Nét độc đáo đó là nhà thờ Nguyệt Đức xây bằng đá với tháp cao soi bóng xuống dòng sông Như Nguyệt (sông Cầu). Nhà thờ hoàn thành năm 1931, tuy nằm ở tả ngạn sông Cầu, thuộc thôn Nguyệt Đức (xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Nhưng giáo dân lại thuộc sự quản lí hành chính tại hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, trong đó gần 70% giáo dân thuộc địa phận hành chính của tỉnh Bắc Giang. Chỉ một số rất ít giáo dân có ruộng, số còn lại sống bằng nghề sông nước, vì thế chỉ khi có ngày lễ trọng, mọi người mới quy tụ đông đủ về giáo xứ. Đông nhất là dịp lễ thánh Phê rô- quan thầy bổn mạng giáo xứ (29/6), lễ Chúa giáng sinh và tết Nguyên Đán.
Giáo dân Nguyệt Đức sống trên sông nước, lấy thuyền làm nhà nên việc học hành của con em rất khó khăn, nhiều thế hệ không được học hành đến nơi, đến chốn. Sống trôi nổi trên sông nước, neo đậu tại các bến bãi cũng tạo nên một lối sống tạm bợ, tùy tiện, không có kinh tế để tích lũy. Từ đó phát sinh những hạn chế về giao tiếp xã hội, những khó khăn trong việc tham dự các thánh lễ, lĩnh thụ các bí tích, khó tổ chức các lớp học văn hóa- giáo dục, khó tổ chức lớp học Giáo lý và tìm hiểu Lời Chúa. Bao đời nay, người dân không có ruộng, không chỗ định cư trên bờ nên việc đưa chủ trương, chính sách của Nhà nước, của tỉnh vào thực tế cuộc sống gặp nhiều khó khăn, đồng thời cũng ảnh hưởng tới việc ổn định cuộc sống gia đình.
Ông Nguyễn Văn Đá (Trùm phó giáo xứ Nguyệt Đức) tại bến kinh doanh than.
Đứng trước những thách thức đó, Nguyệt Đức đã nhìn thẳng vào sự thật để tìm hướng đổi mới, trong đó quan trọng nhất là đổi mới kinh tế, phát huy nghề truyền thống là vận tải đường thủy. Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền, nhiều hộ đã vay được vốn của ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư nâng cấp tàu thuyền, buôn bán than, vật liệu xây dựng. Đối với những hộ thuộc diện nghèo sống trên những thuyền tồi tàn, chính quyền địa phương hỗ trợ, tạo các điều kiện để họ sửa chữa, nâng cấp tàu thuyền. Hiện nay, Nguyệt Đức có 98 tàu, thuyền vận tải, công suất nhỏ nhất là 50 tấn, lớn nhất là 500 tấn. Ông Nguyễn Chí Liêm- Bí thư Đảng ủy xã Vân Hà cho biết, nếu như các địa phương khác thực hiện chủ trương xóa nhà tranh dột nát cho hộ nghèo, thì Vân Hà lại thực hiện sửa chữa thuyền ở cho hộ nghèo, bởi hầu hết người dân Nguyệt Đức không có đất, không có nhà kiên cố trên bờ, họ lấy thuyền làm nhà”.
Sau những năm tháng tập trung phát triển kinh tế, chủ yếu là phát triển nghề vận tải đường sông, từ chỗ đa phần giáo dân thuộc diện nghèo, giới trẻ thì ít học, thậm chí nhiều người mù chữ, đến nay bộ mặt kinh tế của Nguyệt Đức đã có nhiều khởi sắc. Các gia đình đã phát huy được lợi thế nghề vận tải đường sông bằng cách đầu tư nâng cấp tàu thuyền, bến bãi, phát triển nghề khai thác và vận chuyển cát, sỏi, than. Nhiều gia đình có thu nhập khá giả, mua được đất, xây được nhà định cư trên bờ như gia đình các anh Nguyễn Văn Đá, Nguyễn Văn Việt, Nguyễn Văn Bồng, Nguyễn Văn Anh... Anh Đá hiện là Trùm phó giáo xứ Nguyệt Đức. Anh có thuyền công suất lớn, chuyên kinh doanh than, vật liệu xây dựng, đem lại thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho nhiều người trong thôn. Gia đình anh Nguyễn Văn Anh mới xây được ngôi nhà tầng khang trang ngay mặt đường liên xã nhờ thu nhập từ kinh doanh than và vật liệu xây dựng bằng đường sông. Vợ chồng anh có hai con trai. Các con anh chăm ngoan học hành. Anh Anh xác định, chỉ dừng lại ở hai con để đảm bảo nuôi dạy con cho tốt.
Giáo dân Nguyễn Văn Anh trong ngôi nhà khang trang do vợ chồng anh mới xây
Ông Trịnh Đắc Kiên- Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Vân Hà cho biết, nếu ngày xưa, 100% giáo dân Nguyệt Đức sống ở thuyền thì nay nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền và sự nỗ lực phát triển kinh tế của người dân, Nguyệt Đức có 42 hộ tự mua được đất đai, làm nhà cửa định cư trên đất liền, con cái được quan tâm học hành. Nguyêt Đức hiện có 195 hộ với gần 1000 giáo dân, trong đó có 16 hộ thu nhập từ 150- 200 triệu đồng/ năm. Hộ nghèo giảm từ 23% năm 2010 xuống còn 13% năm 2011. Đây là bước thành công trong việc quan tâm tới người nghèo của chính quyền địa phương, đồng thời cũng là nỗ lực của cộng đoàn giáo dân xứ Nguyệt Đức trong cuộc bứt phá khỏi tư duy tạm bợ sông nước.
Kinh tế phát triển, đường làng ở Nguyệt Đức trở nên khang trang hơn; con em trong xứ có điều kiện học hành. Giáo xứ thành lập được quỹ khuyền học với số tiền hoạt động gần 60 triệu đồng, ngoài ra các dòng họ cũng xây dựng quỹ khuyến học để động viên con em học hành tiến tới. Theo ông Nguyễn Văn Đá- Trùm phó giáo xứ Nguyệt Đức, việc thành lập quỹ khuyến học cách đây gần 10 năm là một hướng đi đúng, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng đối với tương lai con em. Từ chỗ nhiều người thất học, không biết chữ do sống lênh đênh trên sông nước, năm 2010, Nguyêt Đức có 2 em thi đỗ đại học, 25 em tốt nghiệp PTTH; năm 2009 có 4 em đỗ đại học; 99% số em trong độ tuổi đến trường được đi học. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được giáo dân hưởng ứng, an ninh- trật trên địa bàn giáo xứ được giữ vững. Bà con giáo dân đã ý thức thực hiện sinh sản có trách nhiệm để nuôi dạy con cho tốt nên nhiều năm liền, Nguyệt Đức không có người sinh con thứ 3 trở lên, 143 hộ được công nhận là gia đình văn hóa. 12 năm liền Nguyệt Đức được công nhận là làng văn hóa cấp huyện.
Niềm vui về thành quả đổi mới kinh tế, phát triển giáo dục và những bước chuyển từ thuyền cũ nát lên những ngôi nhà khang trang đang được nhân lên trong mùa Giáng sinh. Giáo dân Nguyệt Đức phấn khởi đón mừng con Thiên Chúa giáng sinh và chờ đón năm mới tốt lành với những thành công mới, tin yêu mới.