Là người con xứ Nghệ, có thời gian dài sinh sống và làm ăn ở nước Đức nhưng tình yêu quê hương, xứ đạo vẫn đau đáu trong anh. Và chính từ những chuyến hữu tình về thăm quê hương đó, anh nhận thấy Việt Nam đang là thị trường mới nổi có sức hút lớn với rất nhiều nhà đầu tư. Vậy là từ cái tình với quê hương, anh đã tìm được cơ hội đầu tư làm ăn ở tỉnh nhà. Năm 2005 anh lập dự án xây dựng nhà máy sản xuất dây, cáp điện và ống nhựa với tổng vốn đầu tư ban đầu là 26,8 tỷ đồng ở Khu công nghiệp Bắc Vinh (thành phố Vinh, Nghệ An). Một năm sau khi lập dự án, Công ty Cổ phần Sao Mai Việt Nam chính thức đi vào hoạt động, chuyên sản xuất dây, cáp điện và ống nhựa. Sở dĩ anh chọn sản xuất dây, cáp điện và ống nhựa vì ở Việt Nam tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh, các công trình xây dựng từ hộ gia đình đến các tòa nhà đang là lĩnh vực đầu tư nhiều tiềm năng, do đó ống nhựa, dây, cáp điện sử dụng cũng sẽ nhiều. Đặc biệt, với kinh nghiệm thực tế ở nhiều nước phương Tây, anh nhận định cáp điện dùng an toàn, tránh những tai nạn liên quan đến điện dật sẽ được nhiều người lựa chọn.
Năm đầu sản xuất, sản phẩm của Công ty mới chỉ có mặt ở thị trường trong nước, quy mô còn hạn chế với số nhân công hơn 100 người, trong đó 50% là con em giáo dân. Đến nay, Công ty đã thành lập thêm chi nhánh ở Viêng Chăn (Lào), hàng năm xuất khẩu sang thị trường Lào, Thái Lan và Myanma đạt gần 3 triệu USD, dự kiến năm 2011 sẽ đạt con số trên 6 triệu USD. Con số đó đã thể hiện phần nào sự bứt phá trong việc mở rộng thị trường và xây dựng chữ tín với khách hàng mà theo anh, nó được khởi đầu từ sự chú trọng và phát huy tính sáng tạo của khoa học công nghệ vào sản xuất để hoàn thiện hơn chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm. Anh điểm danh một số đề án của tập thể Công ty và cá nhân anh đã được Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An vinh danh như: Đề án kéo rút và ủ mềm đồng cho sản phẩm dây và cáp điện, đề án nghiên cứu sản xuất nhựa chống cháy, đề án xử lý và tái tạo nhựa phế thải. Đặc biệt là đề án sản xuất dây cáp vặn xoắn được Công ty áp dụng vào sản xuất gần một năm nay. Sao Mai Việt Nam là doanh nghiệp duy nhất tại miền Trung sản xuất được sản phẩm này, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Trịnh Xuân Giáo tự hào.
Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Cty Sao Mai Việt Nam Trịnh Xuân Giáo tại xưởng sản xuất. Ảnh: An Luých
Xác định phát triển biền vững và khẳng định uy tín với khách hàng, Sao Mai Việt Nam đã sớm đăng ký thương hiệu “VINASAMA” (tên viết tắt của Công ty Sao Mai Việt Nam) tại Cục Sở hữu Trí tuệ, đăng ký bảo hộ độc quyền đề án nhựa chống cháy và nhãn hiệu “National” cho sản phẩm dây và cáp điện. Hiện này Công ty đang đàm phán với bảo hiểm Bảo Việt để bảo hiểm cho tất cả các sản phẩm của Công ty như một lời minh chứng, một cam kết táo bạo với khách hàng về sản phẩm của Sao Mai Việt Nam.
Ngoài Sao Mai Việt Nam, cuối năm 2009, anh Trịnh Xuân Giáo còn mua lại Công ty Cổ phần Lâm Lộc (xã Nghi Lâm, Nghi Lộc, Nghệ An), một công ty đang gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Anh tổ chức lại sản xuất, đầu tư máy móc, thiết bị nên đến nay Lâm Lộc đã ổn định sản xuất và đang phát triển, tạo việc làm ổn định cho 72 lao động, trong đó có 42 người Công giáo, cùng địa phương tu sửa lại đường xá, xây dựng nghĩa trang liệt sỹ. Anh cũng đầu tư hàng chục tỷ đồng cải tạo và xây dựng trang trại cam tại xã Đồng Thành (Yên Thành, Nghệ An), tạo việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập từ 1,8- 3 triệu đồng/tháng, hỗ trợ kỹ thuật và cây trồng cho hàng chục gia đình, hỗ trợ địa phương làm đường giao thông. Sản phẩm cam “Thiên Sơn” của trang trại đã được Cục Sở hữu Trí tuệ bảo hộ thương hiệu.
Quản lí, điều hành 2 công ty và một trang trại với rất nhiều công việc nhưng anh Giáo luôn xắp xếp, phân cấp công việc để giành thời gian đi dự thánh lễ, làm công việc của người Trưởng ban Giáo lý giáo họ Đồng Tân. Những người Công giáo làm việc tại công ty cũng được anh tạo điều kiện về thời gian để đi lễ, nhất là các lễ trọng. Anh vui vẻ tâm sự: Mình có chí làm ăn, yêu công việc nhưng không làm tôi tớ cho đồng tiền. Dù bận rộn mấy tôi cũng không bỏ lễ trọng. Làm Trưởng ban Giáo lý sẽ góp phần giúp các em học hiểu lời Chúa, trở thành con ngoan, trò giỏi, giáo dân gương mẫu để xây dựng quê hương, xứ đạo. Bản thân tôi cũng thêm hiểu biết Chúa hơn để sống tốt đời đẹp đạo.