Một trong những gương điển hình tiên tiến phải kể đến linh mục Phê rô Phan Khắc Từ. Kể từ khi chịu chức linh mục vào năm 1968 tại Sài Gòn, linh mục đã dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp hoà bình và bảo vệ quyền của những người bị thiệt thòi. linh mục Từ là Đại biểu Quốc hội từ năm 1987 đến năm 2002; là Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam; Phó chủ tịch Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Tp. Hồ Chí Minh; Phó chủ tịch Hiệp hội Trẻ khuyết tật Việt Nam; là một trong những người khởi xướng ngày Người khuyết tật; Giám đốc cơ sở nuôi dưỡng và bảo hộ trẻ em khuyết tật Thiên Phước; Giám đốc Quỹ Vì trẻ em khuyết tật, uỷ viên Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam…
Năm 1999, được sự giúp đỡ của linh mục Đông II Kim (người Hàn Quốc) cơ sở nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em khuyết tật Thiên Phước đã ra đời tại xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi. Với cương vị làm giám đốc, linh mục Từ đã mời các nữ tu Dòng Đức Mẹ Nhân ái đến chăm sóc các cháu để các cháu được chăm sóc ăn uống, chữa bệnh, tập vật lý trị liệu. Trước tình hình trẻ em là nạn nhân chất độc da cam quá đông, năm 2004 linh mục đã xin mở thêm cơ sở thứ 2 tại 156 khu phố 1, phường An Phú Đông, quận 12 tp. Hồ Chí Minh. Mặc dù đã có hai địa điểm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật mang tên Thiên Phước tại huyện Củ Chi và quận 12, nhưng linh mục vẫn còn nhiều trăn trở. Còn rất nhiều trẻ em khác là nạn nhân chiến tranh cần được giúp đỡ nuôi nấng.
Không chỉ dừng lại ở mong muốn cho tất cả các trẻ em khuyết tật được chăm sóc, nuôi dưỡng mà linh mục Từ còn muốn chất lượng cuộc sống của các em được cải thiện, giúp các em được tiếp cận với những dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, được phát triển giáo dục và được sớm hoà nhập với cộng đồng. Nhưng thực tế, cơ sở Thiên Phước hiện nay còn nghèo nàn, chưa cung cấp được những giải pháp chăm sóc trị liệu cho hàng trăm trẻ em bệnh nhân nội trú và ngoại trú. Được sự ủng hộ, động viên và tạo điều kiện của các ban ngành đoàn thể, linh mục đã khởi xướng và gây dựng “Quỹ vì trẻ em nghèo khuyết tật”. Mục đích gây quỹ là để cải thiện chất lượng cuộc sống của trẻ em khuyết tật bằng cách tạo ra những cầu nối ổn định và lâu dài để hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, giáo dục và các dịch vụ khác nhằm phát triển tối đa tiềm năng của bản thân để trở thành những người tự lực và độc lập, hoà nhập được với cộng đồng.