Gương điển hình

Tưởng nhớ hai danh nhân nổi tiếng

Cập nhật lúc 07:23 16/02/2022
Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Ảnh: CTV
Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Ảnh: CTV
Thiền sư Thích Nhất Hạnh (1926-2022) quê Thừa Thiên Huế, năm 16 tuổi xuất gia ở chùa Từ Hiếu. Sau khi tốt nghiệp Phật học Báo Quốc Huế, ông tu học theo trường phái Đại Thừa của Phật giáo và chính thức trở thành một nhà sư năm 1949. Từ đó, ông được công nhận là một thiền sư và là lãnh đạo tinh thần của chùa Từ Hiếu cùng các tu viện liên quan. Thập niên 1960, ông thành lập Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội ở Sài Gòn, một tổ chức từ thiện xây dựng lại các làng bị bỏ bom, xây dựng trường học và các trạm xá, và giúp các gia đình bị trở thành vô gia cư trong chiến tranh. Ông cũng là một trong những người thành lập Viện Đại học Vạn Hạnh tư thục danh tiếng về nghiên cứu về Phật giáo, văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam. Năm 1965, Đoàn sinh viên Vạn Hạnh đưa ra “lời kêu gọi vì hoà bình” cho rằng “đã đến lúc hai miền Bắc - Nam họp lại để tìm một giải pháp chấm dứt chiến tranh và đem lại cho mọi người Việt Nam cuộc sống hoà bình với lòng tôn trọng lẫn nhau”. Năm 1967, ông dẫn đầu phái đoàn Phật giáo đến kêu gọi hòa bình tại cuộc Đàm phán hòa bình giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tại Paris. Sau Hiệp định hòa bình Paris 1973, ông sống ở Pháp, nhiều lần đến diễn thuyết và giảng dạy về Phật giáo tại Hoa Kỳ. Ông đã xuất bản hơn 100 tác phẩm, trong đó 70 tác phẩm được viết bằng tiếng Ạnh chứa đựng những điều ông chiêm nghiệm và các phương pháp ông thực hành, thu hút nhiều người đến từ các quan điểm về tôn giáo, tâm linh và chính trị khác nhau.

Giáo sư- Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu (1938-2022) quê Hà Nội, năm 1954 học Vật Lý tại Đại học Sư phạm Hà Nội, năm 1956 tốt nghiệp được mời tới giảng dạy tại Đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1960 là nghiên cứu sinh tại Liên Xô, năm 1964 bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành Toán-Lý, từ 1964 đến 1969 là tổ trưởng tổ nghiên cứu tại Viện nghiên cứu hạt nhân Dubna, Liên Xô, năm 1968 được công nhận chức danh giáo sư vật lý lý thuyết và vật lý toán của Viện Dubna và Đại học Lomonosov, từ 1969 đến 1975 là Viện trưởng Viện Vật lý, ủy viên Ủy ban khoa học-công nghệ nhà nước. Từ năm 1960 đến năm 1963, ông nghiên cứu và công bố 12 công trình nghiên cứu về vật lý neutrino. Giáo sư - Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu là tác giả của 130 công trình nghiên cứu khoa học, trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ tương tác yếu và đối xứng của các hạt cơ bản, đến lý thuyết giải tích về tương tác mạnh và lý thuyết trường, rồi phương pháp lý thuyết trường lượng tử trong vật lý chất rắn, trong đó có nhiều công trình được công bố trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế có uy tín. Trong công tác quản lý ông đã có đóng góp to lớn trong việc thành lập Viện Vật lý, Viện Khoa học Việt Nam và trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông còn là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng và đại biểu Quốc hội 5 khoá liên tiếp từ khoá IV tới khoá VIII.
 
Hải Vân
Thông tin khác:
Một giáo sư hàng đầu về cây thuốc ở Việt Nam (15/02/2022)
Trồng cây gây rừng (14/02/2022)
Thánh Gioan Boscô, linh mục (12/02/2022)
Sen Đông làm theo lời Bác (11/02/2022)
Bác sĩ Yersin vị ân nhân đất Việt (10/02/2022)
Mùa xuân với nhà tĩnh tâm hướng thiện La Vang (02/02/2022)
Dịch bệnh khó khăn thôi thúc tôi phải hành động (29/01/2022)
Bà Marouette Leclerc, người khai sinh Phong trào Hướng đạo nữ của Pháp (18/01/2022)
Một gia đình trao tặng hơn 1 Tỷ đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid - 19 (08/01/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log