Gương điển hình

Linh mục đại biểu Quốc hội khóa X người Nghệ Tĩnh

Cập nhật lúc 15:03 28/05/2021
Đó là linh mục Giuse Vương Đình Ái, linh mục thuộc giáo phận Vinh. Ngài sinh ngày 11/11/1911 tại Thọ Ninh, Đức Thọ, Hà Tĩnh.
Đại chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê Vinh Thanh. Ảnh: CTV
Đại chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê Vinh Thanh. Ảnh: CTV
Đó là linh mục Giuse Vương Đình Ái, linh mục thuộc giáo phận Vinh. Ngài sinh ngày 11/11/1911 tại Thọ Ninh, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Thọ Ninh là xứ đạo cổ lâu đời được đón nhận Tin Mừng từ rất sớm. Theo một số tài liệu thì chính linh mục Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) đã đến khu vực Cửa Lò (Nghệ An) từ giữa thế kỷ XVII. Rồi từ đó Tin Mừng lan tỏa đến vùng ven sông La là Thọ Ninh, Yên Phú. Năm 1679, khi Tòa Thánh chia giáo phận Đàng Ngoài thành Đông và Tây Đàng Trong thì vùng đất Nghệ - Tĩnh -Bình thuộc Tây Đàng Trong. Thọ Ninh được chọn là nơi ở của các Giám mục phó giáo phận để tránh tổn thất khi cấm cách. Vì thế ở Thọ Ninh còn lưu giữ phần mộ của hai vị Giám mục cũng là hai vị đã được tôn phong là thánh năm 1988. Đó là các Giám mục La Motte Hậu I (1796-1823) và Guarard Đoan (1816-1823). Giáo xứ Thọ Ninh cũng là quê hương của 80 linh mục đang phục vụ trong nước và nước ngoài. Trong đó có linh mục Phêrô Đậu Quang Lĩnh (1770 - 1919) - một thủ lĩnh của phong trào Công giáo chống Pháp từng bị đầy đi Côn Đảo 9 năm. Đặc biệt có dòng họ Vương Đình rất nổi tiếng với nhiều linh mục tên tuổi như Giuse Vương Đình Ái, Phi khanh Vương Đình Khởi (OFM), Antôn Vương Đình Tài (CSsR), Duy Ân Vương Đình Lâm (OC), Bảo Tịnh Vương Đình Bích (dòng Anh Em Đức Mẹ Người Nghèo) …
Sinh ra ở vùng đất và dòng dõi có truyền thống dâng mình cho Chúa từ sớm nên ngay từ khi còn rất trẻ, chàng trai Vương Đình Ái đã sớm gia nhập chủng viện và được thụ phong linh mục năm 1940. Chính vị linh mục trẻ này đã cưu mang một người sinh trưởng trong gia đình truyền thống Nho giáo theo đạo Phật trở lại đạo Công giáo và trở thành trí thức nổi tiếng sau này là GS. Stephanô Nguyễn Khắc Dương. Cha Vương Đình Ái được cử coi sóc nhiều nơi nhưng về Yên Đại là lâu nhất. Ở giáo xứ Yên Đại có một khu hoang vu gọi là Xóm Trại nên cư dân tứ xứ đến cư ngụ. Tình hình trật tự trị an vô cùng phức tạp. Nhất là những năm 1990, sau đổi mới. Nạn buôn bán, hút chích xảy ra công khai giữa chợ. Linh mục đã cùng với các cơ quan chức năng kiên trì đi từng nhà, gặp từng người để vận động người nghiện đi cai tập trung. Những gia đình Công giáo đi đầu trong cuộc vận động. Một giáo họ đã được thành lập mang tên Đồng Tân. Giáo họ này giờ đã có 1200 nhân danh, có nhà thờ khang trang.
Khi Đại chủng viện Vinh - Thanh được tái hoạt động năm 1988 do Đức Giám mục Phêrô Trần Xuân Hạp là Giám đốc thì cha Vương Đình Ái cũng được bổ nhiệm là Phó Giám đốc cùng với Đức cha Thanh Hóa Phêrô Phạm Tần. Đây là chủng viện lớn chuyên đào tạo linh mục cho hai giáo phận Vinh và Thanh Hóa.
Đối với phong trào thi đua yêu nước của người Công giáo Việt Nam, linh mục Giuse tham gia từ những ngày đầu. Đến Đại hội III nhiệm kỳ 1997-2002, linh mục Giuse được bầu là Chủ tịch Ủy ban ĐKCGVN. Ngay trong lời khai mạc Đại hội III, linh mục Giuse đã long trọng tuyên bố:
“Chúng ta ý thức được tinh thần của Công đồng Vatican II và Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam là: “Người tín hữu sao nhãng bổn phận trần thế tức là sao nhãng bổn phận với tha nhân và hơn nữa đối với Thiên Chúa, khiến phần rỗi đời đời của mình bị đe dọa”… “Là Hội Thánh trong lòng dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mệnh quê hương, noi theo truyền thống dân tộc, hòa mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước… Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” (1).
Có lẽ nhờ đứng trên một lập trường vững chắc của Giáo hội Công giáo như vậy nên khi gửi giấy mời cho các Giám mục đến tham dự Đại hội của tổ chức yêu nước nơi người Công giáo Việt Nam đã nhận được nhiều thư phúc đáp của các Đấng bản quyền. Thư của Đức cha Barthôlômeô Nguyễn Sơn Lâm - Giám mục giáo phận Thanh Hóa viết:
“Kính thưa cha! Tôi đã nhận được thư của cha mời tôi đến dự buổi lễ khai mạc Đại hội Ủy ban ĐKCG tại Hà Nội ngày 30/12/1997.
Tôi tiếc không dự được, nhưng rất muốn chào thăm các linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân tham dự Đại hội. Chúc mọi người bảo vệ và phát triển được những ơn mà Chúa đã và đang ban cho chúng ta trong Mùa Giáng sinh này, để trong năm mới 1998, chúng ta nhiệt thành làm cho mọi người thấy ơn Cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Qua việc ban Con Một của Người giáng thế, Người đã biểu lộ tình yêu của Người muốn hoà giải, muốn yêu thương, muốn phục vụ.
Là tín hữu của Người trong Hội Thánh tại Việt Nam, chúng ta hãy sống theo Đấng là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Và như thế là sống Phúc âm giữa lòng dân tộc.
Xin chúc mừng tuổi mới các cha, các tu sĩ nam nữ và anh chị em giáo dân tham dự Đại hội”.
Thư của GS.VS linh mục Trần Tam Tỉnh cũng có đoạn rất xúc động:
“Con tin tưởng rằng, Ủy ban ĐKCGVN sẽ là chiếc đầu tàu kéo dân Chúa trên con đường phục vụ anh chị em đồng thời bảo vệ những giá trị tốt đẹp nhất của đất nước. Trung thành với truyền thống của các bậc cha anh như các linh mục Phạm Bá Trực, Võ Thành Trinh…và Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, Ủy ban ĐKCGVN sẽ góp phần mình vào công cuộc xây dựng một xã hội công bình trong đó không còn cảnh người bóc lột người, mọi người được hưởng những phúc lợi xã hội, trẻ em được chăm sóc và học hành, không còn kỳ thị vì giới tính hay chủng tộc”. 
Cũng trong nhiệm kỳ III (1997-2002), linh mục Giuse được giới thiệu ra ứng cử Quốc hội khóa X (1997-2002) và trúng cử với số phiếu rất cao chứng tỏ uy tín lớn của linh mục không chỉ với đồng bào Công giáo mà cả nhân dân vùng Nghệ An. Trong suốt khóa Quốc hội khóa X, kỳ họp nào, ngài cũng phát biểu rất thẳng thắn liên quan đến bảo vệ quyền lợi của giáo dân, nhất là trong sinh hoạt tôn giáo.
Dù tuổi cao nhưng tại Đại hội IV (2003-2008) của Ủy ban ĐKCGVN, ngài vẫn được đề cử giữ chức vụ Chủ tịch. Ngài lên diễn đàn phát biểu rất xúc động: “Xin để cho đại biểu trẻ hơn. Đừng biến Ủy ban ĐKCGVN thành hội siêu người cao tuổi. Xin quý vị cho tôi được nghỉ để dọn phần hồn”. Ngài về hưu, nhưng không nghỉ. Về quê, ngài vẫn chăm lo xây nhà trẻ cho các cháu nhất là các trẻ mồ côi.
Ngài qua đời ngày 17/3/2004 và lễ tiễn đưa ngài đúng ngày lễ kính thánh quan thày của ngài. Trông cả nhà thờ trắng khăn tang mới biết giáo dân yêu quý ngài biết bao nhiêu n
-------------------
1- Các trích dẫn, dẫn theo Kỷ yếu Đại hội đại biểu Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ III, Nxb. Tôn giáo, 2000.
Ts. Phạm Huy Thông
Thông tin khác:
Vị linh mục hai lần làm cha sở một xứ đạo (24/05/2021)
Thánh Nêrê và thánh Achillêô, tử đạo (22/05/2021)
Hành trình ơn gọi của linh mục khiếm thính Min Seo Park (17/05/2021)
Nữ tiến sĩ toán học, doanh nhân thành đạt thành nữ tu (14/05/2021)
Thánh Athanasiô, Giám mục, tiến sĩ Hội thánh (13/05/2021)
Thánh Máccô, tác giả sách Tin Mừng (06/05/2021)
Cô bé 10 tuổi thành nhà truyền giáo (01/05/2021)
Thánh Anselmô, Giám mục, tiến sĩ Hội Thánh (01/05/2021)
Nuôi trâu thành danh (16/04/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log