Linh mục Nguyễn Viết Chung sinh năm 1955 trong một gia đình nghèo quê gốc ỏ làng Ngũ Xá, Ý Yên, Nam Định và di cư vào Nam năm 1954 và không theo Công giáo. Sau khi tốt nghiệp tú tài toàn phần năm 1973 thì có một sự kiện ảnh hưởng lớn đến tương lai của cậu tú Chung đó là giám mục Jean Cassaigne qua đời. Báo chí lúc đó đã dành rất nhiều lời ca ngợi cho một vị giám mục người Pháp nhưng đã tình nguyện gắn bó đời minh cho đến hơi thở cuối cùng với các bệnh nhân phong ở Di Linh ( Lâm Đồng). Cậu thấy ngưỡng mộ và muốn noi gương vị giám mục của người cùi. Cậu muốn thi vào ngành y khoa vì vậy khi tốt nghiệp trung học đệ nhất, cậu bỏ qua đệ nhị mà vào ngay đệ tam. Nhờ vậy mà cậu thoát được lệnh tổng động viên năm 1973 và trở thành sinh viên ngành y năm 1974 . Trong thời gian học y, có một giáo sư người Bỉ là bác sĩ Lichtenberger dạy về Mô phôi học rất say sưa và nhiệt huyết với sinh viên. Cậu thường tìm cách tiếp xúc với thày để học thêm và biết thêm giáo sư này cũng là linh mục dòng Tên. Cậu và các sinh viên vẫn rủ nhau đến dự lễ do giáo sư Lichtenberg chủ sự dù không phải là người Công giáo. Một câu hỏi cậu đặt ra là có phải tôn giáo mà giám mục J. Cassaigne và linh mục Lichtenberg theo làm nên nhiệt huyết của các vị này? Theo nhiệt huyết đó, khác với nhiều sinh viên y khoa đều muốn chọn chuyên ngành sạch sẽ, dễ kiếm tiền như chuyên khoa mắt, tai mũi họng, nội, ngoại… Chung chọn khoa sản và ký sinh trùng . Kết quả Chung vào chuyên ngành ký sinh trùng học.
Những năm học y khoa, cậu Chung phải đạp xích lô để kiếm sống và còn phụ giúp gia đình. Sau khi tốt nghiệp năm 1980, bác sĩ Chung đi làm ngay và công việc khá tốt, thu nhập khá nên có điều kiện lo cho các em ăn học hơn. Thế nhưng, tấm gương của giám mục J. Cassaigne vẫn thôi thúc bác sĩ đến với những bệnh nhân phong. Năm 1984, khi đó bác sĩ Chung 29 tuổi đã mang hồ sơ lên Sở y tế Lâm Đồng để xin đến phục vụ ở trại phong Di Linh. Bà trưởng phòng tổ chức Sở y tế Lâm Đồng rất ngạc nhiên vì một bác sĩ đang có công việc ở Thành phố Hồ Chí Minh lại xin lên rừng. Bà hỏi:
- Anh bị phong cùi hay bị điên?
Bác sĩ Chung đáp:
- Nếu tôi bị phong cùi thì bà đã trông thấy, còn điên hay không thì chưa biết nhưng tôi chỉ muốn phục vụ những người bị bệnh phong cùi.
Sở y tế Lâm Đồng đồng không chấp chấp nhận nguyện vọng của bác sĩ Chung. Bác sĩ lên thẳng trại phong Di Linh nhưng các nữ tu cũng không thể giúp được vì trại đã thuộc cơ sở Nhà nước quản lý và việc điều động nhân sự vẫn thuộc Sở y tế Lâm Đồng. Anh quay về làm việc tại Trung tâm phòng chống sốt rét của tỉnh Đồng Nai. Tại đây, bác sĩ Chung vẫn không ngừng học hỏi thêm về da liễu nên năm 1993 bác sĩ lại tình nguyện đến công tác tại trại phong Bến Sắn ( huyện Tân Uyên, Bình Dương) . Trại này được thành lập năm 1959 do các nữ tu thừa sai Bác ái Vinh sơn quản lý và năm 1976 thì Nhà nước quản lý. Trại có hơn 800 bệnh nhân. Bệnh nhân ở đây nhiều người đã bị gia đình ruồng bỏ. Một bé gái 12 tuổi khi phát bệnh, đang ở với anh chị đã bị đuổi khỏi nhà nên phải vào trại. Nhiều bệnh nhân thèm khát gặp gỡ người thân. Một cụ già hơn 40 năm ở trại không con cháu vào thăm, nằm mơ thấy con cháu đến thăm, cụ lao ra cửa để gặp, va đầu vào song sắt nên đã tử vong sau đó ít ngày. Bác sĩ Chung lao vào việc phục vụ, chữa trị cho các bệnh nhân với tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ và thầm theo gương của giám mục J. Cassaigne. Phục vụ bệnh nhân ở đây cũng có một số nữ tu của tu hội Bác ái Vinh sơn. Họ chăm sóc bệnh nhân như những người ruột thịt và bác sĩ Chung luôn tự hỏi: Vì sao mình đã cố gắng hết sức mà không thể tận tình và chu đáo như họ, không vui vẻ như họ dù công việc hết sức vất vả, nặng nhọc và nguy hiểm. Có lần, một bệnh nhân phải phẫu thuật cắt bỏ chân. Anh ta la lối và chửi rủa các bác sĩ, nữ tu phục vụ rất nặng lời. Bác sĩ Chung nổi cáu mắng lại. Còn các nữ tu thì vẫn nhẹ nhàng khuyên bảo bệnh nhân. Một nữ tu kéo bác sĩ ra ngoài nói:
- Cắt chân, bệnh nhân đau chứ bác sĩ có đau đâu mà sao bác sĩ lại nổi nóng thế?
Sau này nghĩ lại, bác sĩ Chung dò hỏi các nữ tu:
- Làm sao các chị phục vụ được bệnh nhân với tinh thần tận tuỵ, yêu thương như thế?
Các nữ tu bảo: Chúa dạy chúng tôi làm thế.
Vậy là bác sĩ Chung quyết tìm hiểu xem Chúa của các nữ tu là ai. Bác sĩ Chung tìm gặp linh mục Hoàng Văn Đoàn ( dòng Tên) ở Bình Dương để tìm hiểu về đạo Công giáo và đến ngày 28-8-1993 được linh mục chính xứ Bến Sắn Trần Thế Thuận làm lễ khai tâm để gia nhập đạo Công giáo với tên thánh là Augustino.
Gia đình bác sĩ nhiều người không tán thành vì cho rằng anh bị tâm thần. Bố anh mắng anh không biết nhục với bạn bè, chúng nó bây giờ đều có nhà lầu và ô tô ở Sài Gòn còn anh vẫn đi xe đạp. Chỉ có mẹ anh dù bị mù loà vẫn thương con nên bảo: thôi, đạo mẹ mẹ giữ, đạo con, con theo. Anh cam kết:
- Xin mẹ cứ yên tâm mà giữ đạo của mẹ, con không dám khuyên mẹ theo đạo của con đâu.
Theo đạo chưa đủ. Bác sĩ Chung còn muốn dấn thân nhiều hơn cho các bệhh nhân phong nên sau một thời gian suy nghĩ, ngày 15-9-1994, anh đã xin vào dòng Vinh sơn khi bước vào tuổi 40. Ngày 25-3-2003, tại đền thờ Đức Mẹ hằng cứu giúp, Đức giám mục Vũ Duy Thống- giám mục phụ tá giáo phận thành phố Hồ Chí Minh đã truyền chức linh mục cho thày Ausg. Nguyễn Viết Chung. Ngay sau đó, tân linh mục đã về dâng lễ mở tay tại trại phong Bến Sắn . Các bệnh nhân đã vây quanh vị tân linh mục để chúc mừng tân chức nhưng cũng là mừng cho chính họ vì có thêm một linh mục gắn bó với họ.
Do điều động của Bề trên nhà dòng nên năm 2010, linh mục Nguyễn Viết Chung được bài sai về trụ sở chính của dòng ở Nguyễn Kiệm, thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng công việc của nhà dòng vẫn không ngăn được tinh thần phục vụ các bệnh nhân hiểm nghèo của linh mục Augustino. Cha dành thời gian vừa đi làm lễ ở nhà tình thường Bình Lợi để có điều kiện thăm hỏi các cụ già ở đây. Cha cũng sắp xếp lịch hai buổi là thứ ba, thứ sáu đến khám bệnh và chữa trị cho các bệnh nhân HIV/AIDS ở phòng khám bệnh nhà thờ Phú Trung cùng với nhóm Tiếng Vọng rồi còn giành thời gian đi thăm bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối ở Trung tâm Mai Hoà. Chỉ cần thấy bóng xe máy của cha ở cổng là lũ trẻ trong Trung tâm chạy ào ra ríu rít: Cha Chung, bố Chung.
Giữa năm 2010, cha Chung nhận được điện thoại của một giáo dân người Sê đê:
- Cha ơi, có một đứa trẻ bị bệnh sắp mù, Cha có giúp được không?
- Giúp chứ sao không.
- Nhưng em đó không phải là người Công giáo
- Vẫn giúp, đem xuống Sài Gòn đi, Cha đón.
Thế là Cha chạy vạy bác sĩ quen, tìm kiếm kinh phí đưa bé A Phan đi phẫu thuật. Căn bệnh của em rất phức tạp vì phát hiện muộn. Ba tháng sau, em xin gia nhập đạo và cha Chung rất xúc động khi rửa tội cho em vào ngày 12-8-2010 với tên thánh là Phao lô. Một tháng sau bé A Phan qua đời trong bệnh viện nhưng tấm lòng của cha Chung đã làm cho gia đình em cảm động. 15 gia đình dòng họ của em đã xin học giáo lý Công giáo để gia nhập đạo.
Cha Chung đã truyền giáo không phải bằng lời giảng thuyết mà bằng lòng thương yêu người bệnh nghèo khổ.