Gương điển hình

Đôi vợ chồng hiến máu cứu người

Cập nhật lúc 15:59 24/02/2023
Những ngày chuẩn bị cho Đại hội Ban Đoàn kết Công giáo (ĐKCG) quận Tân Bình tôi theo chân ông Nguyễn Viết Êm, Thư ký của Ban ĐKCG gặp gỡ một số gương điển hình tiên tiến tiêu biểu trong đồng bào Công giáo quận sẽ được mời tham dư đại hội vào quý II năm 2023 sắp tới.
Người đầu tiên tôi ghé thăm là anh Gioan Baotixita Phạm Văn Hưng sinh ngày 14/10/1976 tại quận Tân Bình TP. Hồ Chí Minh.
 
Anh Gioan Baotixita Phạm Văn Hưng.


Anh Gioan Baotixita Phạm Văn Hưng.
Ông Êm dẫn tôi một vòng quanh xứ đạo An Lạc, một xứ đạo đã hình thành từ năm 1957, là một giáo xứ lớn qui tụ đa số là đồng bào giáo dân gốc Phát Diệm, Bắc Ninh hiện do cha Tôma Trần Văn Hội là chánh xứ. Ông Êm cũng là giáo dân cũ, mới chuyển đi, nguyên là đại biểu Hội đồng Nhân dân phường 5 cho biết giáo xứ trước đây có hơn 6000 nhân danh. Một số đông gia đình giáo dân sống dọc bờ kênh Nhiêu Lộc đã được giải tỏa sau khi chuyển về khu tái định cư hay ra ngoại thành, đồng thời một khu giáo được tách ra sáp nhập vào giáo xứ Nam Thái kế bên, nên hiện nay còn khoảng 4000 nhân danh, nằm trên địa bàn phường 5, quận Tân Bình. 
Chúng tôi ghé gia đình anh Hưng, căn nhà nhỏ trong hẻm sâu đường Cách mạng tháng 8, phường 5 quận Tân Bình, thuộc giáo họ Trị Sở - giáo xứ An Lạc. Anh Hưng hiện tại là thợ sửa chữa điện cơ tại nhà. Vợ là chị Nguyễn Thị Liễu sinh năm 1979 may sửa quần áo gia công. Vui vẻ tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, anh Hưng cho biết, hai vợ chồng có 04 người con, cuộc sống lao động cũng đủ để chăm lo cho các con ăn học. Anh tâm tình về cuộc sống của mình tại địa phương:
“Ngoài công việc thường xuyên là thợ sửa chữa điện cơ, lúc còn trẻ, nhằm góp phần bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương, tôi đã tình nguyện tham gia lực lượng Bảo vệ dân phố tại phường 5, Tân Bình từ năm 2009 đồng thời tham gia đội Thanh niên xung kích Chữ thập đỏ phường đến nay. Là công dân của khu phố và cũng là giáo dân của xứ đạo An Lạc, trong các thánh lễ, các sinh hoạt tôn giáo tôi được được nghe cha xứ rao giảng Lời Chúa là người Công giáo phải dấn thân phục vụ, tham gia cùng với mọi giới đồng bào, đồng đạo để xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp. Đó là điều đẹp lòng Chúa. Tôi đã nhận thức được đường hướng theo Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1980 là: “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” và Huấn từ của Đức cố Giáo hoàng Bênêdictô XVI gởi Giáo hội Công giáo Việt Nam “Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”.
Từ những suy nghĩ tích cực ấy, bản thân nhận ra rằng mình không làm được việc gì lớn cho xã hội thì bằng những việc nhỏ như hiến những giọt máu đào để cứu những bệnh nhân trong đang cần đến những giọt máu ấy.
Đầu năm 1999, theo lời kêu gọi của chính quyền, anh Hưng đã đăng ký tình nguyện hiến máu. Cái cảm giác ban đầu hơi lo lắng và một chút nao núng, nhưng khi đến trạm y tế, thấy rất nhiều tình nguyện viên đang ngồi hiến máu với khuôn mặt tươi cười vui vẻ nên tôi hăng hái đăng ký hiến máu. Sau lần đầu tình nguyện hiến máu, anh lắng nghe cơ thể thấy vẫn bình thường, anh tự tin hơn. Tìm hiểu và biết thêm về những lợi ích lớn lao đem lại cho nhiều người khi được tiếp nhận máu, mỗi lần hiến máu là bản thân người hiến được thay đổi máu trong cơ thể. Mỗi lần Hội Chữ thập đỏ của phường hoặc quận Tân Bình có đợt kêu gọi hiến máu anh đều tham gia. Theo tiêu chuẩn cứ 3 tháng một lần có thể hiến máu, vì thế mỗi năm anh Hưng hiến trên 2 lần có năm hiến 3 lần (2013, 2014, 2015, 2018, 2019, 2020, 2022) riêng năm 2016 hiến đến 4 lần. Tổng cộng anh đã hiến máu 56 lần.
Riêng vợ anh là Nguyễn Thị Liễu, cũng nghe chồng động viên nên cũng đã tình nguyện hiến máu tổng cộng đến nay là 19 lần”.
Anh năm nay 47 tuổi, vợ 43 tuổi. Từ năm 23 tuổi đến nay bình quân mỗi năm anh hiến máu 2 đến 3 lần đúng như anh kể. Trong thời gian dịch bệnh, khi Thành phố hoàn toàn bị phong tỏa. Trong vai trò là đội viên Ban bảo vệ dân phố, cùng với các chiến sĩ công an và Dân quân trong phường, anh Hưng tích cực tham gia giúp đỡ nhân dân như tiếp tế lương thực, hướng dẫn bà con trong khu phố chích ngừa vắcxin kịp thời theo lịch của cơ quan Y tế. Ngoài ra anh còn giúp đỡ Tu đoàn Thánh Phaolô, Dòng Nữ tì Chúa Giêsu... nhận và phân phát lương thực, rau củ quả, thuốc chữa bệnh cho những khu vực có người nhiễm Covid-19, được các tu sĩ quí mến, trân trọng. Với những đóng góp tích cực trong công tác hiến máu tình nguyện, anh Hưng và vợ đã nhận giấy khen, bằng khen từ phường, quận, thành phố và Trung ương trong đó anh từng nhận được Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Chữ thập đỏ Việt Nam của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Năm 2018 nhận Kỷ niệm chương vì sự nghiệp nhân đạo cũng của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Anh Hưng khiêm tốn: “Việc tình nguyện hiến máu của tôi chỉ là nhỏ bé,với tâm nguyện góp phần cùng mọi người chung tay xây dựng đất nước ngày một tốt đẹp hơn, nghĩa tình hơn. Tôi xác tín vào lời Chúa dạy “Yêu người như mình ta vậy” nên trong điều kiện sức khỏe cho phép, tôi sẽ tiếp tục tham gia hiến máu cứu người.
Đỗ Lộc Hưng
Thông tin khác:
Một chuyên gia trí tuệ nhân tạo người Việt gia nhập dòng khổ hạnh (20/02/2023)
Tuyệt vời không gian xanh tươi ở xứ đạo Đại Từ (10/02/2023)
Vị linh mục sống "tốt đời đẹp đạo" (30/01/2023)
Xứ, họ đạo cùng cộng đồng dân cư bảo vệ môi trường (14/11/2022)
Thần tượng của người khuyết tật Việt Nam (14/11/2022)
Dấu ấn một nhiệm kỳ (14/11/2022)
Đồng bào Công giáo tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua (12/11/2022)
Đại hội Đại biểu Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tỉnh Tiền Giang lần thứ VI (09/11/2022)
Biểu dương người tốt, việc tốt trong đồng bào Công giáo tỉnh Thanh Hóa lần thứ V, giai đoạn 2020-2022 (31/10/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log