Đại dịch Covid-19 đã làm điên đảo đời sống xã hội của toàn thế giới gần hai năm nay, với hàng chục triệu người chết và hàng trăm triệu người nhiễm dịch.
Đại dịch Covid-19 đã làm điên đảo đời sống xã hội của toàn thế giới gần hai năm nay, với hàng chục triệu người chết và hàng trăm triệu người nhiễm dịch. Riêng tại Việt Nam, trãi qua ba đợt dịch kể từ đầu năm 2020 đến cuối tháng Tư năm 2021 cũng chỉ có trên 2 ngàn người bị nhiễm bệnh. Riêng đợt dịch thứ tư xuất phát từ đầu tháng 5 đã lây lan chóng mặt khắp cả ba miền Nam Trung Bắc, nâng tổng số bệnh nhân đến hôm nay 21/7 đã lên đến trên 65.000 người với hàng trăm người chết.
Sài Gòn là một thành phố lớn, là trung tâm kinh tế chính trị văn hóa của Việt Nam, là nơi quy tụ của hàng triệu người lao động tìm đến mưu sinh. Mật độ dân số của Sài Gòn quá cao so với các tỉnh thành khác, người người chen chúc. Cũng chính vì vậy mà đợt dịch này Sài Gòn là nơi bùng phát dịch lớn nhất với gần 40.000 người bị lây nhiễm. Thực hiện chỉ thị của Chính phủ, Sài Gòn phải giãn cách xã hội: nhà nhà cửa đóng then cài không tiếp xúc với nhau. Nhiều khu vực bị phong tỏa, cuộc sống của người lao động bị đóng băng. Kể cả vùng Đồng Nai, giáo phận Xuân Lộc cũng đã bị lây lan khá nhiều và nhiều vùng bị phong tỏa. Tốc độ lây lan chóng mặt đến nổi Chính phủ đã phải ra chỉ thị giãn cách đối với 19 tỉnh thành phía Nam để tránh sự lây nhiễm của đợt dịch này.
Miền Trung là nơi mà hàng năm phải gánh chịu nhiều thiên tai lũ lụt, người dân Sài Gòn và Đồng Nai là những người luôn tiên phong trong những chuyến hang cứu trợ miền Trung, thậm chí khi mà nước vẫn còn ngập những vùng quê nghèo thì những chuyến hàng của bà con đã kịp thời mang đến cho họ. Không chỉ vậy, bất kỳ một giáo xứ nào xây dựng những công trình nhà thờ nhà xứ đều được sự giúp đỡ của những nhà hảo tâm từ Sài Gòn Đồng Nai.
Cũng chính vì vậy mà Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam đã kêu gọi những người con miền Trung đáp lại nghĩa tình sâu nặng của người dân miền Nam để chung tay góp phần chia sẻ khó khăn trong thời gian bị phong tỏa này. Những giáo xứ nghèo quanh năm lũ lụt như Cây Da: linh mục quản xứ Huỳnh Đình Hào đã nhanh chóng kêu gọi được 40 triệu đồng để mua hàng hóa hỗ trợ cho Sài Gòn; linh mục Nguyễn Thiện Nhân quản xứ Phú Hậu cũng đã kêu gọi giáo dân chung tay hướng về Sài Gòn kịp thời; linh mục Lê Minh Phú, giáo xứ Lại Ân kêu gọi giáo dân cùng nhau chia lửa cho Sài Gòn thân yêu, hàng tạ cá tươi được mua về phơi trong sân nhà thờ để cấp tốc chuyển vào.
Tại thành phố Huế, chính quyền và các đoàn thể cũng đã nỗ lực kêu gọi mọi người chung tay hướng về Sài Gòn. Nhiều chuyến hàng đã được chuyển vào đến nơi an toàn cho người Sài Gòn.
Riêng tại Thừa Thiên Huế, các giáo xứ Phước Hưng, Nước Ngọt, Thủy Yên, Thủy Cam thuộc xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc cũng đã phải bị phong tỏa vì sự lây nhiễm trong cộng đồng. Những ngày vừa qua, Hội Bác ái Vinh Sơn do linh mục Trần Đình Tạo phụ trách dẫn đầu, nhờ sự hỗ trợ của nhiều nhà hảo tâm mang nhiều lương thực thực phẩm để giúp cho bà con vượt qua khó khăn.
Hàng năm, vào tháng 6 và tháng 7 được giáo dân gọi là “Mùa Khấn”. Hầu như tất cả các Hội dòng đều luân phiên tổ chức Khấn dòng trong dịp này. Tuy nhiên năm nay do tình hình dịch bệnh, tất cả các Hội dòng và cả lễ truyền chức linh mục sắp đến đều chỉ tổ chức nội bộ, không có người tham dự, kể cả thân nhân gia đình.
Minh Phương
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com