyện vẫn đọng lại những câu chuyện, từng cử chỉ thân thương như một người cha nhân lành ưu ái dành cho con cái là các bệnh nhân của làng cùi Di Linh lâu nay. 
1.
Khi tham dự khóa IV Công đồng Vatican II năm 1965, cả nghị trường trầm trồ ca tụng cử chỉ cao đẹp của Đức Hồng y Paul Émile Léger, Tổng Giám mục Montréal (Canada) chuẩn bị xin từ chức, để sang châu Phi giúp người cùi. Đức Giám mục Simon-Hòa Nguyễn Văn Hiền có mặt liền khiêm tốn lên tiếng: “Bên Việt Nam chúng tôi đã 10 năm nay, có một vị Giám mục đang làm cha xứ, làm quản lý kiêm y tá một trại cùi ở địa phận Đà Lạt chúng tôi...”. Sau lời phát biểu đó, Đức Giám mục còn cho biết tiếp: “Các Nghị phụ bỡ ngỡ, vì một biến cố như vậy mà không ai hay biết...”. Nay tìm lại nhân vật mà Đức Giám mục Việt Nam đã giới thiệu với các Nghị phụ năm châu bốn biển: Đó là Đức Giám mục Jean Cassaigne, có tên tiếng Việt là Gioan Sanh, thuộc Hội Thừa sai Paris (MEP), nguyên Giám mục địa phận Sài Gòn từ năm 1941-1955. Xin tóm tắt tiểu sử của ngài như sau:
Cậu bé Jean Cassaigne chào đời ngày 30/1/1895 tại vùng Landes, nước Pháp, là người con duy nhất trong gia đình.Chẳng may, thân mẫu từ trần lúc Jean lên 12 tuổi. Phải chăng vì vậy mà trong đường học vấn đã không chăm chỉ, còn cứng đầu quậy phá nghịch ngợm, đến nỗi cha cậu phải nhiều lần xin các sư huynh bỏ qua cho để tiếp tục học. Nhưng riêng linh mục tuyên úy lại nhận xét cậu có tư chất thông minh nên chọn cho giúp lễ hằng ngày.
Năm 1913, Cassaigne tròn 18 tuổi, xin vào Đại Chủng viện Truyền giáo của Hội Thừa sai Paris như một chủng sinh tu muộn. Rủi thay! Năm 1914 chiến tranh thế giới thứ I bùng nổ.Lệnh tổng động viên ban hành trên toàn nước Pháp và cậu phải nhập ngũ. Cho đến ngày 14/7/1918 chiến tranh Pháp - Đức kết thúc, Jean mới được giải ngũ. Ngày 11/9 năm đó, cậu lên đường trở về Đại Chủng viện tu học tiếp. Đến ngày 19/12/1925, Jean Cassaigne 30 tuổi, thụ phong linh mục cùng với 8 anh em Thừa sai đồng lớp.
2. Sau những ngày về gia đình vui mừng dâng lễ tạ ơn, cùng từ giã mọi người thân. Để thỏa lòng ước mong, ngày 10/2/1926, tân linh mục được chính thức sai đi truyền giáo ở địa phận Sài Gòn, Việt Nam. Ngài lên tàu, khởi hành từ ngày 6/4/1926. Sau một tháng lênh đênh trên biển cả, tới ngày 5/5/1926, tân linh mục Jean Cassaigne đến trình diện Tòa Giám mục Sài Gòn.
Linh mục Jean được đưa xuống giáo xứ Cái Mơn - Vĩnh Long học tiếng Việt. Dự trù theo thông lệ ít nhất phải 6 tháng. Nhưng chưa đầy 5 tháng thì có lệnh triệu về Sài Gòn, nhận bài sai đi phụ trách Thí điểm Truyền giáo Djiring ở Cao nguyên Trung phần vào tháng 10/1926.
Djiring tọa lạc cách thành phố Đà Lạt khoảng 80 km, có địa hình lồi lõm với nhiều thung lũng sâu và dốc cao. Linh mục Jean mới tới, chưa thông thạo ngôn ngữ địa phương, không kịp nắm bắt phong tục tập quán dân cư và thích ứng với khí hậu, phong thổ khắc nghiệt miền nhiệt đới, nơi lam sơn chướng khí. Thật là đáng thương cho người “bỏ phố lên rừng”.
Đề cập đến Thí điểm Truyền giáo Djiring (năm 1958, Djiring mới được đổi thành Di Linh). Ban đầu, khi mới đến chỉ có 2 giáo dân là chú Nhân 12 tuổi từ Cái Mơn đi theo để giúp lễ và ông già Mười (bị điếc) làm bếp do cha sở Đà Lạt cho đi theo. Từ đó, ngài phải lăn lội quy tụ thêm được cặp vợ chồng anh lao công lò gạch ở gần đó, không con cái và cũng chưa có phép hôn phối. Ngày 30/1/1927, linh mục Cassaigne dâng thánh lễ Chúa nhật đầu tiên tại căn phòng nhỏ, vì chưa có nhà thờ. Dự lễ chỉ có vợ chồng anh lao công rối, ông bếp điếc và chú giúp lễ. Vỏn vẹn cả linh mụcchủ tế nữa là 5 người. Hôm ấy cũng chính là ngày kỷ niệm sinh nhật linh mục Cassaigne bước vào tuổi 33.
Thời gian lần hồi qua đi. Giữa vùng rừng núi, sào huyệt của bệnh sốt rét rừng, không tha ai, từ ông Mười điếc, rồi đến chú Nhân và cả linh mục Cassaigne cũng bị bệnh này hành hạ. Nhưng ngài không chịu nằm yên mà không làm gì để giúp các bệnh nhân, nhất là khi thấy họ bệnh nhưng chẳng biết chạy chữa ở đâu? Nhiều ngày, ngài đi hết chòi này sang lều khác, hết sóc này sang buôn kia, vai mang một bị đựng những thứ thuốc cấp cứu để giúp đỡ cho những ai cần. Ngoài ra linh mục Jean Cassaigne cũng dựng một cái lều bên nhà xứ, để những người ở xa đến xin thuốc, xin gạo có thể ngủ qua đêm.
Một ngày kia vào năm 1928, linh mục Cassaigne băng rừng vắng một mình thăm một buôn làng ở xa, thì bỗng nghe có nhiều tiếng kêu la ú ớ của một nhóm phong cùi rách rưới, dơ bẩn cố đuổi theo ngài như một đoàn ma đói kêu la: “Ớ ông lớn! Ớ ông lớn! Xin giúp chúng tôi! Chúng tôi khổ quá rồi!”. Bị gia đình, dòng họ, xóm làng kinh tởm xua đuổi, nên họ có ý định tụ họp nhau lên rừng sống lay lắt chờ chết. Nhìn thấy cảnh này ám ảnh tâm trí, nhiều đêm trằn trọc không ngủ được, nên linh mục Cassaigne quyết định vượt mọi khó khăn lập làng cùi, quy tụ những bệnh nhân lại với nhau.
 Với nhiều cố gắng, ngày 11/4/1929, làng cùi Djirinh được công nhận, với tổng số là 21 người. Để rồi 4 năm sau, có trên 100 bệnh nhân đến tá túc điều trị. Họ yên tâm vui sống bên cạnh người cha hiền, không còn sợ sự nghi kỵ, xa lánh của người thân, họ hàng...
3. Công việc mục vụ và cai quản trại cùi đi vào hoạt động, thì ngày 24/2/1941, linh mục Cassaigne nhận được điện tín từ Tòa Khâm sứ Sài Gòn thông báo việc Tòa Thánh quyết định chọn ngài làm Giám mục Sài Gòn, kế vị Đức Giám mục Isidore Dumortier Đượm đã qua đời ngày 16/2/1940. Nội dung bức điện tín yêu cầu “Cha vui lòng chấp nhận thánh ý Chúa”. Dù lòng không muốn, nhưng vì đức vâng lời phải nhận lãnh. Ngày 24/6/1941, ngài được tấn phong Giám mục Tông tòa Sài Gòn. Tuy là Giám mục, nhưng ngài luôn niềm nở đón tiếp bất cứ ai muốn gặp, và còn thường xuyên dùng xe đạp hoặc chạy Vespa đi thăm các khu dân nghèo ở Sài Gòn. Sau 14 năm, khi bước vào tuổi 60, Đức Giám mục Jean Cassaigne xin từ chức để nghỉ hưu, đã được Tòa Thánh chấp thuận. Ngày 30/11/1955, ngài tấn phong linh mục Simon-Hòa Nguyễn Văn Hiền (1906-1973) làm Giám mục kế vị.Thay vì về Pháp nghỉ ngơi, nhưng ngài lại tình nguyện trở lại Djirinh vào ngày 2/12/1955, để sống trọn vẹn phần đời còn lại, phục vụ chia sẻ khó nghèo với những người con làng cùi từ đây.
Vì sống một đời quá khắc khổ trong rừng nên Đức Giám mục Jean Cassaigne mang nhiều bệnh tật. Từ năm 1929, ngài đã mắc bệnh sốt rét rừng. Năm 1943 bệnh cùi đã đến với ngài vì sống gần gũi với người bệnh. Từ năm 1957 bị bệnh lao xương thật đau đớn. Năm 1964 ngài lại mắc thêm bệnh lao phổi hành hạ thân xác... Nhưng Đức Giám mục vẫn luôn vững tin, chấp nhận sự khó không một lời thở than. Chính ngài đã nói: “Đời tôi chỉ có ba ước nguyện: được chịu đựng, chịu đau, và chịu chết ở đây, giữa những người Thượng của tôi...”.
Chúa đã chấp nhận lời cầu xin của Đức Giám mục, đã cho ngài mang lấy bốn chứng bệnh nan y trên, và chịu đựng quá lâu dài đau đớn vì bệnh tật hành hạ. Ngài vẫn hằng đọc kinh cầu nguyện cho nước Việt Nam. Chính các bệnh nhân sống bên cạnh đã nghe ngài tâm sự: “Suốt 47 năm dài, cha đã sống giữa các con, đã sống tại Việt Nam này, và đã dâng hiến tất cả cho các con. Giờ đây, cha không tiếc một điều gì về sự dâng hiến toàn diện ấy.”.
4. Với sự hy sinh gắn bó và là người xây dựng làng Di Linh cứu chữa bệnh nhân phong cùi một cách tận tụy, hiệu quả, nên ngày 12/4/1972, ngài đã được Chính phủ trao tặng “Đệ Tứ đẳng Bảo quốc Huân chương” trên giường bệnh, ghi nhận công lao của Đức Giám mục.
Ngày 31/10/1973 vào lúc 1h25’ sáng, Đức Giám mục Jean Cassaigne đã ra đi, an nghỉ trong Chúa, mang theo niềm tiếc thương của con cái bệnh nhân. Theo nguyện vọng lúc còn sống, ngài được an táng ngay trong trại phong, dưới bóng tháp chuông nhà thờ, trên ngôi mộ đơn sơ có khắc dòng chữ: “Jean Cassaigne -1895-1973 - Amor et Caritas” (Yêu thương và Bác ái).
Để ghi ơn Đức Giám mục, hằng ngày các tín hữu tại làng cùi không quên ghé lại phần mộ đọc kinh, đôi khi cắm lên mộ ngài nhánh hoa rừng, để tỏ lòng tôn kính biết ơn người cha nhân lành suốt đời hy sinh vì con chiên ở vùng núi rừng Di Linh, mà nay danh thơm còn lan tỏa khắp nơi trên giang sơn đất nước mà Đức Giám mục Jean Cassaigne đã chọn cùng tuyên bố: “Việt Nam chính là quê hương của cha, bởi vì Chúa muốn như vậy...”. Lời nói thật đơn sơ của một vị thánh nhân giữa đời thường. Chúng ta hãy noi gương sống tinh thần bác ái của ngài, dấn thân làm việc Tông đồ để đem lương dân về cùng Chúa.
Vinhsơn Vũ Đình Đường
Thông tin khác:
Cha con đều là chí sĩ (15/10/2021)
Người linh mục trong bộ đồ bảo hộ nơi bệnh viện dã chiến (13/10/2021)
Tấm lòng thiện nguyện giữa đại dịch Covid - 19 (12/10/2021)
Những người đi "săn" Sars - Cov - 2 (11/10/2021)
Thánh Phanxicô Assisi (08/10/2021)
Doanh nhân Công giáo hết lòng vì đồng bào (07/10/2021)
Trận chiến với kẻ thù vô hình (06/10/2021)
Chiếc Blouse đẫm mồ hôi (05/10/2021)
Gần 86 tỷ đồng hỗ trợ lao động mất việc, sinh viên và người nước ngoài khó khăn (01/10/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log