Thánh Inhasiô còn có tên là thánh Inhasio thành Loyola, vì quê ngài ở Loyola. Tại Việt Nam Việt hóa đi gọi là thánh I Nhã.
Thánh Inhasiô |
Ngài sinh ngày 31/7/1491 trong một gia đình quý tộc có tới 13 người con mà ngài là con út. Khi chịu phép Rửa tội, người ta đặt tên thánh cho ngài là Inigo. Không biết từ bao giờ, ngài thay đổi lấy tên thánh là Inhasiô. Mẹ ngài mất khi ngài mới 13 tuổi và được vợ một người thợ rèn tên là Maria de Grain cưu mang.
Năm 1519, ngài tòng quân, theo công tước thành Najero và Tổng trấn Navarre nhằm muốn sau này cũng được trở thành một công tước. Trải qua nhiều trận mạc nhưng ngài may mắn vẫn bình an. Ngày 20/5/1521, quân đội Pháp tấn công pháo đài Pamplona- nơi đơn vị ngài đang chốt giữ. Ngài bị trúng một viên đạn vào chân, gục ngã xuống. Đơn vị ngài đầu hàng. Quân Pháp bắt ngài làm tù binh nhưng đối xử tử tế. Họ băng bó vết thương và để ngài ở lâu đài để chữa trị nhưng thấy không khỏi, họ cho người khiêng ngài về tận gia đình ở Loyola. Thời đó chưa có thuốc gây tê, gây mê nên phẫu thuật hết sức đau đớn cho người bệnh nhưng ngài cắn răng chịu đựng mà không hề kêu ca. Lễ kính thánh Gioan Baotixita năm đó, ngài được khuyên xưng tội và các thày thuốc nói, nếu đến lễ kính hai thánh Phêrô và Phaolô mà vết thương không tiến triển thì mạng ngài khó giữ. Lạ thay, đến dịp lễ đó, ngài lại thấy khỏe và hồi phục nhanh chóng.
Trong những ngày đau yếu, ngài thường lấy sách kiếm hiệp ra đọc. Hết sách kiếm hiệp, ngài vớ được quyển “Cuộc đời Chúa Kitô” và “Hạnh các thánh” bằng tiếng Tây Ban Nha. Ngài đọc say mê và ao ước muốn trở thành như các thánh nhân đi chiến đầu giành lại đất thánh cho Giáo hội. Sau khi bình phục, ngài đến tu viện Santa Marie de Monserriat của dòng Biển Đức. Ngài treo quân phục và thanh kiếm của mình dưới ảnh Đức Mẹ rồi vào hang đá sống ẩn dật, khổ hạnh như các vị khổ tu.
Năm 1523, ngài hành hương đến Giêrusalem mong ước được viếng các nơi thánh và giúp đỡ các người Hồi giáo hoán cải. Tuy nhiên, lúc đó các tu viện ở đây đều khó khăn vì thiếu thốn kinh phí, cơ sở vật chất, dù ngài có mang theo giấy giới thiệu của linh mục bản xứ. Ngài đành quay về quê hương.
Trở về Tây Ban Nha năm 1524, Inhasiô học tiếng Latinh để mong trở thành linh mục. Sau đó, ngài qua Paris để nghiên cứu về thần học. Năm 1535, ngài tốt nghiệp cả nhân thần học và triết học. Năm 1536, ngài được thụ phong linh mục và làm lễ mở tay trọng thể sau đó với sự tham gia của các bạn học đại học tại Paris. Đúng ngày lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời 15/8/1534, cha và 6 người bạn ở đại học Paris đã khấn hứa lập ra cộng đoàn: Societatis Jesus (Cộng đoàn Giêsu hữu). Năm 1539, Đức Phaolô III đã phê chuẩn hiến pháp của dòng và cha được bầu là Bề trên đầu tiên. Tất cả bạn bè của cha cũng được truyền chức linh mục. Cha dự định đi truyền giáo ở vùng đất thánh nhưng chưa kịp đi thì nhận được thị kiến ở Lastota. Cha thấy Chúa vác Thập giá liền xin Chúa cho đi vác Thập giá với Chúa. Chúa bảo: Ta muốn con phục vụ ta. Hiểu ý, cha liền chiêu tập tu sinh, mở trường đại học để đào tạo các nhà truyền giáo có học vấn cao cùng với say mê nhiệt huyết. Chính vì vậy, dòng truyền giáo của cha đã phát triển mau chóng. Hiện nay, dòng này có 17.637 thành viên trong đó có 12.526 linh mục. Nhiều nhà khoa học lớn xuất thân từ đây như Henry de Lubac (1896-1991), P.Tehard de Chardin (1881-1955)… Đức Phanxicô hiện nay cũng là tu sĩ của dòng. Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả, nơi thánh Inhasiô dâng lễ lần đầu tiên - Ảnh: CTV |
Khi sang Việt Nam, do văn hóa và cả giáo huấn lúc đó, dòng của Inhasiô được gọi là dòng Tên. Nhờ các tu sĩ dòng Tên là các nhà văn hóa, khoa học lớn nên đạo Công giáo mới có điều kiện hội nhập và phát triển nhanh chóng tại Việt Nam.
Cha Inhasiô được Đức Grigori XV phong thánh ngày 13/3/1622. Lễ kính hàng năm vào ngày 31/7. Năm 2016, Đức Phanxicô đã dâng lễ kính thánh nhân tại đền thánh kính danh Chúa Giêsu ơ Rôma do dòng Tên coi sóc. BÍCH HẢI
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com