Gương điển hình

Vị bác sĩ trong tâm dịch Gò Vấp

Cập nhật lúc 15:29 07/07/2021
Tên gọi tuy là “Hội thánh truyền giáo Phục Hưng”, nhưng thực chất chỉ là điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo, không phải 'hội thánh. Ảnh: Độc Lập
Tên gọi tuy là “Hội thánh truyền giáo Phục Hưng”, nhưng thực chất chỉ là điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo, không phải 'hội thánh. Ảnh: Độc Lập
Ngày 26/5/2021 là một ngày đáng nhớ trong nhật ký chống dịch của HDC thành phố Hồ Chí Minh. Tại quận Gò Vấp xuất hiện ổ dịch liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng  với 03 bệnh nhân đầu tiên của ổ dịch được phát hiện. Thành phố đã nhanh chóng dồn nỗ lực để điều tra, truy vết, giám sát các trường hợp tiếp xúc hoặc liên quan đến bệnh nhân. Bốn người trong gia đình trưởng nhóm truyền giáo dương tính. Thư ký nhóm truyền giáo dương tính. Tất cả F1, F2 liên quan đến điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng được lực lượng y tế quận Gò Vấp gom về trong đêm 26/5 dương tính với SARS-CoV-2.
Tin về ổ dịch Gò Vấp được nhanh chóng loan truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mọi người dân thành phố chú tâm theo dõi, Trên trang Zalo của Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP. Hồ Chí Minh cũng đưa lại tin của Baomoi.com vể bác sĩ Nguyễn Đức Bảo với nội dung: 09 giờ cân não thuyết phục F0 tại tâm dịch Gò Vấp khai báo. Khi tình thế rơi vào bế tắc, đêm 26/5, bác sĩ Nguyễn Đức Bảo, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm y tế quận Gò Vấp, tìm mọi cách tháo gỡ. Nhóm hội thánh này vốn dĩ là một nhánh của Tin lành. Vừa hay, bác sĩ Bảo cũng là người Công giáo. Điểm chung này trở thành sợi dây kết nối giữa ông và nữ thư ký của điểm nhóm hội thánh.
“Hết nói chuyện đạo, tình cảm, tôi lại xoay sang tình hình dịch bệnh phức tạp, năn nỉ cô ấy phối hợp”, bác sĩ Bảo kể lại quá trình thuyết phục nữ bệnh nhân.
Cứ thế, giữa bộn bề công việc chống dịch, người bác sĩ 54 tuổi vẫn tỉ mẩn vừa nhắn tin, vừa gọi điện để tác động nhằm khiến nữ bệnh nhân phối hợp khai báo.
“Khi biết chồng cô ấy cũng dương tính, thái độ cô ấy có vẻ thay đổi. Lúc đó, tôi năn nỉ và cuối cùng, cô ấy viết ra cho tôi một danh sách 9 người, bao gồm cả số điện thoại”, bác sĩ Bảo kể lại chiến thắng nhỏ của mình sau khoảng 9 giờ thuyết phục F0 này”.
Bản tin vừa đưa lên, anh Nguyễn Văn Nam, Trưởng Ban Đoàn kết Công giáo quận Gò Vấp đã nhắn vội vài dòng thông tin: “Bác sĩ Nguyễn Đức Bảo và gia đình vợ là giáo dân giáo xứ Nữ Vương Hòa Bình, Hạt Xóm Mới, Gò Vấp”. Từ tin nhắn của anh Nam, tôi nhờ anh liên lạc với bác sĩ để viết về một người tín hữu đang miệt mài trong nhiệm vụ “Chống dịch như chống giặc”, theo đề nghị của Tổng Biên tập báo Người Công giáo Việt Nam, muốn nêu tấm gương “Sống niềm tin Đức Kitô giữa dân mình” như lời dạy của Đức Giáo hoàng Bênêdictô XVI. Thế nhưng rất tiếc vì quá nhiều công việc trên trận chiến chống dịch, mà cũng vì tính khiêm tốn vốn có, bác sĩ Bảo xin khất lại vào dịp khác vì hiện nay rất bận rộn, dù là chỉ trao đổi qua điện thoại. Tôi đành tiếp cận anh qua các kênh truyền thông, qua bạn bè và người thân của anh.
Bác sĩ Bảo, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, một trong những người đứng nơi “đầu sóng ngọn gió” khi dịch bất ngờ ập tới. Tình thế xoay chuyển chỉ sau một cuộc gọi đêm 26/5, ông từ bác sĩ trở thành chiến sĩ, chiến đấu trên một mặt trận không thấy quân thù. Chỉ trong 2 tuần, từ 3 ca nhiễm được phát hiện tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (quận Bình Thạnh), dịch đã lây ra 21/22 quận, huyện, TP (trừ huyện Cần Giờ).   
Trở lại chuyện về “Cái đêm hôm ấy, đêm 26/5”, khi tình thế rơi vào bế tắc, bác sĩ Nguyễn Đức Bảo, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật Trung tâm y tế quận Gò Vấp tìm mọi cách tháo gỡ. Nhận ra chỉ người thư ký (của Hội Thánh) có thiện chí phối hợp, bác sĩ Bảo liên tục tác động bằng đủ các chiến thuật nhằm điều tra số thành viên của điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. Danh sách lúc đầu người thư ký cung cấp chỉ có 20 hội viên, nhưng nhờ kinh nghiệm, ông nhận định họ chưa khai toàn bộ.
“Lúc đầu họ giấu, họ nói không có tụ tập trong 2 tuần, nhưng sự thật là họ có”, ông kể. Nếu họ nói ngay từ đầu thì mình đỡ cực hơn nhiều. Chỉ mấy giờ thôi nhưng tình hình có thể đã bớt tệ đi.
Kể từ khi Gò Vấp bùng dịch, bác sĩ Bảo chưa từng có một giấc ngủ yên. Những giấc ngủ chập chờn luôn bị đánh thức bởi tiếng chuông điện thoại. Sau nhiều đêm thức trắng, bước đi của ông vẫn gấp gáp nhưng nặng nề, giọng nói trầm vang nhưng khản đặc, bờ vai chùng hẳn xuống.
“Tôi không biết hôm nay là ngày thứ mấy nữa rồi”, ông cười khi được hỏi về thời gian, nụ cười không lên nổi khóe mắt.
Những ngày cao điểm, cả căn phòng của Trung tâm Y tế quận chỉ có tiếng điện thoại reo và tiếng trả lời gấp gáp của nhân viên y tế. Lực lượng của Trung tâm Y tế quận (bao gồm 16 phường) khoảng 210 người, gồm cả những người không có chuyên môn y khoa. Thế nhưng, từ lúc dịch bùng ra, bất kể là bác sĩ, y tá, điều dưỡng, trưởng trạm, trưởng khoa... đều trở thành nhân viên chống dịch. “Chúng tôi hay nói đùa với nhau là chúng tôi không phải F0, không phải F1 mà là F0.5”, bác sĩ Bảo ví von.
Tuổi đã quá ngũ tuần, làm nghề y mấy chục năm, ông chia sẻ chưa bao giờ cảm thấy kiệt sức như những ngày Gò Vấp bùng dịch. Vị bác sĩ 54 tuổi thừa nhận ông và nhiều đồng nghiệp bị quá tải trước khối lượng công việc khổng lồ. Ngày xử lý các F, đêm lại đi lấy mẫu. Thời gian căng thẳng nhất là từ ngày 30/5 đến 1/6, toàn đội thức trắng 3 đêm để lấy hàng chục nghìn mẫu xét nghiệm cho người dân 4 phường. “Nói thật, nhiều khi mệt mỏi đến muốn buông, nhưng rồi không hiểu sao vẫn làm tiếp được. Chúng tôi không nghĩ đến cái gì khác, chỉ làm sao truy vết cho đàng hoàng để giảm tình hình dịch thôi”, ông nói, giọng khản đặc.
Buổi sáng của ngày cách ly thứ 7, điện thoại bác sĩ Bảo chỉ reo 5 lần trong một giờ. Ông gọi đó là “bình yên” bởi những ngày trước đó, cuộc gọi đến liên tục. Ông nói muốn biết tình hình ở Gò Vấp có đang căng hay không, chỉ cần nhìn vào điện thoại của các nhân viên y tế. “Mấy ngày gần đây, số ca nhiễm mới tuy vẫn nhiều nhưng hầu hết ở trong khu cách ly nên tình hình đỡ căng thẳng”, ông nói.
Ngày 6/6, quận Gò Vấp nhận thêm tin vui. Sở Y tế đã thành lập 6 đội chi viện cho các quận, huyện, trong đó có Gò Vấp. Mục tiêu là hỗ trợ truy vết F1, F2 và F3 tiếp xúc gần. Tròn 2 tuần từ khi có dịch, quận Gò Vấp đã ghi nhận hơn 90 ca nhiễm và dự báo còn tăng. Bác sĩ Bảo biết rằng đội chi viện đến không đồng nghĩa với việc ông và các đồng đội được nghỉ. Nhưng đó là niềm động viên lớn bởi ông tin tưởng rằng trong cuộc chiến chưa rõ hồi kết này, quận Gò Vấp không cô đơn. (Theo Zingnews)                  
Với người dân trong quận Gò Vấp, trong đó người Công giáo lên đến trên 90 ngàn, với 26 xứ đạo thuộc hai hạt Xóm Mới và Gò Vấp, bác sĩ  Antôn Nguyễn Đức Bảo là giáo dân giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, gia đình bên vợ thuộc giáo xứ Nữ Vương Hòa Bình, Hạt Xóm Mới. Ông là một tín hữu thuần thành luôn “Đồng hành cùng dân tộc - Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” theo tinh thần Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Trong suốt cả tháng qua, bác sĩ Bảo cũng “tự cách ly” tại Trung tâm Y tế quận, cắm trại 100% tại cơ quan, dù gia đình cư ngụ tại quận 12 gần đó. Vợ ông, bà Trần Thị Hương Lan, cho biết ông chỉ thi thoảng gọi điện thoại về gia đình báo tin là cả nhà hãy an tâm, ông và các đồng nghiệp vẫn khỏe, khi nào thành phố công bố Gò Vấp hết dịch ông mới về nhà. Gia đình bác sĩ Bảo gồm vợ và hai cháu trai đã trưởng thành luôn nhớ và cầu nguyện cho bố và các đồng nghiệp, cầu nguyện cho cơn đại dịch mau chấm dứt mỗi ngày. Là một trí thức Công giáo, ông luôn tận tụy trong công việc, đã từng là Trưởng Trạm Y tế phường, rồi là bác sĩ thuộc Trung tâm y tế dự phòng, đại biểu Hội đồng nhân dân và nay công tác tại Trung tâm Y tế quận. Dù ở nơi nào, cương vị nào ông cũng cống hiến hết sức mình với ý thức “Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”. Anh Nam, Chủ tịch Hội đồng Mục vụ giáo xứ Nữ Vương Hòa Bình còn cho biết cách nay gần 2 tháng, bác sĩ Bảo và các y bác sĩ thuộc trung tâm y tế quận, trạm y tế phường đã đến giáo xứ xét nghiệm cho cha xứ, quý chức việc trong Hội đồng Mục vụ và các thừa tác viên Thánh Thể, tuyên truyền phổ biến cho giáo dân về các biện pháp phòng chống dịch, về thông điệp 5K... đã để lại trong mọi người lòng yêu mến và cảm phục vị bác sĩ trong vùng tâm dịch.
Fx. Minh Đỗ
Thông tin khác:
Vị mục tử nặng lòng với đàn chiên (06/07/2021)
Bốn mươi tuổi: Chủ của bốn tờ báo và một Nhà xuất bản (27/06/2021)
Thánh Antôn Pađua, linh mục, tiến sĩ Hội (23/06/2021)
Hoạ sĩ Nam Sơn: Người hiến dâng trọn đời cho hội họa xứ Việt (22/06/2021)
Lòng bác ái của nữ bệnh nhân Công giáo trong tâm dịch tại Ấn Độ (17/06/2021)
Thánh Piô V, Giáo Hoàng (03/06/2021)
Những suất cơm tình người (30/05/2021)
Nguyễn Bá Khoản - Nhiếp ảnh gia nặng lòng với quê hương, đất nước (29/05/2021)
Linh mục đại biểu Quốc hội khóa X người Nghệ Tĩnh (28/05/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log