Danh họa lừng danh với thương hiệu “Phố Phái”. Ảnh: CTV |
Danh họa Bùi Xuân Phái (1920 - 1988) là cái tên thuộc hàng kinh điển của nền Mỹ thuật Việt Nam. Những đóng góp của ông cho hội họa nước nhà, đặc biệt là thương hiệu “Phố Phái” sẽ còn sống mãi với thời gian. Tác phẩm chính của ông gồm: Hà Nội kháng chiến (Sơn dầu 1966), Phố cổ Hà Nội (sơn dầu 1972), Xe bò trong phố cổ (Sơn dầu 1972, Phố vắng (Sơn dầu 1981)… Họa sĩ quê Hà Nội, thuộc lòng từng con đường, ngõ ngách của 36 phố phường. Ông tốt nghiệp khoa Hội họa Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (khóa 1941-1945), tiếp đến tham gia kháng chiến, tham dự triển lãm nhiều nơi, giảng dạy tại Trường Mỹ thuật Hà Nội. Khi còn là học sinh Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ông đã vẽ phố và đã đi dự triển lãm ở Nhật Bản. Họa sĩ Bùi Xuân chuyên về chất liệu sơn dầu, đam mê mảng đề tài phố cổ Hà Nội. Ngay từ lúc sinh thời, sáng tạo của ông đã được quần chúng mến mộ gọi dòng tranh này là Phố Phái. Vào thập niên 70, khi người Hà Nội chợt nhận ra rằng đã từ lâu có một “Phố Phái” hiện hữu, đầy ắp trong lòng thành phố của mình, cho đến bây giờ người ta mới hiểu Bùi Xuân Phái đã “như một mạch nước ngầm, ngày càng lan rộng và thẩm thấu chân thành đến tận cùng những tâm hồn xa lạ”, người ta mới nhận ra tầm vóc của ông. Tranh phố của Bùi Xuân Phái vừa cổ kính lại rất hiện thực, thể hiện rõ hồn cốt của phố cổ Hà Nội những thập niên 50, 60,70.
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc (1926-2012). Ông sinh ở Hà Nội, quê Hưng Yên. Là một nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa nổi tiếng của Việt Nam, từng là một nhà giáo dạy các môn Văn, Sử, Địa ở trường phổ thông tại Hà Nội, ông dần dần đam mê nghiên cứu văn hóa, phong tục tập quán và lịch sử của đất Thăng Long và đã cho ra mắt 15 tập sách về Hà Nội, trong đó có: Hà Nội qua những năm tháng; Hà Nội con đường, dòng sông, lịch sử; Hanoi passé et présent, Hanoi past and present; Sites, histoire et légendes d’Hanoi; Hà Nội thành phố nghìn năm; Hà Nội và phụ cận; Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn; Mặt gương Tây Hồ; Phố và đường Hà Nội, Hà Nội - cõi đất con người. Ông còn là người chủ biên 6 bộ sách: Đường Hà Nội; Hỏi đáp 1.000 năm Thăng Long, Du lịch Hà Nội, Thần tích Hà Nội và tín ngưỡng thị dân; Lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Ông được tặng giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” năm 2009. Nguyễn Vinh Phúc từng nói: “Hà Nội thật đa dạng khiến tôi yêu mến. Tôi yêu một Hà Nội sang trọng, tài hoa, thanh lịch lẫn một Hà Nội lầm than, lầm lũi, còn nhiều cơ cực. Muốn nghiên cứu về Hà Nội trước hết bạn phải có một điều bắt buộc: Tấm lòng với Hà Nội”.