Tại giáo xứ Nghĩa Yên, xã Đức Yên, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh có một người thầy ngày đêm miệt mài nghiên cứu, tìm hiểu, sưu tầm kiến thức từ trong sách vở, cuộc sống sau đó truyền đạt lại cho con em trong vùng... Kể từ khi có thầy thì phong trào học tập của các em phát triền rất mạnh, đặc biệt đã có gần 500 em thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong cả nước.
Người thầy ấy chính là Phạm Thanh Hiền, ở thôn Quang Lĩnh, xã Đức Yên, năm nay thầy đã bước sang tuổi 55, suốt hơn 7 năm qua thầy Hiền đã truyền đạt toàn bộ kiến thức quý giá của mình giúp các em học sinh nghèo khó ở giáo xứ Nghĩa Yên. Không bằng cấp sư phạm, chưa một ngày đứng trên bục giảng nhưng thầy vẫn ngày đêm miệt mài nghiên cứu, tìm hiểu, sưu tầm kiến thức trong sách vở… chỉ để truyền đạt kiến thức cho con em xứ đạo Nghĩa Yên xã Đức Yên - Đức Thọ ( Hà Tĩnh). Năm 1969 học hết cấp 2, thầy Phạm Thanh Hiền là một trong 28 học sinh xuất sắc nhất từ Quảng Bình đến Hà Nội được tuyển chọn vào học khối phổ thông chuyên toán của Bộ đóng tại Trường Đại học Sư phạm Vinh (Nghệ An). Đến năm 1973 thầy Hiền thi đậu vào khoa Vật lý của trường ĐHSP Vinh… nhưng do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên thầy phải nghỉ học giữa chừng để về nhà phụ giúp gia đình chăm sóc các em. Sau đó ít năm thầy xung phong đi bộ đội ở Bình Thuận rồi sang chiến trường Cămpuchia làm nhiệm vụ quốc tế cao cả 4 năm. Tưởng rằng sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương hy vọng sẽ tiếp tục theo học lại đại học Vinh. Thế nhưng một lần nữa vì hoàn cảnh gia đình đã khiến cho ước mơ học lại đại học của thầy tiếp tục bị “lỗi hẹn”. Thầy đành phải cất bút, gấp sách lại để đi lên rừng đốn củi mang ra chợ huyện bán lấy tiền về đong gạo nuôi gia đình, được một thời gian do người đi rừng đốn củi nhiều, thấy không làm ăn được nữa nên thầy bỏ về làm nghề mộc, bốc vác, cửu vạn, chở hàng thuê, đi xe thồ cũng không ăn thua, cuối cùng thầy quay về xin đi học nghề may vá tại và mở hiệu may tại nhà.
Là một trí thức được gia đình cho ăn học tử tế nhất ở xứ đạo Nghĩa Yên này, tuy bản thân chưa học hết bậc đại học, nhưng xét về trình độ thì ở vùng xứ đạo này thì chưa có ai sánh bằng, khi trở về quê hương nhìn thấy con em trong vùng giáo cứ lớn lên học hết lớp 6 lớp 7 là bỏ học ở nhà đi chăn trâu, chăn bò, thả diều, bắt cá, bắn chim, một số thì đâm vào ăn chơi lêu lỏng hoặc lấy vợ lấy chồng… Vì vậy mà con em trong vùng giáo không có một ai được ăn học đến nơi đến chốn nên bị thất học, do đó cái nghèo, cái khổ, cái thất học từ thế hệ này qua thế hệ khác cứ bám riết hoài và đây cũng chính là điều khiến cho thầy Hiền phải trăn trở suốt mấy chục năm trời.
Khi đứa con gái đầu lòng bước vào học lớp 10, thầy Hiền vừa lo cho việc học tập của con vừa thu xếp thời gian để ngày làm việc tối về cùng con ngồi vào bàn học. Thầy tâm sự: “Hơn 20 năm rời xa sách vở, giờ đọc bài toán của con mà chẳng hiểu chi cả. Nghĩ thấy buồn tôi xác định phải ôn tập lại kiến thức theo hệ cải cách để giảng dạy cho các con mình cũng như con em người dân trong vùng…”. "Có công mài sắt có ngày nên kim” thế rồi thầy Hiền cũng chinh phục được cái chữ sau hơn 20 năm bỏ học và khi con gái đầu lên một lớp thì bố (thầy Hiền) cũng lên một lớp, chỉ khác là lúc con vào đại học thì bố vẫn ở nhà tiếp tục ngồi mày mò giải đề thi đại học…Kết quả cuối cùng thầy cũng nắm vững toàn bộ kiến thức phổ thông cải cách có trong sách vở đủ khả năng để hướng dẫn cho các con và cho con em trong vùng.
Sau khi nắm vững đầy đủ kiến thức, năm 2003, thầy Phạm Thanh Hiền quyết định mở lớp dạy học tại nhà cho các con em trong vùng. Ban đầu lớp chỉ có 10 em, sau đó cứ tăng dần lên từ 20 - 300 em. suốt hơn 7 năm qua thầy Hiền đã truyền đạt toàn bộ kiến thức quý giá của mình giúp cho gần 500 em học sinh nghèo khó ở vùng giáo xứ Nghĩa Yên thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Thầy tâm sự :"Là một người thầy dù dạy ở trường hay ở nhà, dù học sinh nhiều hay ít thì đã là thầy khi đứng trên bục giảng dạy học sinh luôn phải đặt đạo đức, chất lượng lên hàng đầu… chứ không nên chạy theo đồng tiền, cho dù thầy dạy không lấy tiền nhưng nếu không có chất lượng thì học sinh sẽ không học, nhưng nếu lấy tiền và dạy đảm bảo chất lượng tốt thì học sinh ắt sẽ tự kéo đến chật kín cả lớp của thầy thôi…”
Chưa hết khi thấy khả năng dạy giỏi của thầy Phạm Thanh Hiền ở Hà Tĩnh đã có rất nhiều bạn bè lớp chuyên toán cũ ngày trước đã gọi điện, viết thư mời thầy Hiền ra Hà Nội để giảng dạy sẽ có thu nhập cao hơn, ổn định hơn. Nhưng thầy Hiền khăng khăng từ chối, vì thầy cho rằng: Dù có thu nhập cao hơn, cuộc sống no đủ hơn, giàu có hơn… nhưng với thầy không thể chỉ vì lợi ích trước mắt của bản thân mà bỏ quê hương, làng xóm mà tôi phải ở nhà để giúp cho các con và giúp cho các con em vùng giáo của mình ăn học nên người.
Từ ngày có thầy Phạm Thanh Hiền mở lớp dạy học chữ và giúp cho rất nhiều con em ở vùng giáo Nghĩa Yên và các vùng giáo gần đó thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng thì phong trào nhà nhà, người người thi đua nhau học tập ở các vùng xứ đạo huyện Đức Thọ đã trở thành một phong trào văn hoá học điển hình không chỉ bó hẹp trên địa bàn xã, huyện mà còn nhanh chóng lan rộng ra toàn tỉnh Hà Tĩnh. Điều sung sướng nhất suốt cuộc đời của thầy không phải chỉ là làm cho con em vùng giáo cố gắng học tập giỏi, thi đậu đại học, cao đẳng mà thầy đã khiến cho các bậc phụ huynh của học sinh nơi đây cũng bắt đầu quan tâm đến sự học của các con em mình, thậm chí họ còn biết thu xếp thời gian đọc sách, nghiên cứu tài liệu, những khi không hiểu họ còn tìm đến tận nhà thầy để nhờ chỉ bảo, giảng dải thêm kiến thức mới để về nhà bày dạy, hướng dẫn lại cho con cháu
Trước những đóng góp to lớn của thầy Phạm Thanh Hiền đối với sự nghiệp giáo dục cho con em xã Đức Yên, thầy đã được vinh dự bầu làm đại diện tiêu biểu của huyện Đức Thọ đi báo cáo điển hình biểu dương gia đình văn hoá xuất sắc toàn tỉnh Hà Tĩnh, thầy Hiền được Bộ Trưởng Bộ VH-TT-DL tặng bằng khen “Gia đình văn hoá tiêu biểu xuất sắc toàn quốc”. Vinh dự lớn nhất là thầy được đi báo cáo thành tích tại Lăng Bác Hồ và được trực tiếp gặp Ban Bí thư Trung ương Đảng…./.