Gương điển hình

Hai xóm đạo thi đua làm giàu

Cập nhật lúc 15:46 11/03/2013
Nổi bật lên trong cộng đồng những người Công giáo Hà Tĩnh là hai xóm đạo toàn tòng Đồng Hòa I và Đông Hòa II ở xã Thạch Long, Thạch Hà, Hà Tĩnh vì người dân nơi đây bên cạnh “sống phúc âm” còn thi đua làm giàu. Bởi vậy, dù sống trong một không gian đất chật, người đông nhưng nhân dân 2 xóm đã biết tận dụng thế mạnh của mình vươn ra nước ngoài, khai thác triệt để lợi thế quê hương để làm giàu.
Làm giàu bằng nhiều phương cách
          Không khí tấp nập, nhộn nhịp của những ngày tết Nguyên Đán ở 2 xóm Đông Hòa I và Đông Hòa II nay đã dần thay thế bằng hoạt cảnh của những người nông dân cần mẫn bên thuở ruộng, của thợ mộc bên sản phẩm đầu năm, của những người thợ đóng tàu đang say mê làm nên những con thuyền cho khách hàng và rải rác đâu đó là những con thuyền của ngư dân đang vươn ra biển khơi... Những hoạt cảnh này hầu như vắng bóng của lực lượng thanh niên trong thôn và điều đó không còn xa lạ đối với xã Thạch Long những năm gần đây.
          Hai xóm đạo toàn tòng Đông Hòa I và Đông Hòa II có tất thảy là 581 hộ với 2.700 nhân khẩu nhưng có tới gần 1000 người đang đi lao động ở nước ngoài, đó là con số thống kê chưa đầy đủ mà thôn trưởng hai thôn cho chúng tôi biết. Chỉ tính riêng trong năm 2012, hai thôn đã xuất cảnh tới 580 người. Chính việc xuất khẩu lao động đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của nhân dân 2 thôn.
          Ông Nguyễn Ngọc Hoàn, một người dân ở thôn Đông Hòa II cho biết: “Trước đây người dân vùng này chủ yếu kiếm sống bằng nghề đi biển, mỗi nhà đều có ít nhất là một cái thuyền nhưng hiện nay chúng tôi đã bán hết vì nghề này không đem lại thu nhập cao như ngày xưa nữa. Nhờ chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước là cho con em xuất khẩu lao động mà dân chúng tôi được nhờ, nếu không thì không có được gian nhà nên thân mà ở”. Những ngôi nhà khang trang nằm san sát bên nhau như chứng minh cho sự giàu sang, trù phú của nhân dân Đông Hòa.
          Bên cạnh thế mạnh mũi nhọn là xuất khẩu lao động thì người dân Đông Hòa còn biết làm giàu bằng nhiều nghề như nuôi trồng thủy sản, đóng tàu, thợ nề (làm xây dựng)...Riêng tổ thợ nề thì cả 2 thôn có tới 40 đến 50 người, tổ này cho thu nhập ổn định từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng/người. Đóng tàu và làm mộc là những nghề truyền thống được nhân dân 2 thôn Đông Hòa tiếp tục phát huy. Cơ sở đóng tàu của anh Phan Trung Vinh ở Đông Hòa I dù mới đầu năm nhưng đã nhận được nhiều đơn đặt hàng của khách hàng ở tận Thanh Hóa, Nam Định. Anh cho biết: “Năm 2012 cơ sở của gia đình chúng tôi đã cho doanh thu 2 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động với thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/tháng. Mẫu mã bắt mắt và nguyên liệu gỗ tốt chính là nguyên nhân thu hút được khách hàng cả gần và xa”.
          Lực lượng thanh niên thì vươn ra nước ngoài để làm giàu còn người ở nhà thì tận dụng triệt để những ngành nghề cho thu nhập cao ở địa phương, ai ai cũng có cách làm hay để kiếm tiền, từ đó đã tạo được một phong trào thi đua làm giàu sôi động, thúc đẩy kinh tế - xã hội của nhân dân vùng giáo tiến lên. Điều đặc biệt là 2 thôn Đông Hòa không những ngày càng phát triển về kinh tế mà còn mạnh về văn hóa – xã hội.
          Hai làng văn hóa
          Tháng 3/2003, thôn Đông Hòa I được công nhận là Làng văn hóa cấp tỉnh, đây là đơn vị đầu tiên được công nhận trong tổng số các làng đạo toàn tòng của tỉnh Hà Tĩnh. Đến tháng 5/2005 thì thôn Đông Hòa II lại vinh dự được nhận danh hiệu cao quý này. Danh hiệu Làng văn hóa như là động lực để 2 thôn Đông Hòa tiếp tục phấn đấu.
          Bà Lê Thị Thanh, Bí thư đảng ủy xã Thạch Long nhận xét: “Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao ở thôn Đông Hòa I và Đông Hòa II rất tốt, luôn nằm trong tốp đầu của toàn xã. Sự lãnh đạo năng động của cấp ủy hai thôn đã góp phần làm cho phong trào của địa phương ngày càng phát triển. Điều đó đã khiến chúng tôi xóa dần được quan niệm cho rằng làm phong trào ở vùng giáo là rất khó khăn”.
          Tất cả các chủ trương chính sách, các CVĐ khi các cấp chính quyền địa phương triển khai xuống thì nhân dân 2 thôn Đông Hòa đều thực hiện đầy đủ, có tinh thần trách nhiệm cao. Đặc biệt, sự đồng thuận, hỗ trợ của linh mục, hội đồng giáo họ Lộc Thủy đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển của nhân dân 2 thôn. Không chỉ dừng lại ở đó, tinh thần đoàn kết lương giáo luôn thấm đẫm giữa người dân 2 thôn với các thôn lân cận.
          Ông Nguyễn Đức Thuận, thôn trưởng thôn Đông Hòa I cho biết: “Nhân dân 2 thôn có một quỹ chung gọi là Quỹ Bác ái, hằng năm quỹ này được huy động dưới sự đóng góp hoàn toàn tự nguyện của nhân dân để làm những việc hữu ích như xây nhà tình nghĩa hỗ trợ cho các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không phân biệt lương hay giáo, trích quỹ cho các cháu thiếu niên nhi đồng nhân ngày tết trung thu hay 1/6, ngày truyền thống của các chi hội, ngày nhà giáo Việt Nam, ngày thương binh liệt sĩ... Năm 2012 đã Quỹ Bác ái đã huy động đóng góp được gần 200 triệu đồng, sắp tới sẽ hỗ trợ xây 2 căn nhà cho 2 hộ đặc biệt khó khăn trong thôn”.
          Dù những người “cầm cân nẩy mực” ở đây vẫn đang lo lắng giải bài toán về giải quyết công ăn việc làm bền vững cho những người đi xuất khẩu lao động sau khi trở về. Song cũng phải công nhận rằng bà con giáo dân ở thôn Đông Hòa I và Đông Hòa II luôn sát cánh, đồng hành cùng sự phát triển của địa phương, đất nước, góp phần vào sự thịnh vượng chung của dân tộc. Nếu nơi đâu cũng có phong trào thi đua làm giàu, thi đua phát triển văn hóa – xã hội như nơi đây thì đất nước chúng ta sẽ tốt đẹp hơn biết bao.
Hạnh Nguyên
Thông tin khác:
TRÊN THIÊN ĐƯỜNG, CHA CÓ HAY CHĂNG? (22/01/2013)
Vị linh mục làm cầu nối đạo- đời (18/01/2013)
Thái Bình: Phong trào xây dựng “Xứ, họ đạo 4 gương mẫu” đạt được kết quả quan trọng (15/01/2013)
Ninh Bình: Đồng bào Công giáo vươn lên làm giàu và xây dựng đời sống văn hóa. (24/12/2012)
Giáo họ Đông Phú, điểm sáng về “xây dựng nông thôn mới” (22/12/2012)
Trịnh Xuân Giáo, giáo dân xứ Yên Đại (Nghệ An) năng động trong kinh tế và có tấm lòng bác ái (16/12/2012)
Tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của người hiến tặng giác mạc. (09/12/2012)
Phong trào “Ba an toàn” về an ninh trật tự ở giáo xứ Nam Trực, tỉnh Nam Định (09/12/2012)
NGƯỜI GIÁO DÂN LÁI XE ÔM KIÊM ĐỒNG ĐẲNG VIÊN TUYÊN TRUYỀN HIV (30/11/2012)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log