Với tấm lòng yêu thương và chia sẻ, bao năm qua, linh mục Phêrô Phạm Thanh Bình đã kiên trì hướng dẫn đời sống đức tin, xóa bỏ tảo hôn, đưa pháp luật đến đồng bào dân tộc thiểu số và hỗ trợ các em nơi rẻo cao theo học.
Linh mục Phêrô Phạm Thanh Bình- làm quản xứ Sa Pa (thị xã Sa Pa- Lào Cai) từ năm 2006, đồng thời là quản hạt giáo hạt Lào Cai- Lai Châu. Đây là một Giáo hạt có nhiều anh em dân tộc thiểu số sinh sống nhất của Giáo hội Công giáo Việt Nam, với gần 30 sắc tộc chủ yếu là người Thái, H’mông, Dao, Tày, Hà Nhì…Nhưng hiện nay chỉ có người dân tộc H’mông chiếm đa số tỷ lệ người Công giáo của Giáo hạt với hơn 5.000 tín hữu.
Bao năm qua, cha Phêrô Phạm Thanh Bình luôn đồng hành cùng đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi bản làng.
Hồi mới về giáo xứ Sa Pa cũng là thời điểm tình trạng tảo hôn nơi đồng bào dân tộc thiểu số khá phổ biến, chủ yếu là đồng bào dân tộc H’Mông thuộc các giáo họ Hầu Thào, Lao Chải. Con trai 16, 17 tuổi cưới vợ; con gái 14, 15 tuổi gả chồng, dẫn đến bỏ học sớm, sức khỏe bị ảnh hưởng xấu... Không chỉ tảo hôn, mỗi đám cưới của đồng bào dân tộc thiểu số thường kéo dài nhiều ngày. Ăn cỗ, uống rượu triền miên, nhiều người say xỉn bỏ bê lao động. Cha mẹ có con gái gả chồng cũng nhân cơ hội này thách cưới hàng chục triệu đồng, áp lực nợ nần sau cưới dồn lên đôi vợ chồng trẻ.
Dù được Nhà nước miễn học phí đối với cấp 1 và cấp 2 và cho thêm gạo để đi học nhưng ít gia đình dân tộc thiểu số cho con học cấp 2; biết đọc chữ là lên nương đi làm, xuống khu du lịch kiếm tiền. Tuổi thơ của các em sớm thuộc từng lối mòn lên rừng để kiếm củi, nhiều em lưu loát những câu tiếng Anh để bán hàng cho du khách nước ngoài. Linh mục Phêrô Phạm Thanh Bình với các em học sinh dân tộc thiểu số |
Trước những tồn tại trên, cha Phêrô Phạm Thanh Bình đã lặn lội đến tận bản làng thăm hỏi, kết thân với các gia đình để khuyên nhủ, vận động người lớn cho con em đi học; xóa bỏ tảo hôn. Cha tặng sách vở, mở lớp học miễn phí ngay tại nhà thờ Sa Pa để hỗ trợ các em bị lỡ dở việc học. Khi hay tin có giáo dân bị ốm, cha tranh thủ đi thăm, cũng là để tìm hiểu xem bệnh tình thế nào. Đến nơi, thấy bệnh nặng, lại phải cho tiền xe, thêm tiền chữa bệnh, họ mới chịu đi Hà Nội, hay bệnh viện tuyến tỉnh chữa trị.
Để xóa bỏ tảo hôn, cha Phêrô mở các lớp giáo lý trước hôn nhân, trong đó có lớp tổ chức ngay tại thôn Hang Đá (xã Hầu Thào). Giáo viên giảng giải về Luật hôn nhân- Gia đình, những giá trị của đời sống hôn nhân theo giáo lý Công giáo như lòng chung thủy, trách nhiệm với con cái;…. Các bạn trẻ được hướng dẫn về độ tuổi kết hôn và kỹ năng chăm sóc gia đình để chuẩn bị hành trang xây dựng hạnh phúc bền vững; thúc đẩy bình đẳng giới. Nhân đây, giáo lý viên cũng phổ biến quy ước của cha xứ, như: không được tổ chức ăn cỗ tốn kém, không thách cưới quá 5 triệu đồng và phải đăng ký kết hôn theo quy định pháp luật thì mới được làm phép cưới tại nhà thờ...
Cha Phêrô cho biết, có lần, đôi nam nữ vào xin cha làm lễ cưới theo nghi lễ Công giáo tại nhà thờ, nhưng vì chưa đủ tuổi kết hôn theo pháp luật, cha đã khuyên bảo, phân tích, sau đó cùng chính quyền thuyết phục tạm thời chưa kết hôn, chờ năm sau mới kết hôn, vừa đúng pháp luật vừa được cha làm lễ cưới tại nhà thờ cách thiêng liêng, đôi bạn và gia đình nghe theo. Nhưng cũng có trường hợp do hủ tục bám sâu vào nhận thức, đôi bạn chẳng nghe cha khuyên, rủ nhau bỏ nhà đi, khiến cha rối bời lo lắng.
Sau nhiều năm cha Phêrô bám bản vận động, chia sẻ khó khăn với gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay đa số các gia đình có con em độ tuổi đến trường đều cho con theo học hết cấp 2, số em học cấp 3 cũng tăng dần, hiếm có trường hợp tảo hôn. Năm 2022, có 60 em là giáo dân dân tộc H’Mông học cấp 3 được cha Phêrô Phạm Thanh Bình hỗ trợ ăn và lưu trú tại nhà xứ Sa Pa. Một số em học tiếp sau cấp 3, đều trân quý những nâng đỡ từ cộng đoàn và cha Phêrô Phạm Thanh Bình. Trong đó có thanh niên Má A Cả học xong Cao đẳng nhạc họa Trung ương, rồi đi tu, trở thành linh mục người H’Mông đầu tiên của giáo phận Hưng Hóa và Giáo hội Công giáo Việt Nam.
Cha Phêrô Phạm Thanh Bình không chỉ kiên trì hướng dẫn đời sống đức tin, loại bỏ hủ tục nơi bản làng, tuyên truyền chính sách pháp luật tới đồng bào dân tộc thiểu số mà còn góp phần tích cực xây dựng đời sống văn hóa. Chính tấm lòng yêu thương của cha Phêrô đã gắn kết đồng bào giáo dân nơi vùng cao để cùng nhau xây dựng bản làng phát triển văn minh, văn hóa./ Bình An
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com