Suy tư - Chia sẻ

Xuân yêu thương

Cập nhật lúc 11:43 05/01/2018
1.
Tôi được thông báo là đầu xuân Mậu Tuất này, chúng ta được nghỉ tết 7 ngày.
Tôi coi đây là dịp tốt để tôi chỉnh đốn lại những mối quan hệ, sao cho giá trị cao quí nhất là tình yêu trong tôi được sáng lên hơn, theo Lời Chúa và theo gương Chúa.

2.
Quan hệ quan trọng nhất của tình yêu trong cuộc sống là thể hiện lòng hiếu thảo, lòng biết ơn.
Chỉ một ngày thôi, tôi thường nhận được biết bao sự giúp đỡ của bao người gần xa, để đời tôi được như một mái ấm tình thương. Phương chi một tháng, một năm và cả một cuộc đời dài.
Thành thực mà nói, tôi cảm nhận rất rõ, tôi được cứu hầu như từng giây, từng phút, nhất là trong tình trạng yếu sức như hiện nay.
Tôi được cứu, nhờ ơn Chúa, và nhờ lòng tốt của biết bao người.
Được cứu là một ơn. Tôi phải biết ơn, và biết cách đáp ơn. Cách đáp lại ơn mình đã lãnh nhận phải cụ thể và dễ nhận ra.

3.
Nhận ra tôi có lòng biết ơn sẽ làm ấm lòng người làm ơn. Không nhận ra điều đó sẽ làm đau lòng người làm ơn.
Phúc Âm thánh Luca kể lại chuyện: Chúa Giêsu chữa 10 người mắc bệnh phong cùi. Khi được khỏi rồi, chỉ có một người trở lại tạ ơn Chúa, mà người trở lại là người dân ngoại (x Lc 17, 11- 17).
Đọc chuyện kể trên, tôi tự hỏi mình: 9 người vô ơn xưa có tái diễn nơi tôi và các người Công giáo hiện nay không? Nếu có phần nào, thì thực đáng buồn.

4.
Cho dù chỉ là một phần nhỏ vô ơn, bất hiếu, tôi cũng như mọi người Công giáo phải quyết tâm sửa lại.

5.
Sửa lại thái độ vô ơn bất hiếu là điều rất cần nơi chúng ta.
Còn một thái độ nữa cũng rất cần phải sửa, đó là thái độ đối với những người nghèo khổ. Quan hệ với những người nghèo khổ, nếu không tích cực, thì tình yêu của chúng ta không thể nào sáng lên được, theo ý Chúa. Hậu quả sẽ khôn lường.
6.
Điều đó được Chúa Giêsu khẳng định rõ ràng trong Phúc Âm, đặc biệt ở dụ ngôn sau đây: Dụ ngôn nhà giàu và anh Ladarô nghèo khó.
“Ông nhà giàu, mặc áo lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Còn anh Ladarô nghèo khó, mụn nhọn đầy mình, nằm trước cửa ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm những mụn nhọt ghẻ của anh ta.
Thế rồi, người nghèo đó chết. Ông nhà giàu cũng chết.
Người nghèo Ladarô được lên Thiên đàng. Người giầu có kia phải xuống hỏa ngục”
(x Lc 14, 19- 21).

7.
Khi đem dụ ngôn trên đây soi vào tình hình hiện nay, tôi thấy sợ. Bởi vì tôi thấy giữa giàu và nghèo hiện nay có nhiều khoảng cách đau lòng còn bi thảm hơn tình hình trong dụ ngôn.
Nhất là tôi thấy những Ladarô thời nay xem ra đang bị đẩy vào những vực thẳm đớn đau kinh hoàng. Đau trong thân xác, đau trong tâm hồn. Đau nhất là thấy mình bị xa tránh, bị loại trừ, bị khinh khi, bị bỏ rơi, bị kết án.

8.
Cũng may là họ vẫn có khi được an ủi, nhưng an ủi bằng chỉa sẻ nỗi đau của họ là rất hiếm. Chia sẻ nỗi đau của họ là cùng đau với họ, cùng khổ như họ, là điều không dễ. Tôi nói như vậy, bởi vì chính tôi cũng đã trải qua thân phận Ladarô một cách nào đó. Đau lắm, khổ lắm.
Chúa cho tôi kinh nghiệm đó, để tôi hiểu rằng, quan hệ với những người nghèo khổ phải sáng lên tình yêu thương chân thật. Điều đó phải được quan tâm thường xuyên với ơn của Chúa.

9.
Còn một thứ quan hệ nữa, tôi cũng cần phải quan tâm chỉnh đốn, để sáng lên tình yêu thương chân thật, đó là quan hệ với những người mà đạo đời liệt vào hàng tội lỗi.

10.
Chúa Giêsu nhắc cho tôi điều đó trong dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện.
“Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pharisêu đứng riêng một mình, cầu nguyện rằng: Lạy Thiên Chúa, con xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác. Chúng tham lam, bất chính, ngoại tình. Con cũng không như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần 2 lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.
Còn người thu thuế thì đứng đàng xa, thậm chí không dám ngẩng mặt lên trời, nhưng vừa đấm ngực, vừa thưa rằng: Lạy Chúa xin thương xót con là kẻ tội lỗi.
Tôi nói cho các ông biết, người thu thuế này, khi trở về thì đã được nên công chính. Còn người Pharisêu thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”
(Lc 18, 10- 14).

11.
Những người mà xã hội xếp vào hàng tội lỗi, là một số khá đông. Những nhười mà tôn giáo liệt vào hàng tội lỗi, cũng là một số không nhỏ. Tôi không nên vì những phán đoán đó mà khinh những người bị kết án, nhất là lại tự coi mình là đạo đức hơn họ. Chúa Giêsu đã dạy tôi như vậy, nên tôi phải cảnh giác mình tối đa, để khỏi kiêu ngạo, mà lại tưởng mình đạo đức.

12.
Coi mình là đạo đức hơn người khác, đó là một tự hào nguy hiểm, xem ra đang phát triển một cách bình thường. Thế mới nguy hiểm cho tôi, cho chúng ta, và cho đạo Chúa.

13.
Những nhận thức trên đây đang thúc đẩy tôi hãy chạy lại bên Đức Mẹ Maria. Đức Mẹ là bài ca tán tụng Chúa vì tình hiếu thảo, biết ơn. Đức Mẹ là nơi ẩn náu của những người nghèo khổ. Đức Mẹ là bông hoa tỏa hương thơm khiêm nhường.
Đức Mẹ dạy tôi về mùa xuân yêu thương. Chính Đức Mẹ nâng đỡ tôi, để yêu thương trở thành mùa xuân trong tôi.

14.
Yêu thương luôn có sáng kiến. Đức Mẹ soi sáng cho tôi để mọi sáng kiến về tình yêu được luôn theo thánh ý Chúa.
Nhất là trong năm mới Mậu Tuất này, tình yêu phải có nhiều sáng kiến, vì tình hình sẽ có nhiều chuyển biến phức tạp. Tôi phó thác mình cho Đức Mẹ, với niềm tin Đức Mẹ là mùa xuân yêu thương của tôi.

Long Xuyên, ngày 18/12/2017
ĐGM. GB
Thông tin khác:
Điệp khúc trời cao (22/12/2017)
Tin mừng tình yêu Chúa Giáng sinh (21/12/2017)
Cầu chúc bình an (20/12/2017)
Lạy Chúa, này con đây (19/12/2017)
Hãy dọn đường cho Đức Chúa (12/12/2017)
Xin Chúa ở lại với con (11/12/2017)
Truyền giáo là yêu thương người tật nguyền (08/12/2017)
Tản mạn chuyện nhà đạo: MÙA VỌNG,THỨC HAY NGỦ ? (07/12/2017)
Hãy trông chờ và tỉnh thức (06/12/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log