Với phương châm “tốt đời, đẹp đạo”, những năm qua đồng bào Công giáo đã tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước do Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động. Nhiều linh mục đã cùng với chính quyền vận động bà con giáo dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các phong trào: “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, phong trào xã hội hóa giao thông nông thôn, xây dựng nhà tình thương, các hoạt động từ thiện, nhân đạo và hưởng ứng tích cực cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
Người Công giáo còn tham gia vào các đoàn thể chính trị- xã hội, trong đó nhiều đoàn viên, hội viên ưu tú là người Công giáo được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, tham gia công tác chính quyền. Đến nay toàn huyện Xuân Lộc có 105 Đảng viên là người Công giáo. Chính quyền và các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với tôn giáo, tạo điều kiện cho sinh hoạt tôn giáo, xây dựng và sửa chữa cơ sở thờ tự phù hợp với quy định của pháp luật, Pháp lệnh Tín ngưỡng- Tôn giáo và Nghị định 22/2005/NĐ-CP của Chính phủ. Trên địa bàn huyện có 65 cơ sở thờ tự của đồng bào tín đồ các tôn giáo, trong đó đạo Công giáo có 20 giáo xứ, 06 điểm nhóm lễ.
Không chỉ cần cù, nhiệt thành với các hoạt động từ thiện- xã hội, các hộ Công giáo còn năng động trong sản xuất kinh doanh, kịp thời áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nên đã hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái, vùng rau màu… có giá trị sản xuất trên 100 triệu đồng/héc ta/năm. Dựa vào thế mạnh đất đai, huyện đã quy hoạch thành 4 tiểu vùng nông nghiệp, cơ cấu lại mùa vụ và bố trí những cây trồng thích hợp, ngoài ra Xuân Lộc còn có một khu công nghiệp tập trung và 5 cụm công nghiệp, giải quyết việc làm cho gần 20 ngàn lao động.
Từ chủ trương đúng đắn của Đảng ủy, chính quyền và sự nỗ lực của người dân trong đó có vai trò quan trọng của đồng bào Công giáo, Xuân Lộc đã đạt được bước phát triển quan trọng cả về kinh tế và xã hội. Từ một huyện miền núi nghèo, đến nay Xuân Lộc đã khởi sắc rõ rệt, số hộ nghèo chỉ còn hơn 4%, trên 50% trường học đạt tiêu chuẩn quốc gia, số hộ dân sử dụng điện đạt hơn 99%. Một số xã trở thành điển hình trong xây dựng nông thôn mới như xã Xuân Định, xã Xuân Phú.
Xuân Định là xã có hơn 92% đồng bào Công giáo. Năm 2011, Xuân Định đã đạt được 19/19 tiêu chí về nông thôn mới và trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Đồng Nai. Bà con Công giáo nơi đây luôn ý thức bổn phận người giáo dân và trách nhiệm công dân đối với quê hương nên tích cực thi đua yêu nước, góp sức xây dựng quê hương. Xuân Định là địa phương chuyên canh cây sầu riêng, chôm chôm, mít Thái Lan cho thu nhập từ 100 triệu- 200 triệu đồng/héc ta. Xã còn phát triển nghề nuôi trồng nấm mèo theo phương pháp bán công nghiệp. Hiện Xuân Định có 49 hộ nuôi trồng nấm mèo, hàng năm cung cấp ra thị trường 380 tấn nấm. Trong 7 năm, người dân đã chuyển đổi được 420 héc ta cà phê năng suất thấp sang trồng cây ăn trái có giá trị cao gấp 5 lần. Nếu như năm 2008, Xuân Định chỉ có 8 trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ thì đến nay đã có tới 56 trang trại sản xuất heo giống, heo thịt quy mô lớn. Hiện xã đã hình thành 9 câu lạc bộ năng suất cao, hoạt động rất hiệu quả. Năm 2011, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 30,4 triệu đồng/người (năm 2008 là 15 triệu đồng/người), không còn hộ nghèo (trong khi năm 2008, Xuân Định có 31 hộ nghèo). Bộ mặt nông thôn, xứ đạo khởi sắc, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện, bà con giáo dân có thêm điều kiện sống đạo.
Tâm Băng