Giáo sư Cao Xuân Huy (1900-1983) |
Giáo sư Cao Xuân Huy (1900-1983) quê huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nho học nổi tiếng. Ông là một nhà nghiên cứu chuyên về lịch sử tư tưởng triết học phương Đông, từng được gọi là “nhà đạo học”. Ông đậu Thành chung năm 1922, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương năm 1925, công tác tại Trường dự bị đại học trong thời gian kháng chiến chống thực dân Pháp ở Liên khu Tư, tiếp đến là trường Đại học Văn khoa (1954-1956), Khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956-1957). Giáo sư có các hướng nghiên cứu chính: Triết học phương Đông, Lôgich học, Tâm lí học. Ở tuổi 30, giáo sư được xem là một trong những người có những đóng góp to lớn trong việc đào tạo các nhà nghiên cứu cổ học Việt Nam. Ông để lại một số giáo trình đại học có giá trị về Kinh Dịch, Luận ngữ, Mạnh Tử, Bách gia chư tử... Chủ toàn và chủ biệt - Hai ngã rẽ trong triết học Đông Tây, Tư tưởng phương Đông, gợi những điểm nhìn tham chiếu (1995). Ngoài ra, giáo sư còn có các công trình nghiên cứu, hiệu đính, biên chú về Lê Quý Đôn, Nguyễn Trường Tộ. Đặc biệt thầy nổi tiếng về học thuyết Lão Trang. Giáo sư đã đào tạo một loạt nhà Trung Quốc học, triết học đông tây của nước nhà làm nòng cốt trong việc truyền văn học trong nước và quốc tế cho các trường đại học trong nước một thời gian dài tới nửa thế kỷ từ kháng chiến chống thực dân Pháp, đến kháng chiến chống đế quốc Mỹ và tiếp theo là thời đất nước thống nhất.. Viện sỹ Avơđơlin (Liên Xô) sau khi tiếp xúc với giáo sư Cao Xuân Huy đã kinh ngạc thốt lên: “Những nhà Trung Quốc học như cụ Cao Xuân Huy, ở trên thế giới chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê (1912–1984) quê huyện Ba Vì, Hà Nội, là nhà văn, dịch giả, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục, có 120 tác phẩm sáng tác, biên soạn và dịch thuật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, văn học, ngữ học, triết học, lịch sử, du ký, gương danh nhân, chính trị, kinh tế, v.v. Xuất thân từ một gia đình nhà Nho, ông học tại Hà Nội, trước ở trường Yên Phụ, sau lên trường Bưởi. Năm 1934, ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Công chính Hà Nội rồi vào làm việc tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, bắt đầu quãng đời nửa thế kỷ gắn bó với Nam Bộ, năm 1945, ông thôi làm ở sở, đi dạy học ở Long Xuyên. Năm 1952 chuyển lên Sài Gòn mở nhà xuất bản và biên dịch sách, sáng tác, viết báo. Những năm trước 1975 và cả trong thời gian sau này, Nguyễn Hiến Lê luôn là một cây bút có tiếng, viết miệt mài và là một nhân cách lớn. Trong đời cầm bút của mình, đến trước khi mất, ông đã xuất bản được hơn một trăm bộ sách, Tính ra, số bộ sách của ông được xuất bản gần gấp 1,5 lần số tuổi của ông và tính từ năm ông bắt đầu có sách in (đầu thập niên 1950), trung bình mỗi năm ông hoàn thành ba bộ sách với 800 trang bản thảo có giá trị gửi tới người đọc. Năm 1980 ông về lại Long Xuyên. Cùng năm ông bắt đầu viết Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, Trong “Lời mở đầu” tác phẩm “Đời viết văn của tôi”, nhà văn Nguyễn Hiến Lê viết: “Đời tôi có thể tóm tắt trong hai chữ HỌC và VIẾT. Hai việc đó liên quan mật thiết với nhau gần suốt đời, tôi VIẾT ĐỂ HỌC và HỌC ĐỂ VIẾT”.