Tượng thờ Chu Văn An tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: CTV |
Chu Văn An (1292 - 1370) quê xóm Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội, là nhà giáo, thầy thuốc, quan viên Đại Việt cuối thời Trần, danh nhân văn hóa thế giới. Ông dành cả cuộc đời cho sự nghiệp dạy học, với triết lý giáo dục nhân văn, không phân biệt giàu nghèo, học đi đôi với thực hành, học suốt đời để biết, để làm việc và cống hiến cho xã hội. Ông là người chính trực, đã từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung, bên sông Tô Lịch. Ông có công lớn trong việc truyền bá, giáo dục tư tưởng đạo đức Khổng giáo vào Việt Nam. Vua Trần Minh Tông (1300 - 1357) mời ông ra làm tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy cho Thái tử Trần Vượng, tức là vua Trần Hiến Tông về sau. Đến đời Dụ Tông, thấy quyền thần làm nhiều điều vô đạo, ông dâng Thất trảm sớ xin chém bảy tên gian nịnh, nhưng vua không nghe. Ông từ quan về ở núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương), lấy hiệu là Tiều ẩn (người hái củi ở ẩn) dạy học, viết sách cho tới khi mất. Sau khi mất, ông được vua Trần truy phong tước Văn Trinh công. Ông được Đại Việt sử ký toàn thư đánh giá là ông tổ của các nhà nho nước Việt. Triết lý giáo dục của ông ảnh hưởng tới nhiều thế hệ người Việt Nam và góp phần phát triển các giá trị nhân văn trong khu vực.
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491- 1585) quê làng Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam trong thế kỷ XVI. Sau khi đậu Trạng nguyên khoa thi Ất Mùi (1535) và làm quan dưới triều Mạc, ông được phong tước “Trình Tuyền hầu” rồi thăng tới “Trình Quốc công” dân gian quen gọi ông là Trạng Trình. Dưới thời quân chủ của Việt Nam, ông là một trong số hiếm “văn nhân thuần túy” được phong tới tước Công ('Quận công' hay 'Quốc công') ngay từ lúc còn sống. Trình Quốc công là tước phong chính thức cao nhất của vua nhà Mạc ban cho Nguyễn Bỉnh Khiêm gần 20 năm trước khi ông mất. Sự thật lịch sử này căn cứ vào 3 tấm văn bia do chính ông soạn lúc đã cáo quan về quy ẩn tại quê nhà Trung Am ở độ tuổi ngoài 73 và hiện còn được lưu giữ gần như nguyên vẹn. Ông để lại nhiều thơ văn. Về thơ chữ Hán có Bạch Vân am thi tập, khoảng một nghìn bài, nay còn lại khoảng 800 bài. Về thơ chữ Nôm có Bạch Vân quốc ngữ thi tập được ông ghi rõ sáng tác từ khi về nghỉ ở quê nhà, hiện còn lại 180 bài. Ông còn nổi bật là một nhà dự báo, hoạch định chiến lược. Những lời cố vấn của ông dành cho các tập đoàn quyền lực phong kiến Mạc, Lê-Trịnh, Nguyễn tác động lớn tới quan hệ địa chính trị của khu vực Đông Nam Á trở về sau.
Hải Vân