Đền thờ nhà chí sỹ yêu nước Phan Châu Trinh. Ảnh: Quỳnh Trần |
Tứ hổ hay chữ Quảng Nam gồm bốn người học hành uyên bác, có sức mạnh phi thường trong trường văn trận bút đầu thế kỷ XX, gồm Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Phan Khôi. Cụ Phan Châu Trinh (1872-1926) là nhà thơ, nhà văn và là nhà họat động chính trị. Ông chủ trương khai dân trí (bỏ lối học tầm chương trích cú, mở trường dạy chữ Quốc ngữ cùng kiến thức khoa học thực dụng, bài trừ hủ tục xa hoa). Chấn dân khí (thức tỉnh tinh thần tự lực, tự cường, mọi người giác ngộ được quyền lợi và nghĩa vụ của mình, giải thoát khỏi tư tưởng chuyên chế phong kiến). Hậu dân sinh (phát triển kinh tế, cho dân khai hoang làm vườn, lập hội buôn, sản xuất hàng nội địa hóa). Cụ Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1947), là một chí sĩ yêu nước. Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ thời thuộc Pháp, là Bộ trưởng Bộ Nội vụ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (1946-1947) và Quyền Chủ tịch nước (từ 31/5 đến 21/10/1946, thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm nước Pháp). Cụ Trần Quý Cáp nổi tiếng với tài năng, đức độ và lòng yêu nước. Cụ tham gia phong trào Duy Tân chống Pháp, sau đó bị bắt giam và vào năm 1908, chịu án chém ngang lưng. Hiện nay vẫn còn đền thờ ông ở thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Cụ Phan Khôi (1887-1959) là học giả, nhà thơ, nhà văn, cháu ngoại của Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu, đỗ Tú tài chữ Hán năm 19 tuổi nhưng lại mở đầu và cổ vũ cho phong trào Thơ Mới.
Tứ hổ hay chữ Tràng An, gồm các nhà báo lừng danh những năm đầu thế kỷ XX: Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Văn Tố, thường được gọi tắt là “Vĩnh, Quỳnh, Tốn, Tố”. Ở Hà Nội, báo chữ Việt đầu tiên là tờ “Đông Dương tạp chí” (1913-1919), đăng tải các vấn đề xã hội, làm nhiệm vụ truyền bá văn hóa, văn minh Pháp tới bạn đọc thông qua kiểu làm “nửa văn, nửa báo”. Cụ Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) là nhà tân học, nhà báo, nhà văn, nhà phiên dịch Việt Nam, nhà chính trị. Cụ Phạm Quỳnh (1892-1945) là nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn, người tiên phong trong việc sử dụng chữ Quốc ngữ thay chữ Nho hay tiếng Pháp để viết lý luận, nghiên cứu. Cụ Phạm Duy Tốn (1883-1924) là nhà văn tiên phong của nền văn học mới Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX. Một trong những người con của cụ là nhạc sĩ nổi tiếng Phạm Duy. Cụ Nguyễn Văn Tố ( 1889 - 1947 ) là nhà nghiên cứu khoa học xã hội Việt Nam làm việc tại Trường Viễn Đông Bác Cổ (Hà Nội), chuyên về văn học cổ Việt Nam. Cụ từng làm Hội trưởng Hội Truyền bá quốc ngữ trước năm 1945. Sau Cách mạng Tháng Tám, Cụ được cử làm Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.