“Bà Phong hiến đất” (người mặc áo đen): Niềm vui của tôi là được chia sẻ vui, buồn với những người xung quanh
Những nhân tố điển hình
Thạch Hạ là một xã ven đô thành phố Hà Tĩnh với hơn 1.600 hộ dân, trong đó 60% là đồng bào theo đạo Công giáo với 5/6 xóm giáo toàn tòng. Với sự đoàn kết lương – giáo, lòng kính Chúa yêu nước, người dân xã Thạch Hạ đã cùng nhau xây dựng quê hương giàu đẹp, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Quả thực như lời bác Tuyên đã nói “ở đây có một sức hút rất lạ, ai đến đây rồi cũng phải tấm tắc mà khen rằng xứ đạo Thạch Hạ hết sức đoàn kết, thân ái…”.
Có lẽ tiêu biểu nhất trong xã Thạch Hạ là thôn Trung – thôn Công giáo toàn tòng 8 năm liền đạt danh hiệu thôn văn hóa. Là thôn nông nghiệp, đời sống người dân chủ yếu sống nhờ cây lúa, hoa màu và nuôi trồng thủy sản. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng cuộc sống của người dân nơi đây rất yên bình, xóm làng đoàn kết. Để có được một thôn Trung giàu đẹp và luôn giữ được những truyền thống, ngoài sự vào cuộc của chính quyền địa phương, ý thức của người dân còn có vai trò không nhỏ của ông Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn - bác Tuyên.
Là cựu chiến binh thuộc Trung đoàn Pháo cao xạ, Sư đoàn 367 Bộ Tư lệnh phòng không, trở về từ quân ngũ năm 1974, bác Tuyên về công tác tại xã Thạch Hạ cho đến bây giờ. Gần 60 tuổi nhưng tiếp xúc với người đảng viên Công giáo ấy bao giờ cũng mang lại cho người đối diện cảm giác thân tình, cởi mở. Chiến tranh đã lùi xa nhưng những thương tật trên người bác Tuyên vẫn chưa bao giờ dứt, thế nhưng đối với công tác xã hội thì bác có một niềm hăng say đến lạ kỳ. Gần chục năm làm người “vác tù và” cho thôn Trung là chừng ấy năm chi bộ này đạt danh hiệu chi bộ trong sạch, vững mạnh.
Đến thôn Trung khi nhắc đến phong trào hiến đất xây dựng nông thôn mới thì không ai là không biết đến “bà Phong hiến đất”. Hưởng ứng lời kêu gọi xây dựng phong trào nông thôn mới, dù nằm ở vùng đất “vàng” của xóm nhưng bà Nguyễn Thị Phong (70 tuổi) đã tự nguyện hiến hơn 50m2 đất để thôn làm đường, mở đầu cho một phong trào rầm rộ ở thôn Trung nói riêng, xã Thạch Hạ nói chung.
Trong căn nhà ngói mới khang trang, sạch sẽ Bà Phong chia sẻ với chúng tôi: Sinh ra trong một gia đình Công giáo giàu truyền thống cách mạng, năm 24 tuổi, bà gia nhập quân đội rồi về công tác ở Xí nghiệp muối Hà Tĩnh. Chồng mất sớm, một mình bà tần tảo nuôi 3 đứa con học hành, đến bây giờ cả 3 người con trai bà đều thành đạt và lập nghiệp ở miền Nam, hằng năm các con bà đều gửi tiền về ủng hộ các phong trào văn hóa, văn nghệ của thôn, mỗi dịp tết đều có quà thăm hỏi, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, già cả neo đơn trong xã. Bản thân bà Phong, dù đã 70 năm tuổi đời và 40 năm tuổi Đảng nhưng vẫn tích cực tham gia các tổ chức đoàn thể, đi đầu trong vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng. Năm 2011, khi thôn Trung mở rộng đường giao thông, gia đình bà đã tự nguyện hiến 50 m2 đất (giá tại thời điểm bấy giờ là trên 70 triệu đồng) và đập phá, xây lại tường rào mới hết khoảng 60 triệu. Nhiều năm liền, gia đình bà giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa tiêu biểu các cấp, năm 2013 được vinh dự đi dự Đại hội gia đình văn hóa tiêu biểu toàn quốc. Bà nói: “Niềm vui của tôi là được chia sẻ vui, buồn với những người xung quanh”.
Về Thạch Hạ, rất dễ để tìm ra những gương sáng, điển hình khác như bác Nguyễn Trọng Hậu, hội viên người cao tuổi làm kinh tế giỏi; gia đình ông Lê Văn Thông, dù hoàn cảnh khó khăn nhưng có 5 người con học giỏi, 4 lần nhặt được của rơi đều trả lại người đánh mất hay gia đình bà Võ Thị Bắc có 6 người con học ăn học thành tài ở trong và ngoài nước…Những công dân “tốt đời đẹp đạo” nơi đây đã tạo nên một xứ đạo bình yên, đoàn kết, văn hóa, giàu đẹp, văn minh.
Xứ đạo đi đầu
Nhìn lại những năm trước đây, đời sống của người dân Thạch Hạ còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí phát triển không đồng đều. Sau 5 năm xây dựng mô hình “xứ đạo an toàn, đoàn kết, văn hóa”, đến nay đời sống người dân Thạch Hạ đã có nhiều khởi sắc, con em được học hành đến nơi đến chốn. Trước khi triển khai thực hiện mô hình, toàn xã có 46 em học sinh bỏ học, đến nay 100% học sinh trong độ tuổi đến trường; 100% tiệc cưới không hút thuốc lá; gần 400 hộ tự nguyện hiến với gần 13.000m2 đất làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng…Thạch Hạ thực sự đã đi đầu trong việc thực hiện mô hình “xứ đạo an toàn, đoàn kết, văn hóa”.
Ông Nguyễn Hữu Hùng, bí thư Đảng ủy xã Thạch Hạ chia sẻ: “Mô hình “xứ đạo an toàn, đoàn kết, văn hóa” được xã Thạch Hạ xây dựng với những nội dung thiết thực như: xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, bảo tồn và giữ gìn mối quan hệ Lương – Giáo, phát triển các giá trị đạo đức tốt đẹp và đặc biệt chú trọng vấn đề an ninh trật tự. Mô hình đã được đông đảo bà con đồng thuận hưởng ứng cao. Xã đã phối hợp cùng Hội đồng mục vụ giáo xứ và ban hành giáo các thôn tuyên truyền và triển khai cho 100% người dân ký cam kết niêm yết tại gia đình, đồng thời nhắc nhở các thành viên trong gia đình cùng nhau thực hiện. Nhờ vậy, xã Thạch Hạ ngày càng tiến lên mạnh mẽ”.
Từ mô hình “xứ đạo an toàn, đoàn kết, văn hóa”, nhiều hoạt động, phong trào ở các tổ liên gia cũng trở nên sôi động hơn, xóm làng kết đoàn, thân thiết hơn. Ban công tác Mặt trận từng thôn đã chủ động lồng ghép hương ước vào các buổi sinh hoạt tôn giáo như sinh hoạt giáo lý, giờ đọc kinh tổ liên gia nên bà con nhân dân luôn chấp hành đầy đủ mọi chủ trương, chính sách, hưởng ứng nhiệt tình những phong trào do xóm, xã đề ra. Đều đặn hàng tuần, hàng tháng đều có các cuộc họp giữa các tổ liên gia – đây là dịp để bà con sau những vất vả mưu sinh cùng ngồi lại với nhau. Từ đây, mọi vấn đề mâu thuẫn giữa xóm làng được đưa ra giải quyết chung, cái xấu bị nhắc nhở, răn đe, khuyên giải và nêu gương, khuyến khích những hành động đẹp, lối sống đẹp. Nhiều tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè, bạo lực gia đình giảm đi rõ rệt, tình trạng trẻ em phải bỏ học sớm đã từng bước được đẩy lùi. Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, bà con giáo dân đã cùng giúp đỡ nhau xóa đói, giảm nghèo; phong trào ủng hộ quỹ vì người nghèo của xã được tham gia rất tích cực.
Anh Võ Tá Hoàng, Trưởng công an xã Thạch Hạ cho biết: “Tình hình an ninh – chính trị trên địa bàn xã Thạch Hạ rất ổn định. Nhiều chủ trương, chính sách của Đảng liên quan đến chính sách tôn giáo đã được tổ chức học tập sâu rộng ở 6 khu dân cư thuộc xứ An Nhiên và họ Hoàng Yên. Nhân dân tin tưởng vào đường lối của Đảng, không nghe và làm theo những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch”.
Để người dân thực sự ấm no, xã Thạch Hạ đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo được vay vốn chính sách xã hội, hỗ trợ xóa nhà tranh tre dột nát và ngói hóa nhà ở. Đến nay, hầu hết các hộ dân vùng giáo đã vươn lên thoát nghèo và trở thành hộ khá giả. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Thạch Hạ đã xây dựng thành công nhiều mô hình làm ăn kinh tế giỏi như mô hình nuôi cá lồng bè trên sông Rào Cái của 18 hộ thuộc thôn Hạ, thôn Trung, 5 doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả trên địa bàn xã cũng đã giải quyết được hàng chục lao động trên địa bàn xã. Thạch Hạ được UBND thành phố Hà Tĩnh chọn làm xã điểm trong phong trào xây dựng nông thôn mới, xã đang phấn đấu đến hết năm 2013 sẽ về đích trong xây dựng nông thôn mới.
Mỗi bà con giáo dân ở xứ đạo Thạch Hạ đều thấm nhuần lời dạy của Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI rằng “một tín hữu tốt cùng là một công dân tốt”, “sống phúc âm giữa lòng dân tộc”, vì vậy khi khởi xướng xây dựng mô hình “xứ đạo an toàn, đoàn kết, văn hóa” ai ai cũng đồng tình hưởng ứng và trở thành xứ đạo đi đầu trong phong trào này, trở thành điểm cho nhiều địa phương, tỉnh, thành khác đến tham quan, học hỏi.
Rời Thạch Hạ khi tiếng chuông nhà thờ bắt đầu ngân nga hòa trong hơi thở nhịp sống mới của bà con nơi đây. Với những gì đã làm được, chúng tôi tin tưởng rằng Thạch Hạ sẽ luôn giữ vững danh hiệu là xã phát triển toàn diện, xứ đạo bình yên.