Gương điển hình

Nhìn lại vụ án các linh mục, tu sĩ Công giáo ở Vinh hơn một Thế kỷ trước

Cập nhật lúc 07:45 27/12/2021
Ba linh mục Phêrô Nguyễn Văn Tường (Quản lý Tòa Giám mục), Phêrô Đậu Quang Lĩnh (Thư ký Tòa Giám mục) và Gioan Baotixita Nguyễn Thần Đồng (Quản xứ Chính tòa) của giáo phận Vinh bị chính quyền thuộc địa kết án 9 năm tù giam và lao động khổ sai tại Côn Đảo vào ngày 18/10/1909.
Ba linh mục Phêrô Nguyễn Văn Tường (Quản lý Tòa Giám mục), Phêrô Đậu Quang Lĩnh (Thư ký Tòa Giám mục) và Gioan Baotixita Nguyễn Thần Đồng (Quản xứ Chính tòa) của giáo phận Vinh bị chính quyền thuộc địa kết án 9 năm tù giam và lao động khổ sai tại Côn Đảo vào ngày 18/10/1909. Ảnh: TL

Đáp lại lời kêu gọi của các chí sĩ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh gia nhập “Việt Nam quang phục hội”, nhiều người Công giáo ở Nghệ An, Hà Tĩnh đã tham gia dưới thời Giám mục Pineau Trị (1885-1909). Khâm sứ Trung Kỳ là E. Groleau đã báo cáo lên quan Toàn quyền Đông Dương ngày 11/2/1911 như sau:

“Những kẻ cầm đầu phong trào đã lôi cuốn vào hàng ngũ của họ nhiều linh mục và thày giảng Công giáo vùng Nghệ- Tĩnh.Như vậy qua trung gian những người ấy, họ đã tạo được ảnh hưởng chính trị rộng rãi của quần chúng Công giáo tại vùng này.Qua các linh mục ấy, một chiến dịch tuyên truyền chống chúng ta đã được phổ biến khá hữu hiệu trong các giới Công giáo. Và họ đã góp những số tiền quyên giúp khá lớn vào việc gia tăng ngân sách cho phe Cường Để”(1).

Một số linh mục thừa sai Pháp không đồng tình với thái độ ủng hộ phong trào đấu tranh của dân chúng của Giám mục P. Trị nên đã làm đơn đề nghị Hội Thừa sai Paris (MEP) để triệu Giám mục về Pháp. Giám mục P. Trị về Paris và phải viết đơn từ nhiệm giữa năm 1911. Lợi dụng không còn sự bao bọc của Giám mục P. Trị, công sứ Vinh đã ra lệnh bắt ba linh mục Nguyễn Thần Đồng, Đậu Quang Lĩnh và Nguyễn Văn Tường, đóng gông cổ và đầy đi khổ sai 9 năm ở Côn Đảo (ảnh trên). Như vậy, đến nay vụ án đã cách xa hơn 1 thế kỷ (1909-2021).

Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Tường sinh năm 1852 tại Cẩm Trường, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ngài được thụ phong linh mục năm 1892, được giao quản lý Nhà chung Xã Đoài từ năm 1892-1909. Ngài tham gia phong trào Duy Tân từ năm 1907. Khi bị đày ra Côn Đảo, ngài luôn lạc quan mong ngày trả nợ nước dù gông cùm, xiềng xích. Ngài làm thơ để diễn tả tâm huyết của mình:
 
“Chưa trả non song gánh nợ đầy
Ngày giờ thấm thoắt nghĩ mà ngây
Trông lên mái tóc lem nhem bạc
Ngó lại hình dong móm mém gầy...
Làm người không lẽ như rầy mãi
Biển rộng, non cao hẳn có ngày?”

Ngài mất ở nhà lao Côn Đảo. Đến nay vẫn chưa tìm thấy phần mộ. Người cùng bị bắt với linh mục Phêrô Nguyễn Văn Tường là linh mục Phêrô Đậu Quang Lĩnh, sinh năm 1870 ở làng Thọ Ninh, Đức Thọ. Năm 1891, sau khi học xong chủng viện, Ngài được giữ lại làm giáo học và được truyền chức linh mục năm 1903, được giao làm Thư ký Tòa Giám mục cho đến khi bị bắt ngày 12/6/1909. Thừa sai Klingler có báo cáo về Bề trên của MEP ở Paris như sau:

“Chính cha Lĩnh và những cán bộ của ông ta đã xúi giục người nhà Đức Chúa Trời của chúng ta. Chúng đưa người sang Nhật Bản, không phải đi học mà mưu đồ riêng… Họ cung cấp cho người xuất dương phí tổn đi đường, đồ dùng, quần áo và tiền bạc. Chúng đi quyên tiền của cha xứ và giáo dân, hăm dọa những ai không ủng hộ họ. Chúng liên lạc với những băng cướp ngoại đạo. Chúng xuất tiền vào việc tuyên truyền và sắm vũ khí”.

Trong nhà tù, ngài bị tra tấn dã man vì bị cho là cầm đầu nổi loạn. Cai ngục hỏi: Đã là linh mục sao còn đi làm giặc? Ngài khẳng khái đáp:

“Vì người da trắng ư? Sống trên giảng tọa, nơi pháp trường, khi ngọt, khi cay, khi sấm sét chỉ là phận công dân đều trách nhiệm. Đều giống da vàng cả,vô số bậc than nhân chí sĩ, bị đày bị tù, bị đổ máu, lẽ nào bọn chúng tôi không biểu đồng tâm”.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã cảm phục tấm gương bất khuất của linh mục Phêrô Đậu Quang Lĩnh. Cụ ca ngợi:
 
“Quyền nước còn hèn, quyền giáo thấp
Trí thần chưa mở,trí dân ngây
Lòng nô lũ quyết xô nên ổ
Chữ Thập cờ toan dựng xứ này.

Năm 1913, linh mục Phêrô Đậu Quang Lĩnh được trả tự do và về cư trú tại Sài Gòn. Ngài qua đời và an táng tại Cái Mơn ngày 28/01/1941.

Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Thần Đồng sinh năm 1866 tại Nhân Hòa, Nghi Lộc, Nghệ An. Học xong chủng viện, ngài cũng được giữ làm thầy giảng đến năm 1898. Năm 1903, ngài được truyền chức linh mục và coi sóc giáo xứ Xã Đoài cho đến khi bị bắt.Có dư luận cho rằng, vì Giám mục Pineau Trị tin dùng ba linh mục ngườiViệt nên bị các thừa sai Pháp ghen ghét.Nhưng thật ra, nguyên nhân chính vẫn là các linh mục này tham gia các hoạt động yêu nước. Báo cáo của viên công sứ Vinh ngày 26/6/1909 ghi rõ:

“Tôi đã phải ra lệnh bắt giam ba linh mục bản xứ ngày 12 tháng trước vì đã vi phạm nghiêm trọng việc liên lạc với những kẻ thù của chúng ta đang lẩn trốn tại Nhật Bản và Thái Lan. Họ dùng những lời dụ dỗ hoặc bằng cách đe dọa lạc quyên tại các gia đình Công giáo những khoản tiền bạc lớn để chi dùng vào việc đào tạo các thanh niên Công giáo được gửi sang du học tại các trường ở Nhật Bản. Tôi đã theo dõi hành tung các linh mục ấy. Đó là những người không quan tâm gì đến tôn giáo mà lại đi cấu kết đảng phái, bắt liên lạc với những nhóm cách mạng Duy Tân và băng cướp Đội Quyên”.

Khi bắt được linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Thần Đồng, thực dân Pháp tìm mọi cách dụ dỗ, tra tấn để ngài khai ra đồng chí của mình nhưng ngài đã trả lời bằng bài thơ khẳng khái:
 
“Nước ngược rồi nước lại xuôi
Đố ai bắt được con nuôi ông Đồng?
Nước lên rồi nước lại ròng
Đố ai bắt được con còng trong hang?”

Cùng tham gia vào “Việt Nam quang phục hội” ở Nghệ An,Hà Tĩnh khi đó còn có nhiều tu sĩ, giáo dân như Lê Khánh, Mai Lão Bạng, Lưu Văn Quế (tức Lý Trọng Bá), Lý Trọng Mậu, Nguyễn Văn Phú, Lê Kim Thanh, Lý Hồng Chung…

Lê Khánh (1886-1910) người huyện Nghi Lộc. Khi còn nhỏ tuổi, ông cũng vào Chủng viện Xã Đoài để đi tu. Nhưng thấy quân Pháp xâm chiếm đất nước, bóc lột dân nghèo nên ông quyết định rời Chủng viện đi cứu nước. Ông tâm sự với bạn bè:

“Chúa ta và các môn đệ đều lấy máu mà rửa cái dơ của người đời. Nay Tổ quốc và đồng bào bị tai ách như thế, chúng ta không biết bỏ mình cứu vớt, ngồi nhìn nước mất, chủng diệt, tương lai ta sẽ truyền giáo cái gì?”.

Ông đi vận động quyên góp cho phong trào Đông Du và đề nghị Phan Bội Châu mua vũ khí gửi về để vũ trang khởi nghĩa.Ông bị bắt ở Vinh năm 1910 nhưng đã khéo léo trốn thoát. Khi lãnh tụ Đặng Thái Thân bị bao vây, ông đã dũng cảm chiến đấu để giải vây và hy sinh. Đồng đội ông đã tôn vinh ông là “Con yêu của Thượng đế, là Hiếu tôn cũng là hiếu với Tổ quốc vậy”.

Mai Lão Bạng (1870-1942), quê ở Vinh, là tu sĩ nên giáo dân hay gọi là Già Châu. Ông tham gia phong trào Đông Du từ năm 1908, dẫn đoàn thanh niên Công giáo sang Nhật học tập theo sắp xếp của Phan Bội Châu. Ông bị bắt ở Thái Lan, bị giam 4 tháng. Khi qua Hồng Kông, ông lại bị bắt nữa. Năm 1912, khi lập Việt Nam quang phục hội, ông được bầu là Phó Tổng trưởng phụ trách tài chính. Năm 1913, ông bị bắt cùng với Phan Bội Châu ở Trung Quốc giam đến năm 1917 thì trao cho chính quyền bảo hộ Việt Nam và bị kết án chung thân.Ông bị đầy đi Côn Đảo. Đến năm 1926 được phóng thích. Ông để lại nhiều tác phẩm thơ ca tranh đấu như Lão Bạng phổ khuyến thơ, Khuyên đồng tâm…Phan Bội Châu đã ca ngợi Mai Lão Bạng như sau:

“Tính mạng bao phen toan chết mất
Râu mày ba bận ở tù rồi
Ví dù đường đời bằng phẳng cả
Anh hùng hào kiệt há nhường ai?”

Phong trào Đông Du với nhiều gương mặt linh mục, tu sĩ, giáo dân ở Nghệ An, Hà Tĩnh tham gia là một trang sử hào hùng của người Công giáo ở đây trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc.
 ---------------
Các trích dẫn theo cuốn: Vấn đề phong thánh tử đạo và lịch sử dân tộcViệt Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Nxb. TP HCM 1988.
Ts. Phạm Huy Thông
Thông tin khác:
THÁNH PHÊRÔ CANISIÔ, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh (24/12/2021)
Khởi sắc ở Lộc Thanh (23/12/2021)
Lòng yêu nước của một linh mục (15/12/2021)
Thôn kiểu mẫu ở xứ đạo Lộc Thanh (12/12/2021)
Trưởng thôn gương mẫu ở xã Cuôr Knia (11/12/2021)
Nữ tu Ignatia Gavin, thiên thần hy vọng của những người nghiện rượu (04/12/2021)
Hai trạng nguyên đầu tiên (30/11/2021)
Tuổi trẻ xã trường sơn làm theo lời Bác (29/11/2021)
Chàng trai 8x Đồng Tháp kiếm bộn tiền nhờ phương pháp thủy canh rau má (27/11/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log