Gương điển hình

Một giáo sư hàng đầu về cây thuốc ở Việt Nam

Cập nhật lúc 07:23 15/02/2022
GS. Vũ Văn Chuyên nghiên cứu cây, cỏ cùng với sinh viên Y- Dược. Ảnh: CTV
GS. Vũ Văn Chuyên nghiên cứu cây, cỏ cùng với sinh viên Y- Dược. Ảnh: CTV

Giáo sư Vũ Văn Chuyên sinh ngày 9/8/1922 tại quê ngoại ở Nam Định, quê nội ở Tiên Lữ, Hưng Yên. Sau gia đình ông chuyển lên Hà Nội ở số 8 Chân Cầm, ngay cạnh nhà thờ lớn Hà Nội. Là gia đình Công giáo, mẹ ông thường giục ông đi nhà thờ hàng ngày. Ông kết thân với một chị người Công giáo ở phố Huế tên là Vũ Lê Dung. Một hôm, nghe tin chị Dung mất vì căn bệnh hiểm nghèo, ông chạy đến và khóc như người em ruột khóc chị vậy. Ông định đi tu, nhưng ông là con một nên mẹ ông nhất định không chịu. Thế là ông quyết định theo nghề y để chữa bệnh cứu người.

Học xong trường Albert Sarraut, ông định ghi tên vào trường thuốc nhưng nhà nghèo không đủ tiền đóng học phí nên ông xin chuyển sang trường Cao đẳng khoa học. Lúc đó,với vốn tiếng Tây,ông chạy sô “gõ đầu” con Tây cũng kiếm đủ tiền ăn, rồi lại dịch bài cho các nhật báo. Do mải kiếm tiền nên khi thi vào ngành thuốc ông bị trượt phải chuyển sang ban Vạn vật học. Ông đăng ký học ba ngành là động vật, thực vật và địa chất. Đang học dở ngành địa chất thì Nhật đảo chính Pháp. Số người học như ông lúc đó ở miền Bắc chỉ có chừng 20 người. Năm 1946, ông được mời về làm nhân viên thí nghiệm Phòng thực nghiệm trường Cao đẳng khoa học. Năm 1950, ông hoàn thành chương trình dược sĩ cao cấp. Năm 1954, ông được mời vào Nam với mức lương hậu đãi nhưng ông quyết ở lại Hà Nội phục vụ đất nước. Ông tham gia giảng dạy cho nhiều trường đại học như đại học Tổng hợp Hà Nội, đại học Y Hà Nội, đại học Dược Hà Nội và có 20 năm làm Chủ nhiệm Bộ môn Thực vật tại đại học Dược Hà Nội. Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu PGS năm 1980, GS năm 1984 và NGND năm 1990. Ông cũng tham gia Đoàn Chủ tịch Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam khóa 1 và 2. Ông là vị GS “độc ngữ”, là người duy nhất dạy môn Latinh cho sinh viên trường dược. Trước đây, trường cũng mời linh mục Nguyễn Văn Vinh dạy môn này, nhưng sau khi linh mục bị bắt đi cải tạo, chỉ còn ông. Theo ông, học dược mà không biết tiếng Latinh thì không thể giỏi được. Dù sau này, người ta đã quốc tế hóa nhưng tiếng Anh, tiếng Pháp không thể thay thế tiếng Latinh. Ông rất tiếc là do không có giáo viên nên nhiều trường đã bỏ thứ tiếng này. Vì vậy, ông đã soạn giáo trình tiếng Latinh cho sinh viên trường dược. Ông là người đã làm sửng sốt giới khoa học khi công bố tại căn nhà số 8 Chân Cầm còn sót lại cây thông thời đại Cổ sinh cách đây 3 triệu năm và Việt Nam có nhân sâm. Ông là một trong 2 người Việt Nam có tên trong cuốn từ điển chuyên ngành cây con làm thuốc của thế giới “The Directory of Specialist in Herbs, Sprices an medicinal Plants”. Hơn 50 năm gắn bó với nghề giáo, ông để lại 50 cuốn sách về cây thuốc Việt Nam.

Sau này, gia đình ông chuyển đến thuê nhà ở số 27 Nhà Chung. Cả ba thế hệ sống chen chúc trong căn hộ vài chục m2. Nhưng cửa nhà ông luôn rộng mở đón tiếp sinh viên đến nhờ giảng cho vấn đề họ chưa hiểu. Có người nhờ dịch một bài báo bằng tiếng nước ngoài. Vì vậy, hầu như ban ngày ông dành tiếp khách, đêm đến mới vào bàn làm việc và thường đi ngủ quá khuya.Hơn 80 tuổi, ông vẫn nhận lời mời của sinh viên đến hướng dẫn về cây thuốc. Mãi đến ngày 14/4/2007, ông Nguyễn Quốc Triệu - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và ông Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đến thăm ông và tận mắt thấy khó khăn trong sinh hoạt nên đã giải quyết nhà cho ông để ông tiếp tục cống hiến cho khoa học. Về sau, gia đình ông được chuyển đến chung cư B7 Phạm Ngọc Thạch.

Về hưu nhưng ông vẫn làm việc. Năm 1995, ông nhận chức Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và điều trị những bệnh hiểm nghèo. Chính ở đây, ông đã nghiên cứu ra thuốc Cedemex giúp người nghiện ma túy có thể cắt cơn và cai nghiện được. Công trình nghiên cứu thuốc Cedemex của ông đã được Hội đồng khoa học kỹ thuật nghiệm thu ngày 20/10/1996: Bộ KHCN cấp bằng sang chế độc quyền số 1017 cho công trình này.

Sau này, dù tuổi cao và trí nhớ không còn được như trước ông vẫn đi dự các dịp mừng lễ Giáng sinh hay Đại hội của UBĐKCGVN. Ông mất ngày 12/9/2013, hưởng thọ 92 tuổi, để lại tiếc thương cho bao đồng nghiệp và nhiều thế hệ học trò.
 
Triết Giang
Thông tin khác:
Trồng cây gây rừng (14/02/2022)
Thánh Gioan Boscô, linh mục (12/02/2022)
Sen Đông làm theo lời Bác (11/02/2022)
Bác sĩ Yersin vị ân nhân đất Việt (10/02/2022)
Mùa xuân với nhà tĩnh tâm hướng thiện La Vang (02/02/2022)
Dịch bệnh khó khăn thôi thúc tôi phải hành động (29/01/2022)
Bà Marouette Leclerc, người khai sinh Phong trào Hướng đạo nữ của Pháp (18/01/2022)
Một gia đình trao tặng hơn 1 Tỷ đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid - 19 (08/01/2022)
Hai anh em ruột anh hùng dân tộc (07/01/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log