Gương điển hình

Người giáo dân có đôi tay kì diệu

Cập nhật lúc 07:56 13/11/2021
Có một người giáo dân tai không nghe thấy, miệng không nói nên lời nhưng bao năm nay đã dùng bàn tay kì diệu để cảm nhận âm thanh. Ông nổi tiếng về ngón nghề sửa đồng hồ, nhất là với đồng hồ quả lắc, đồng hồ cúc cu...
Là người Công giáo, mê chơi đồng hồ côn với bản Thánh ca Ave Maria nhẹ nhàng như âm thanh chốn thiên cung ngân vọng, tôi tìm về giáo xứ Đền Thánh Hưng Nghĩa (xã Hải Hưng, huyện Hải Hậu, Nam Định) với hai ý định: thăm quan giáo xứ được biết đến với lịch sử hàng trăm năm, thánh đường trầm mặc, giáo dân không chỉ đông hàng nghìn người mà còn có đời sống đức tin rất sốt sáng. Ý định thứ hai là tìm gặp nghệ nhân có đôi tay kì diệu để sửa chiếc đồng hồ có tuổi nhiều hơn cả tuổi của mình, được du nhập từ châu Âu về đất Việt.

Chiêm ngắm ngôi thánh đường cổ kính trầm mặc và vẻ đẹp kiến trúc, tôi thầm tự hào vì dải đất ven biển Nam Định được ví là miền giáo đường, trong đó có Đền Thánh Hưng Nghĩa uy nghi, cổ kính. Theo sử liệu, giáo xứ Hưng Nghĩa đã có mặt trên bản đồ của giáo phận Bùi Chu từ đầu thế kỷ XVIII. Và đến năm 2010, giáo xứ chính thức được nâng lên hàng Đền Thánh của giáo phận.

Chất đạo không chỉ ở không gian kiến trúc thánh đường, mà còn ở mỗi con người nơi đây. Trong nét đẹp bình yên, tiếng chuông nhà thờ ngân, tình người cũng mộc mạc giản dị, tôi tìm đến gia đình giáo dân Đaminh Ngô Văn Kiển được biết đến với biệt danh “ông già câm điếc có đôi tay… thính”, để sửa chiếc đồng hồ.

Trong nếp nhà cũ kĩ, thô sơ nhưng bàn thờ Công giáo được dành ở nơi trang trọng nhất, ông Kiển dáng người chất phác, đậm chất nhà nông, chăm chú quan sát các cử chỉ giao tiếp của khách. Tôi chỉ tay vào bộ phận chiếc đồng hồ nghi ngờ bị lỗi, có ý nhờ ông kiểm tra và sửa giùm. Hiểu ý, ông lấy chiếc khóa tra vào ổ cót, vặn vài vòng rồi buông tay theo dõi… Bản nhạc chuông ngân. Ông lặng thinh quan sát từng chuyển động nhỏ, nhập tâm như bỏ quên hết mọi sự xung quanh. Đặt nhẹ đầu ngón tay lên đồng hồ.

“nghe” tiếng chuyển động, chỉnh lại vài lần ở bộ cơ, ông nhìn sang tôi xem đã ưng chưa? Tôi theo dõi độ chính xác, thử lại âm thanh vài lần và thật sự thán phục vì độ “zin” như được thiết lập nguyên bản.

Thấy khách ưng ý, người con trai ông Kiển- anh Đaminh Ngô Văn Khoản giải thích rằng, cha mình bị câm điếc từ thuở nhỏ do biến chứng của bệnh thủy đậu, một mắt đã không còn. Năm nay ngoài 70 tuổi nhưng ông đã có quá nửa thế kỷ đam mê sửa đồng hồ. Miệng không nói được, tai không nghe thấy gì, khách đến chỉ có cách giao dịch bằng cử chỉ, đơn giản là cần sửa gì thì chỉ thẳng vào đó, nghi hỏng đâu chỉ vào đó. Được cái ông rất nhanh hiểu ý. Ông căn chỉnh cho tới khi thấy chuẩn chỉ, đồng hồ chạy trơn tru, nhịp chuông ngân rền, nền nảy. Có lẽ trời bù trừ, đôi tay ông Kiển nhạy cảm đến lạ kỳ đã cảm nhận cách chính xác đến lạ thường những chuyển động nhẹ nhất. Ấy vậy, người ta mới gọi ông là người nghe bằng…tay.

Đem chuyện mình đi sửa đồng hồ chia sẻ với anh bạn chuyên chơi đồng hồ cổ, chủ yếu hàng từ thời Pháp. Thật bất ngờ khi anh bạn cho biết, anh cũng từng sửa đồng hồ tại nhà ông Kiển. Anh nói thẳng: Ông Kiển là bậc nhất vùng này. Ca nào khó đưa đến ông đều xử lý được. Từ đồng hồ cúc cu, tạ lê, cây, tủ, tượng, treo tường, ông Kiển đều sửa được. Nhưng phức tạp nhất phải kể đến cúc cu, loại này hợp thành cả các bộ phận hộp hơi đến cơ khí, hiếm có thợ nào sửa được.

Từng qua lại nhà ông Kiển nhiều lần, anh bạn tôi rành rọt về nhân thân. Từ thuở thiếu niên, ông Kiển đã tự mày mò, đam mê sửa chữa xe đạp, động cơ máy móc, đồng hồ. Đôi tay ông đã nhạy đến mức có thể thay đôi tai để cảm nhận được rung động. Chỉ cần đặt nhẹ tay lên đồng hồ là biết được tiếng chuông ngân thế nào, động cơ chạy trơn tru chưa, êm chưa! Ông Kiển đã truyền nghề cho hai người con trai, trong đó anh Khoản là người đam mê, làm nghề nhưng không ham lời lộc. Thỉnh thoảng anh được mời lên Hà Nội sửa chữa, bảo dưỡng đồng hồ cổ. Anh thừa nhận dù kiên trì học cha nhưng vẫn chưa đạt được độ nhạy cảm và chuyên môn như cha mình.

Có lẽ vì được trời phú ơn riêng, ông Kiển không chỉ giỏi sửa đồng hồ mà còn sửa kèn tây cho giáo xứ, chăm chút bộ chuông nặng cả tấn treo cao trên tháp nhà thờ. Ông thường kiểm tra dầu mỡ, vỗ vỗ tay quanh quả chuông để cảm nhận độ ngân, sau đó ra hiệu cho người bên dưới tháp chuông kéo thử để búa chuông va đi va lại xem có vấn đề gì không?

Dù có biệt tài nhưng ông Kiển và người con trai Ngô Văn Khoản không lợi dụng để kiếm tiền cách thương mại hóa. Có chiếc đồng hồ, dân chơi định giá hàng chục triệu, vậy mà chỉnh sửa xong, ông Kiển chỉ lấy mấy trăm nghìn đồng. Ông bảo: chỉ là sửa chữa thôi mà, lợi dụng lấy đắt là tham của trái lẽ, mà giới răn trong đạo có câu: “chớ tham của người”. Có lẽ từ cách nghĩ rất giản đơn ấy mà trong cuộc sống muôn vàn khó khăn, nhất là hoàn cảnh ông Kiển bị câm điếc và hỏng một mắt, gia đình ông bà vẫn vui vẻ, hạnh phúc và được đông đảo người trong thôn làng trân quý.
 
Ông Kiển “nghe” âm thanh đồng hồ bằng cảm nhận từ tay. Ảnh: Bùi An A
Ông Kiển “nghe” âm thanh đồng hồ bằng cảm nhận từ tay. Ảnh: Bùi An
Anh Khoản được truyền nghề sửa đồng hồ từ cha mình. Ảnh: Bùi An
Anh Khoản được truyền nghề sửa đồng hồ từ cha mình. Ảnh: Bùi An
Bài, Ảnh: An Luých
Thông tin khác:
Người mẹ của trẻ em bị lãng quên ở Honduras (12/11/2021)
Giáo dân ở Cam Lâm làm tốt mô hình về an ninh trật tự (11/11/2021)
Ba nữ anh hùng và ba nhà thơ lớn (10/11/2021)
Cơm không đồng nhưng đầy tình yêu thương tại nhà thờ Kinh Long Hội (03/11/2021)
Nữ doanh nhân giàu lòng nhân ái (02/11/2021)
Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ - Biểu tượng sáng ngời của Phật giáo Việt Nam (01/11/2021)
Đôi bạn nên thánh: Alberto Michelotti và Carlo Grisolia (27/10/2021)
Đại sứ quán Đài Loan cạnh Toà Thánh tặng 300 túi ngủ cho Caritas Ý (26/10/2021)
Thánh Antôn Maria Clarét, Giám mục (24/10/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log