Nhà nhà có taxi
Vừa tới đường vào nhà thờ xứ Quần Cống, một chiếc taxi màu trắng lướt ra từ đường làng, lái xe có vẻ vội vàng nhưng không quên nháy mắt chào vị lãnh đạo xã, rồi vút lên phía trước. "Chiếc xe này vừa chở khách từ Hà Nội về biển Quất Lâm (Nam Định), tranh thủ ghé qua nhà rồi đi luôn. Làng này nhiều nhà có vài xe taxi, nhà báo nên đến đó tìm hiểu thì hay hơn, ông Phạm Văn Tuyến- Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Nghiệp giải thích rồi đưa tôi tới nhà anh Phạm Văn Đại, giáo dân họ nhà xứ Quần Cống. Căn nhà anh Đại ở thật khang trang, ao có, vườn có. Biết tôi cũng theo đạo Công giáo lại từ tận Hà Nội về tìm hiểu, anh Đại nhanh nhảu: “Vợ chồng tôi vào nghề sau, mới sắm xe được 10 năm nay thôi…Ngày xưa hai vợ chồng nôn nóng làm giàu, định đi lao động ở Hàn Quốc đấy chứ, sau đó thấy hàng xóm chẳng phải chạy vạy sang xứ người mà vẫn nhà cao cửa rộng nên tôi cũng bắt chước họ sắm taxi làm ăn. Thích xe nên mua xe để đấy rồi mới đi học bằng lái. Chồng lái ban đêm, vợ lái ban ngày. Con cái để lại quê nhờ ông bà chăm nom”…“Vợ chồng thuê nhà ở cùng trên Hà Nội mà ít có thời gian bên nhau lắm”, vợ anh Đại ngồi bên giường nói sang.
Ông Phạm Văn Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Nghiệp và anh Phạm Văn Đại, giáo dân xứ Quần Cống.
Ảnh: An Luých
Anh Ngô Văn Quang cũng theo đạo Công giáo, thường ngày anh lái taxi trên Hà Nội, từng tham dự thánh lễ ở hầu hết các nhà thờ trên Hà Nội, nay vừa ghé về quê đưa thêm tiền cho bố mẹ sửa lại ngôi nhà kể: Tôi và anh rể chung tiền mua xe rồi góp vào hãng taxi Hà Nội và bỏ tiền hàng tháng để "thuê" thương hiệu của hãng. Năm năm nay, vừa là chủ xe vừa là lái xe, trừ chi phí mỗi tháng kiếm được hơn 7 triệu đồng, lại không phải dãi nắng dầm mưa. Hai anh em tôi thay nhau chạy ngày đêm, không cho xe nghỉ, không dừng chân ga. Ở nông thôn mỗi tháng kiếm 7 triệu lại sạch sẽ không phải dãi nắng, dầm mưa là tốt lắm rồi. Vừa hết hồ hơi, anh chợt nói thêm: Nhưng chạy taxi cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro lắm đó. Một đồng nghiệp của tôi hành nghề hơn 3 năm thuận buồm xuôi gió, thế mà mới tháng trước đã phải bán cả xe đi để bồi thường tai nạn giao thông đó. Đấy là chưa kể, gần đây nạn cướp trên taxi hoành hành nhiều. Thỉnh thoảng có mấy thanh niên tóc nhuộm xanh, đỏ ngồi ghế sau yêu cầu đi đường dài ban đêm cũng thấy ghê ghê.
Thọ Nghiệp vốn là vùng quê thuần nông, dân số 12841 người, trong đó người Công giáo chiếm gần 54%. Với diện tích đất nông nghiệp 367m2/người, người dân nếu chỉ làm ruộng thôi thì không đủ sống, vì thế từ xưa, người dân đã sớm bươn trải lên các thành phố lớn làm thêm nghề đạp xích lô, chạy xe ôm rồi dần dần chuyển sang lái taxi, tậu taxi riêng, số còn lại ở quê nhà thì làm thêm nghề thêu ren, hàn xì, thợ xây dựng nên kinh tế đã có bước phát triển mới. Vị Phó Chủ tịch cho biết, dân Thọ Nghiệp đã tậu được gần 200 xe taxi rồi, xe của người Công giáo có đến 150 chiếc. Xóm 18 tập trung nhiều xe nhất nhất xã, 190 gia đình thì 130 gia đình có taxi, trong đó 5 gia đình cả vợ, chồng đều là tay lái lâu năm. Thu nhập từ nghề chạy taxi đang đóng góp gần 50% trong việc phát triển kinh tế địa phương, còn lại là thu nhập từ nông nghiệp, dịch vụ và các nghề khác. Hầu hết các gia đình đã làm được nhà kiên cố, sắm được các tiện nghi đắt tiền, nhiều gia đình Công giáo xây ngôi nhà trị giá hàng tỷ đồng, thành tỷ phú nhờ tậu taxi từ sớm, hay làm chủ thầu xây dựng như tỷ phú Phạm Ngọc Chẩn.
Nét đẹp đời sống người Kitô hữu
Kinh tế phát triển nhanh, đền thánh, nhà thờ xây dựng to đẹp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của giáo dân như nhà thờ Thánh Mẫu; đền Tam Thánh giáo xứ Quần Cống, một công trình kiến trúc Công giáo nổi tiếng có bề dày lịch sử, quy mô rộng lớn. Phó Chủ tịch Phạm Văn Tuyến cho biết, ở Thọ Nghiệp có 3 nhà thờ mà Giáo hội vẫn gọi là nhà thờ xứ, đó là Quần Cống, Thánh Mẫu, Tam Thể và 5 họ lẻ là Đa Phúc, Nghiệp Đạt, Nghiệp Đoài, Khu Đông và họ thánh An tôn. Các họ đạo đều có các hội đoàn sinh hoạt thường xuyên như hội Mân Côi, hội Thiếu nhi Thánh Thể, hội Sinh viên Công giáo, hội kèn đồng, hội khuyến học… Theo ông Phó Chủ tịch xã thì hội khuyến học có vai trò quan trọng trong việc động viên con em học hành tiến tới, góp phần vào sự nghiệp phát triển giáo dục của quê hương, họ đạo. Thọ Nghiệp hiện có hơn 200 em đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng, còn quỹ khuyến học thì nhiều lắm, nào là quỹ của xã, của giáo xứ, dòng họ... Nhưng đang "nổi" nhất có lễ là hoạt động khuyến học ở xứ đạo Thánh Mẫu, một xứ đạo toàn tòng có truyền thống vượt khó để học tập và rèn luyện. Giáo xứ thành lập Hội khuyến học Trần Ngọc Hoàng vào năm 2009, lấy tên của Đức cố Viện Phụ Stêphanô Trần Ngọc Hoàng - người con ưu tú của giáo xứ làm tên gọi chính thức. Đây vừa là một sự trân trọng với Đức cố Viện Phụ, vừa để con em trong giáo xứ luôn nhớ về tổ tiên để phấn đấu học hành, rèn luyện đạo đức để trở nên con ngoan, trò giỏi. Trong hai năm qua, hội đã có những hoạt động thiết thực để góp phần động viên khích lệ phong trào học tập của con em. Không chỉ chuyên chăm học hỏi về văn hoá, phong trào học hỏi về giáo lý, lời Chúa ở Thánh Thể luôn được đề cao và có một vị trí quan trọng. Theo chương trình giáo lý Hồng Ân, các em thiếu nhi từ lớp 6 đã được dạy dỗ một cách có bài bản và có chiều sâu về các mầu nhiệm Đức Tin, cũng như những vấn đề toát yếu về nhân bản và đạo đức. Tại lễ tuyên dương những em có thành tích cao trong học tập, tháng 8/2010, đại diện hội khuyến Học Trần Ngọc Hoàng đã trao tặng phần thưởng cho 122 em thiếu nhi có thành tích học tập về văn hoá và giáo lý cách ưu tú trong năm học 2009-2010 vừa qua.
Đón nhận ánh sáng Tin Mừng sớm, thấm hiểu nhân đức bác ái, mấy năm gần đây kinh tế lại thêm phần khởi sắc, người Công giáo ở Thọ Nghiệp luôn coi những việc làm từ thiện là của để dành, là cách bình an hạnh phúc cho cuộc sống Kitô hữu. Chẳng thế mà từ cách đây 20 năm, giáo xứ Quần cống đã có Hội Từ thiện bác ái nhận thánh Gioan Thiên Chúa và thánh Án Khảm quê hương Quần Cống làm quan thày. Trong suốt 20 năm qua, hội đã bước theo các ngài trên con đường yêu thương phục vụ để làm vơi đi những đói rét, bất hạnh cho những người khốn khó, dù những việc làm đó còn nhỏ bé nhưng mỗi người vẫn tin rằng nó có ý nghĩa như hơi thở làm nhẹ đi vết thương cuộc đời. Hàng năm, vào những dịp lễ Noel, lễ Phục sinh, tết cổ truyền dân tộc, các vị trong ban điều hành hội lại lãnh ý cha xứ phân định những người cần sự giúp đỡ trên toàn xã để đến thăm hỏi, trao quà hỗ trợ mà không phân biệt lương- giáo. Ông Phó Chủ tịch xã tự hào: "Người Công giáo và người không cùng tôn giáo ở xã tôi đoàn kết lắm. Họ năng động trong phát triển kinh tế, nhiệt tình hỗ trợ nhau trong cuộc sống, biết quan tâm thăm hỏi và chia sẻ lúc gia đình có chuyện buồn, chuyện vui. Với người giáo dân thì nhân đức bác ái thể hiện rõ hơn cả trong đời sống. "Sống tốt đời đẹp đạo" và gương mẫu trong đời sống thường nhật là nét đẹp của người Công giáo quê tôi"./