Về với đời thường, trong cảnh Hưng Yên nghèo khó, vùng quê trời chưa mưa thì đã lụt, chưa nắng đã khô hạn gay gắt; chỉ có 02 gian nhà tranh và 02 bàn tay trắng, gia đình thực sự khó khăn trăm bề. Do ý chí đã được tôi luyện trong lửa đạn, với tinh thần tiên phong gương mẫu của người Công giáo, được sự động viên, dạy bảo tận tình của các Cha và nhất là nhớ lời Bác Hồ dạy: Thương binh tàn mà không phế, ông đã ngày đêm trăn trở, suy nghĩ tìm cách làm kinh tế. Ông quan niệm: Không bao giờ chấp nhận chịu khổ, không lấy chữ khó để giải thích cho chữ khổ, từ đó có động lực thúc đẩy làm kinh tế, làm giàu hợp pháp, để có điều kiện nuôi con ăn học thành người có ích cho xã hội và giáo hội. Sau khi nghiên cứu nguồn thức ăn, thị trường và hoàn cảnh của gia đình, vợ chồng ông đã quyết định lập trang trại chăn nuôi lợn. Điều kiện gia đình lúc đó rất khó khăn, vốn liếng không có là bao, ông bà đã quyết định vay tiền ngân hàng, anh em và bạn bè đầu tư nuôi 60 con lợn thịt. Năm đầu, do chưa có kỹ thuật và kinh nghiệm trong chăn nuôi, bệnh dịch thường xuyên xảy ra nên gia đình ông đã thua lỗ. Ông đã kiên trì học hỏi kỹ thuật chăn nuôi từ trong sách báo và kinh nghiệm từ các mô hình trang trại hiệu quả trong, ngoài huyện, cộng với thực tiễn vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm nên các năm tiếp theo trang trại chăn nuôi của ông từng bước đem lại thu nhập. Bên cạnh chăn nuôi lợn thịt, ông còn mở rộng nuôi lợn giống. Sau nhiều năm làm ăn hiệu quả, gia đình ông đã có của ăn của để.
Nắm bắt được xu hướng cơ khí hóa trong sản xuất nông nghiệp, cùng với đồng vốn sẳn có, ông quyết định mua 02 máy cày đất và 01 máy xay lúa. Với việc đầu tư này không chỉ giải quyết lao động nông nhàn trong gia đình và một số con cháu trong xóm mà còn tăng thêm nguồn thu nhập. Khi đời sống của người dân từng bước được nâng cao, nhu cầu xây nhà tầng ngày một nhiều, ông đã chuyển sang nghề cho thuê giàn giáo, cốp pha các loại. Hiện nay, gia đình ông có ngàn mét vuông cốp pha và giàn giáo các loại. Năm 2010, ông mua 01 ô tô vận tải vừa để chở hàng cho mình vừa chở vật liệu cho bà con. Trung bình lãi ròng của gia đình ông khoảng trên 150 triệu đồng/năm.
Mặc dù giành nhiều thời gian phát triển kinh tế nhưng ông không quên chăm lo, nhất là nuôi dạy và đầu tư cho các con ăn học. Thấu hiểu được sự vất vả, ý chí và tấm lòng của cha mẹ, các con của ông đều chăm ngoan học giỏi. Hai người con học đại học chính quy đã ra trường và có công việc ổn định. Một con đang học đại học ở Hà Nội và 01 con vừa hoàn thành nhiệm vụ quân đội, hiện đang học nghề của Bộ Quốc phòng. Hiện nay, gia đình đã có trên 100 giấy khen của các trường từ phổ thông đến đại học tặng cho các cháu.
Ngoài ra, gia đình ông luôn tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận các cấp và địa phương phát động. Hàng năm, gia đình đã giành từ 5- 10 triệu đồng để tặng, thăm hỏi các gia đình chính sách, gia đình khó khăn hoạn nạn, ủng hộ các gia đình nghèo, gia đình bị nhiễm chất độc da cam… Ông cũng nhiệt thành trong các phong trào do giáo hội phát động, luôn vận động bà con giáo dân tích cực lao động sản xuất, làm giàu chính đáng, sinh đẻ có trách nhiệm, chăm lo cho con cháu, sinh hoạt tôn giáo đúng quy định của pháp luật…
Ông Phạm Trọng Đào là một trong những điển hình tiêu biểu trong đồng bào Công giáo tỉnh Nghệ An, góp phần làm rõ hơn tinh thần đồng hành cùng dân tộc, sống tốt đời đẹp đạo của đồng bào Công giáo, như đường hướng “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào” mà Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã nêu.