Gương điển hình

Hệ lụy ở một làng chài Công giáo

Cập nhật lúc 15:57 18/10/2013
Tại một tỉnh kinh tế- xã hội phát triển ở đồng bằng sông Hồng vẫn đang tồn tại một làng chài- một họ đạo mà hầu hết người dân không có đất làm nhà. Cuộc sống lênh đênh sông nước của họ đã kéo theo những hệ lụy mà có lẽ ở nơi đây mới có.
Làng chài Cao Bình

Chuyện hy hữu
 
Làng chài- giáo họ Cao Bình bám theo  ven sông xã Hồng Tiến (huyện Kiến Xương) tới cửa biển Cần Vành (huyện Tiền Hải, Thái Bình). Cao Bình  thuộc giáo xứ Cao Mại- Giáo phận Thái Bình, có 171 hộ gia đình với hơn 800 nhân danh, trong đó 60% gia đình không có đất làm nhà, sống hoàn toàn trên sông nước, không có nghề phụ.
 
Ông Toàn- nguyên trùm cả giáo họ Cao Bình cho biết, hồi còn trẻ, ông vẫn tin rằng đến thế hệ con cháu sẽ được học hành, sẽ không phải sống trong cảnh chui rúc trên một cái thuyền. Nay ông đã sắp hết sức lao động nhưng cái niềm tin từ xa xưa đó vẫn chưa thành hiện thực khi Cao Bình vẫn còn gia đình “tam đại đồng thuyền”- ba thế hệ sống chung trên một con thuyền; còn nhiều em không được đến trường; số em học hết phổ thông chỉ đủ đếm trên đầu ngón tay, học đại học thì xưa nay chưa từng có. Các em phải lênh đênh theo cha mẹ trên những con thuyền chật chội để quăng chài, thả lưới… Quyền trẻ em đang bị cuộc sống mưu sinh nơi đây đánh cắp, để lại những thiệt thòi và mờ mịt cho tương lai.
 
Vợ chồng ông Tỵ- bà Liêm có cả thảy 13 người con, tổng cộng gia đình có 15 người, vậy mà có 10 người không biết chữ. Ông Tỵ đã ngoài 60 tuổi nhưng đứa con út vẫn còn nhỏ, đứa con đầu và đứa út của ông cách nhau đến 27 tuổi. Vợ chồng anh Sơn có 3 đứa con, cố gắng lắm cũng chỉ cho 2 đưa nhỏ đi học, con trai lớn phải theo bố mẹ đi thuyền. Do không có nhà định cư trên đất liền nên hai đứa nhỏ nhà anh phải gửi nhà họ hàng trên đất liền để chúng theo bạn đến trường. Khi được hỏi về dự định học hành của con cái, anh Sơn lỏn gọn một câu: “học biết chữ là đủ rồi”.
  
Nghèo chữ nghĩa nhưng trong xã hội hiện đại, người Cao Bình vẫn phải thích ứng. Vì thế họ đành có những cách làm trở thành chuyện hy hữu: Thấy nhiều xứ đạo có đội kèn đồng thổi rất hay, giáo dân Cao Bình tham gia đội kèn đồng không kém. Nhưng nhạc công Cao Bình khác người ở chỗ, họ học kèn hoàn toàn trên tay chứ không biết đọc, biết viết chữ. Vì vậy, cả thầy và trò đều rất vất vả mới có thể thể hiện được bản nhạc phục vụ các buổi  lễ trọng. Trong các giao dịch dân sự cần đến văn bản hay khi đến cơ quan hành chính nhà nước làm các thủ tục liên quan đến văn bản, người Cao Bình không ký  mà thường điểm chỉ vào văn bản. Vì thế Cao Bình mới có biệt danh “làng điểm chỉ” hay còn gọi là “làng văn hoa”.
 
Vì những đặc thù của Cao Bình, nên các sơ dòng Mến Thánh Giá đã dành sự quan tâm cách riêng cho con em ở giáo họ này. Nhiều năm nay, chiều tối khi những tốp thuyền sau một ngày đi kiếm ăn về bến neo đậu, các sơ lại ra giao lưu  và dạy chữ, dạy giáo lý  cho bà con, đặc biệt là  các em nhỏ. Chính quyền cũng mở lớp học xóa mù chữ nhưng vận động, thuyết phục mãi, lớp học cũng chỉ được mấy buổi đầu là đông, những buổi sau cứ thưa dần, thưa dần. Bà con đồng ý học nhưng với họ trước mắt miếng cơm, con cá còn cần hơn.  Sau khi có các sơ và chính quyền chăm lo con chữ, phong trào học tập của con em đã xuất hiện những tín hiệu vui. Lần đầu tiên, năm học 2011, giáo họ có hơn 10 em đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp trường.  Số học sinh cắp sách tới trường đang tăng lên nhiều, hiện nay có  khoảng 50 em đang được các sơ phụ đạo học hành và cho ăn bữa cơm trưa tại trường học, chi phí do hội dòng đảm nhiệm. Những ngày lễ, tết hay những ngày hội,  các sơ tổ chức vui chơi, văn nghệ và tặng quà cho các em. Các sơ đang dự định mở lớp dạy  “xóa mù chữ” cho những người lớn tuổi, kể cả người không cùng tôn giáo ở Cao Bình.
  
Vòng luẩn quẩn
 
Cuộc sống sông nước tạo nên lối sống tạm bợ, tùy tiện, không có kinh tế để tích lũy. Từ đó phát sinh những hạn chế về giao tiếp xã hội và những khó khăn trong việc tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, trong đó có việc thực hiện chính sách dân số- kế hoạch hóa gia đình. Số gia đình sinh con thứ ba trở lên ở  Cao Bình vì thế chiếm tỷ lệ lớn, mỗi gia đình ít nhất có 5 con, kỷ lục nhất có gia đình có tới 13 con.  Nhiều phụ nữ phải sinh con khi thuyền đang ở biển, nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản và an toàn cho thai nhi… Cán bộ địa phương muốn phổ biến quy định, chính sách cho dân thuyền chài cũng rất khó khăn, thường là phải đợi khi họ quay về neo đậu tại bến bãi để gặp trực tiếp...
 
Ông Trần Văn Luyến- Bí thư xã Hồng Tiến cho biết, chính quyền đã cố gắng nhiều nhưng mới cấp đất được cho 80 hộ lên được bờ định cư. Trong số 80 gia đình được cấp đất, không phải ai cũng có tiền làm nhà, có gia đình xây xong nhà thì hết tiền, ruộng không có, không biết làm gì lại  xuống thuyền làm nghề sông nước. “Rất nhiều người sống trên thuyền đang muốn lên bờ định cư nhưng lên thì ở đâu, làm gì để sống?”, ông Luyến băn khoăn. Theo ông Luyến, để thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn đó, ổn định cuộc sống cho người dân Cao Bình, cần có sự vào cuộc của cấp, ngành trong huyện  để cấp đất, đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn…. và sự nỗ lực của chính những gia đình đang khát vọng lên bờ.
 
Trong lần về thăm giáo họ Cao Bình, Đức cha Phero Nguyễn Văn Đệ- Giám mục Giáo phận Thái Bình cũng bày tỏ mong muốn các gia đình trong giáo họ sẽ được cấp đất, được hỗ trợ vốn sản xuất để an cư, ổn định cuộc sống; các em nhỏ không phải bươn chải kiếm tiền mà được hưởng quyền học hành như bao trẻ em khác trên đất nước.
 
An Luých
Thông tin khác:
Từ tù nhân trở thành vị linh mục tích cực giúp đỡ người lầm lỡ (09/10/2013)
Chuyển biến trong thực hiện chính sách dân số ở huyện có đông đồng bào Công giáo nhất tỉnh Kiên Giang. (25/09/2013)
Một giáo dân chế tạo thành công máy xử lý rác giá thấp (18/09/2013)
Phú Thọ: Đồng bào Công giáo huyện Thanh Thủy tích cực xây dựng nông thôn mới. (06/09/2013)
Vũ Minh Nhật, Thủ Khoa Đại Học Công Nghệ Thông Tin TP. Hồ Chí Minh “Học Giỏi, Sống Tốt” (26/08/2013)
Đà Nẵng, tiếp bước cho em đến trường năm học 2013 - 2014 (23/08/2013)
Thừa Thiên - Huế: Đồng bào Công giáo phát huy tinh thần bác ái trong các hoạt động xã hội (10/08/2013)
Nghệ An: Vận động đồng bào Công giáo tích cực xây dựng nông thôn mới (03/08/2013)
Người Thầy thuốc ưu tú của Trảng Bom (03/08/2013)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log