Suy tư - Chia sẻ

Đừng ngăn cản họ vì danh Đức Kitô

Cập nhật lúc 16:23 08/10/2018
Lời Chúa trong sách Dân số đã kể về chuyện ông Môsê dẫn dân Chúa qua sa mạc. Khi đó, Thiên Chúa mới nói với Môsê chọn trong dân 72 người để Chúa ban Thánh Thần xuống trên họ và họ sẽ là những ngôn sứ được sai đi.
Thế nhưng, có hai người không ở trong nhóm 72 cũng đã nói lời tiên tri vì Chúa. Một đứa bé thấy điều đó thì liền đến báo cho ông Môsê và người phụ tá của ông là Giôsuê về sự việc. ông Giôsuê liền đề nghị ông Môsê ra lệnh ngăn cấm hai người đó không được nói tiên tri vì họ không thuộc nhóm được chọn là 72. Thế nhưng, ông Môsê đã không ngăn cấm họ mà còn nói: “Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ!” (Ds 11,28). Nghĩa là đã từ lâu, người ta đã có tính ghen tị nhau tự bản chất rồi.

Tin Mừng hôm nay, đã soi sáng cho chúng ta một cái nhìn của Chúa về công cuộc rao giảng Lời Chúa. Khi thấy các môn đệ nói với Chúa về việc có người đã nhân danh Chúa mà trừ quỷ và Đức Giêsu cũng đã nói: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9,39-40).

Trong Giáo hội, cần có một nhóm nào đó xem mình như độc quyền sử dụng Tin Mừng để rồi lên án mọi việc làm của các Kitô hữu khác không?. Chắc chắn một nhóm như thế không cần phải có. Nhưng trong thực tế, đây đó vẫn có những nhóm quá khích tự xem mình như những nhà chú giải Tin Mừng đúng với ý Chúa mà thôi. Nhóm người này không thể dùng chiêu bài được ở gần Chúa Giêsu như thánh Gioan và các sứ đồ thuở xưa để mà biện hộ. Chung chung họ chỉ lập luận dựa trên cái nhìn một chiều của họ về Giáo Hội, khi thì (dựa trên thái độ tiêu cực đối với mọi trào lưu biến hoá, khi thì trên cách thế diễn giảng Tin Mừng theo chiều hướng chính trị). Tất cả đều có điểm chung là không muốn đi vào chiều sâu của Giáo hội. Thần ác đã xui khiến các loại nhóm này “dứt phép thông công” lẫn nhau, đến độ một phần tử quá khích của một “trào lưu” mệnh danh là mới mẻ không muốn cùng chung bàn tiệc thánh với một phần tử của trào lưu khác.
Thời đại chúng ta, vì phải chịu nhiều ảnh hưởng tệ hại khoa thần học có khi đã bị sa lầy trong những cuộc tranh luận có tính cách ý thức hệ hoặc trong những cuộc tranh chấp chính trị; do đó, người Kitô hữu cần phải khôn ngoan nhận ra thế nào là trung thành đích thực với Tin Mừng, thế nào là không. Thực tế, vẫn có nhiều cách trung thành đích thực đã được các vị trọng trách trong Giáo hội đảm bảo, do đó họ cũng cần phải chấp nhận có sự khác biệt trong cách trung thành. Một trong nhũng tiêu chuẩn căn bản giúp ta nhận ra tính cách đích thực, đó là dấu cổ võ sự hiệp thông.

Sau khi công bố phẩm cách cao quí của những kẻ bé mọn “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy” (Mc 9,37). Giờ đây, Chúa Giêsu mặc khải phẩm cách cao quí của Tông đồ. Người Tông đồ nhỏ bé nhất vẫn tượng trưng Chúa Kitô. Người Kitô hữu là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Giêsu giữa trần thế. Đây là một danh dự nhưng lại là một trách nhiệm không phải đơn giản. Có bao giờ ta ý thức như thế để sống xứng đáng không? “Nếu các Kitô hữu sống đạo thật thì dân Ấn chúng tôi đã theo Chúa Kitô cả rồi” (lời Gandhi - Ấn Độ).

Hãy nghĩ đến những người mà ta có thể gây cớ vấp phạm bằng những thay đổi hiện thời trong Giáo hội, những thay đổi quá táo bạo, không tôn trọng các truyền thống cũng như hãy nghĩ đến bao người thất vọng, bị cám dỗ rời bỏ Hội Thánh hay cảm thấy không muốn vào vì sự thụ động của ta, vì thái độ của nhiều Kitô hữu không chịu cải cách, đổi mới.

Thánh Giacôbê đã lên án những người giàu có mà không biết giúp đỡ những ai đang còn nghèo đói thì không xứng đáng. Tiền bạc của cải mà họ lo tích trữ không dùng đến chính là bằng chứng buộc tội họ. Tài sản của họ là do tham nhũng của dân mà có. Họ đã dùng tài sản để thỏa mãn những thói đam mê, dục vọng (x. Gc 5,1-6). Họ không chịu đổi mới trong tâm hồn mà còn làm hại đến người tha nhân.

Lời Chúa bảo phải tiêu diệt sự ác tận gốc của nó, tiêu diệt dịp tội trong chúng ta và ngoài chúng ta (x. Mc 9, 43.45.47-48). Đời sống Kitô hữu không thể hiện bằng sự cắt xén hủy bỏ, nhưng bằng sự lớn lên. Để có thể lớn lên, tăng trưởng, mang hoa trái, phải cắt tỉa, gột rửa, từ bỏ... vì danh Chúa Giêsu (x. Ga 15,1-8), và vì vương quốc Thiên Chúa đó mới là điều cần có cho công cuộc rao giảng Tin Mừng của Chúa.

Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay, ta xem như có vẻ không ăn khớp với nhau. Thế nhưng, thánh Máccô trình bày chúng như những huấn lệnh cho các Tông đồ, những kẻ đã dấn thân trên con đường đưa Con Người đi từ đau khổ đến vinh quang. Ánh sáng này giúp ta hiểu rõ và thích ứng cho các thế hệ mới điều đã được nói theo thời Chúa Giêsu hay theo cuộc sống của những Kitô hữu ban đầu. Có rộng mở đón nhận những biểu lộ quyền năng của Chúa Giêsu ngay cả ở ngoài biên giới của những cộng đoàn của chúng ta, có ý thức sứ mệnh đại diện Người trên trần thế, chúng ta mới tiếp xúc được với “người nào đó”, đặc biệt mới lo lắng cho những người yếu kém hơn; và sự sống mà chúng ta được mời gọi đến, rất đáng giá mọi hy sinh phải chịu vì Đức Giêsu Kitô.
 
PHÊRÔ VŨ MINH TUÂN
Thông tin khác:
Cải cách hiện nay trong Hội Thánh (05/10/2018)
Con đường theo Chúa (04/10/2018)
Ai là người lớn nhất? (28/09/2018)
Này con đây (28/09/2018)
Lời tuyên tín của Phêrô (28/09/2018)
Tình yêu cứu độ (26/09/2018)
"Épphatha" HÃY MỞ RA (25/09/2018)
Sám hối (21/09/2018)
Thái độ trước tình yêu (11/09/2018)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log