Gương điển hình

Dệt may Vĩnh Oanh phục hồi và phát triển

Cập nhật lúc 06:04 09/08/2021
Công ty TNHH Dệt may Vĩnh Oanh là đơn vị có uy tín và quy mô lớn do một người Công giáo làm chủ. Dù bị tác động từ COVID-19 nhưng đến nay Công ty đã phục hồi và đang trên đà mở rộng quy mô, góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người mà không cần ly hương.
Công ty TNHH Vĩnh Oanh tại giáo xứ Vĩnh Trị. Ảnh: An Luých Ảnh: CTV
Công ty TNHH Vĩnh Oanh tại giáo xứ Vĩnh Trị. Ảnh: An Luých
Giảm 20% sản lượng do COVID-19

Doanh nhân, giáo dân Nguyễn Văn Oanh lớn lên tại giáo xứ Vĩnh Trị. Ông có người cha thân sinh làm nghề may. Bản thân ông từ năm 23 tuổi đã làm Phó Chủ nhiệm hợp tác xã may mặc. Tuy hợp tác xã không còn, nhưng với đam mê ngành nghề và ý chí làm giàu, ông đã tìm hiểu ngành công nghiệp dệt may và thành lập Công ty TNHH Dệt may Vĩnh Oanh ngay tại quê hương giáo xứ Vĩnh Trị (xã Yên Trị, Ý Yên, Nam Định), chuyên sản xuất quần áo bảo hộ lao động, xuất khẩu sang các nước châu Âu. 

Đến nay Công ty đã khẳng định được uy tín và có được những đối tác quen thuộc với doanh số xuất khẩu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Tuy nhiên trong tình hình chung của dịch COVID-19, nhiều nước châu Âu đã lâm vào đại dịch với những hậu quả tồi tệ nhất, hoạt động sản xuất, kinh doanh đã bị đình trệ. Tình hình này tác động nghiêm trọng tới sản xuất kinh doanh của nhiều công ty chuyên xuất khẩu sang thị trường châu Âu, trong đó có Công ty TNHH Dệt may Vĩnh Oanh. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết các doanh nghiệp của người Công giáo tại xã Yên Trị đều có thị trường tại nước ngoài. Đại diện các doanh nghiệp này cho biết, năm ngoái khi dịch càn quét các nước đó, đơn hàng của họ đã giảm từ 20-30%. Sản lượng hàng xuất khẩu của Công ty TNHH Dệt may Vĩnh Oanh giảm hơn 20% so với năm 2019, dẫn đến lợi nhuận giảm đi đáng kể. 

Bên cạnh đó tại Việt Nam, từ năm 2020 đến nay, COVID-19 cũng diễn biến phức tạp, khó lường, làm hạn chế khả năng giao dịch và tăng các chi phí sản xuất do phải đảm bảo các yếu tố an toàn dịch bệnh khi sản xuất, lưu thông hàng hóa.

Nhưng với bề dày trong lĩnh vực may mặc, Công ty TNHH Dệt may Vĩnh Oanh đã đủ tiềm lực, tiềm năng để đương đầu với những khó khăn tạm thời này. Ban lãnh đạo Công ty đã sắp xếp, cơ cấu sản xuất và lực lượng lao động theo hướng vừa hợp lí vừa tăng hiệu quả, bên cạnh đó là hiện đại hóa máy móc, công nghệ từ sớm để bù đắp những thiệt hại do ảnh hưởng từ COVID-19. Sự chủ động ứng phó cùng quyết tâm vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế của Chính phủ là điều kiện tiền đề để việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó có Công ty Vĩnh Oanh không bị ngưng trệ. Hơn nữa, Nam Định đến nay vẫn là địa phương giữ được thế chủ động trong công tác phòng chống dịch, chưa xuất hiện các vùng dịch nóng. 

Vươn tầm phát triển

Với những giải pháp trên, sau hơn một năm bị tác động xấu từ đại dịch, đến nay, Công ty TNHH Vĩnh Oanh đã khôi phục được sản lượng xuất khẩu.Tuy nhiên, theo lãnh đạo Công ty, cái khó hiện nay là lực lượng lao động tại địa phương đã không đủ đáp ứng, trong khi lao động từ nơi khác thì vẫn đang trong tâm lí tránh COVID-19 nên không có chuyển dịch. 

Ngoài nhà máy đặt tại quê nhà Vĩnh Trị, Công ty còn hợp tác, hỗ trợ một số giáo xứ, dòng tu mở hàng chục tổ hợp may vệ tinh, tạo nhiều việc làm cho giáo dân. Các cơ sở này làm theo hướng dẫn của Công ty, Công ty đầu tư máy may và thu mua sản phẩm. Mô hình các tổ may vệ tinh đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động mà họ không cần phải ly hương. Nhiều người vốn chỉ quen việc đồng áng nhưng qua hướng dẫn đào tạo của công ty, nay họ đã trở thành công nhân lành nghề, tác phong nhanh nhẹn. Hầu hết con em gia đình Công giáo đều ngay thật, cần cù chịu khó. Với tập quán địa phương, các bạn trẻ làm việc tại Công ty cũng thuận lợi cho việc xây dựng hạnh phúc lứa đôi. 

Khi lực lượng lao động tại địa phương đã không còn đáp ứng được nhu cầu phát triển và mở rộng sản xuất, Ban lãnh đạo Công ty đang xây dựng nhà máy mới tại Thanh Hóa với quy mô lớn hơn nhiều cơ sở hiện tại, dự tính tổng số công nhân cả hai nơi Nam Định và Thanh Hóa sẽ là 3.500 người. Đường hướng và tầm nhìn xa này cùng với quyết tâm vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế của Chính phủ sẽ là bước đột phá mới đầy triển vọng, nhất là trong thời gian tới khi dịch bệnh được đẩy lùi, giao thương giữa các nước trở lại bình thường.

Theo lãnh đạo xã Yên Trị, hầu hết các doanh nghiệp và tổ hợp sản xuất công nghiệp trên địa bàn là của người Công giáo đã đóng góp hơn 50% tổng giá trị kinh tế của toàn xã. Chính quyền và giáo dân cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch. Do đó, dù chịu ảnh hưởng chung của COVID-19 nhưng các doanh nghiệp đã cơ bản vượt qua được khó khăn, không bị ngưng trệ sản xuất kinh doanh.
 
Bùi An Luých
Thông tin khác:
Các tôn giáo chung tay tình nguyện chăm sóc bệnh nhân Covid-19 (08/08/2021)
Chuyện cứu trợ mùa dịch (07/08/2021)
Những chuyến hàng thương quá Sài Gòn ơi! (06/08/2021)
Những chuyến hàng mang nặng nghĩa tình (05/08/2021)
Thánh Giacôbê, Tông đồ (31/07/2021)
Dòng Anh Em Hèn Mọn Viện Tu: Thực thi bác ái trong mùa dịch (27/07/2021)
Thánh Camillus de Lellis, linh mục (23/07/2021)
Thánh Bênêđictô, Viện phụ (17/07/2021)
“Tứ Hổ” (16/07/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log