Giáo sư Phan Ngọc (bìa trái) và AHLĐ nhà văn Sơn Tùng đi xe lăn tới viếng tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2013. Ảnh: Từ Khôi |
Giáo sư Phan Ngọc (1925-2020) quê huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, một trong những nhà ngôn ngữ học nổi tiếng ở Việt Nam, đồng thời là Chủ nhiệm bộ môn đầu tiên (1956-1957) của Bộ môn Ngôn ngữ học, Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Giáo sư có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển của ngành Ngôn ngữ học Việt Nam nói chung và Khoa Ngôn ngữ học nói riêng. Thành công trong khoa học của Giáo sư chủ yếu bằng con đường tự học, tự nghiên cứu. Từ một người chỉ có bằng tú tài, Giáo sư tự học trở thành một nhà khoa học lớn, một người có vốn liếng ngoại ngữ nhiều và giỏi. Ở Việt Nam, sau Trương Vĩnh Ký (một ký giả, dịch giả lớn đầu thế kỷ XX) thì Giáo sư Phan Ngọc là người thứ hai có một vốn ngoại ngữ đáng kinh ngạc. Ông dịch cuốn “Triết học Hegel” từ nguyên bản tiếng Đức. Dịch “Thần thoại Hy Lạp” từ nguyên bản tiếng Hy Lạp; dịch Spartacus từ nguyên bản tiếng Ý; dịch “Chiến tranh và hoà bình” của Lev Tolstoy từ nguyên bản tiếng Nga; dịch “Sử ký Tư Mã Thiên” từ nguyên bản tiếng Hán; dịch “Shakespeare” từ nguyên bản tiếng Anh... Với một chục ngôn ngữ tích lũy được, trong mấy mươi năm qua, Giáo sư Phan Ngọc đã thầm lặng làm việc với bút danh Nhữ Thành.
Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn (1926-2017), quê huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, là nhà toán học tài năng, có nhiều công trình nghiên cứu lớn và là nhà sư phạm mẫu mực. Ông là cựu học sinh Quốc học Huế, tốt nghiệp tú tài Toán năm 1944. Năm 1951, ông được Bộ Giáo dục điều lên dạy đại học ở Khu học xá Trung ương đặt tại Nam Ninh (Trung Quốc). Tiếp đến ông đảm nhiệm vị trí Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, Tổng biên tập tạp chí Toán học và Tuổi trẻ. Năm 1957, ông nằm trong số 9 cán bộ giảng dạy đại học đầu tiên sang Liên Xô làm thực tập sinh, sau hai năm ông bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ tại Đại học Lomonosov. Trở về nước, ông tự nghiên cứu đề tài về hình học. Trong một chuyến đi công tác tại Liên Xô 3 tháng vào năm 1963, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học. Đây là luận án tiến sĩ khoa học đầu tiên về khoa học cơ bản của người Việt nghiên cứu ở trong nước và bảo vệ tại Liên Xô. Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn là nhà giáo dục đi trước thời đại. Ông đề xuất mở trường chuyên lớp chọn, khởi xướng phong trào “Dạy tốt – học tốt, xây dựng phong cách giảng dạy mới, coi “Tư duy và nhân cách quan trọng hơn kiến thức...Người thầy giỏi là người biết đem đến cho người học cách tự tìm ra kiến thức...”.