Chân dung Hoàng Đình Long. Ký họa: Lập Ngôn |
Ông là Vũ Đình Long (1896-1960), quê Mục Xá, xã Cao Dương huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Vũ Đình Long giỏi về làm công tác quản lý của bốn tờ báo và một nhà xuất bản mà chỉ có ba người trị sự. Với những tờ: Tiểu thuyết thứ bẩy, Hữu ích, Phổ thông bán nguyệt san, tuần báo Tuổi trẻ và Nhà xuất bản Tân Dân có trụ sở 93 Hàng Bông, Hà Nội trước đây, đã thu hút được rất nhiều độc giả cùng các cây bút nổi danh như: Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Lan Khai.... Tại nhà xuất bản này, Vũ Đình Long cho ra tủ sách Tao Đàn in những tác phẩm mới, những công trình nghiên cứu, những tác phẩm chọn lọc của các nhà văn trong và ngoài nước. Vũ Đình Long còn là kịch tác gia, nhà dịch thuật tài ba như: Chén thuốc độc (kịch 1922), Toà án lương tâm (1923), Tổ quốc trên hết, Tình trong khói lửa (dịch). Với “Chén thuốc độc” được công diễn trên sân khấu Hà Nội lần đầu 22/11/1921. “Vở kịch này đã đi vào văn học sử và sân khấu Việt Nam trên tư cách là sự mở đầu cho kịch nói dân tộc” (Phan Kế Hoành). Ngoài ra, Vũ Đình Long còn là nhà phê bình, khảo cứu văn học với “Quốc âm đọc bản” (1932), Lục mẫu đơn (1926), Thế giới trẻ em (1927), Phê bình truyện Kiều (Tạp chí Nam Phong), Luận đề về nghề nghiệp (Tạp chí Hữu Thanh). Nhưng vượt lên tất cả những cái ông đã làm được trong đời văn, đời báo, làm chủ nhà xuất bản mà không “ông chủ” nào có được. Đó là một nhân cách lớn giàu tính nhân văn đối với cộng tác viên của ông. Hầu hết các cây bút, “cây đa, cây đề” thời ấy đều nể về tài trọng về đức của ông. Ngay cả Hoàng Cầm một cây bút rất trẻ lúc ấy cũng được Vũ Đình Long ưu ái rất đặc biệt. Năm 1939, Hoàng Cầm mới 17 tuổi, đã có thơ, truyện ngắn in ở Tiểu thuyết thứ bẩy. Lần ấy nhà thơ từ Bắc Giang về Hà Nội tìm ông chủ bút chỉ cốt để cảm ơn. Tiện thể, Vũ Đình Long nói về cách trả nhuận bút của toà soạn cho nhà thơ Hoàng Cầm: “Thứ nhất là trả nhuận bút theo trang tác giả, mỗi trang văn xuôi 30 dòng x 12 chữ có hai mức trả: 8 hào, 1 đồng, 12 đồng trang theo phân loại tác giả, mức thứ hai trả lương tháng”. Nói rồi, chưa để Hoàng Cầm suy nghĩ, Vũ Đình Long vỗ vai khuyên: “Theo tôi, ông nên chọn cách thứ hai (tuy Hoàng Cầm lúc ấy kém Vũ Đình Long gần 20 tuổi, do rất quý trọng, tôn vinh tài năng trẻ nên gọi Hoàng Cầm bằng ông). Bắt đầu từ hôm nay chúng tôi sẽ trả lương cho ông. Hàng tháng ông cứ đến ngày 30 hoặc mồng 1 đến lĩnh lương và không bắt buộc phải nộp số trang bản thảo là bao nhiêu. Có thể là hàng năm ông không nộp gì cũng được. Nhưng có điều, khi ông viết được cái gì thì ông đừng gửi cho báo khác, nhà xuất bản nào khác...”. Mặc dù thời kỳ này không trực tiếp làm việc tại toà soạn, nhà thơ Hoàng Cầm từ đó vẫn được hưởng lương 60 đồng/tháng. Khi ra về Vũ Đình Long còn tặng cho Hoàng Cầm mấy chục cuốn sách của Lamáctin Môphắcxăng.... trong đó có cuốn “Nghìn lẻ một đêm”, khiến nhà thơ phải thuê xích lô chở cả người và sách ra bến Phà Đen lên tàu thủy ngược về Bắc Giang. Cử chỉ đó, khiến kích thích sự sáng tạo của Hoàng Cầm. Rời toà soạn về nhà, nhà thơ Hoàng Cầm say sưa dịch, viết cho Tiểu thuyết thứ bẩy. Sau rồi cứ sáu tháng Vũ Đình Long lại tăng lương cho Hoàng Cầm một lần. Ít lâu Hoàng Cầm được mời hẳn về toà soạn. Năm 1944, khi có việc riêng, nhà thơ Hoàng Cầm cần một khoản tiền 300 đồng, và khi nói chuyện này với ông Vũ Đình Long không cần phải suy nghĩ ông Long đã ứng ngay 300 đồng cho Hoàng Cầm (tương đương với 5 tháng lương thời ấy), ông Long còn nói: “Ông đừng lo gì phải trả. Tháng sau cứ lĩnh lương bình thường”.
Cuối năm 1946, thực dân Pháp tái chiếm Hà Nội, cả nước vào cuộc kháng chiến, nhà in Tân Dân và các báo của Vũ Đình Long tạm ngừng đi sơ tán. Năm 1949, tình hình yên ổn, Vũ Đình Long vì máu làm báo, làm xuất bản trở về Hà Nội tiếp tục lại ra các báo Tiểu thuyết thứ bẩy... và tủ sách “Những tác phẩm hay”. Thời kỳ này Vũ Đình Long cho in liền hai tác phẩm kịch thơ nổi tiếng của Hoàng Cầm là “Cô gái nước Tần và Lên đường, mặc dù thi sĩ Hoàng Cầm lúc này đã đi theo kháng chiến đang công tác ở Việt Bắc, Vũ Đình Long cố tìm địa chỉ để gửi nhuận bút lên chiến khu cho tác giả. Sự ưu ái ấy của ông Vũ Đình Long không chỉ với tác giả Hoàng Cầm mà còn rất nhiều với nhà văn, nhà báo là cộng tác viên của ông thời ấy. Vũ Đình Long thật sự là một bà đỡ những đứa con tinh thần, chăm sóc những “sản phụ” chu đáo hết mức để họ sản sinh ra những đứa con tinh thần khôi ngô, tuấn tú cho văn đàn.