Chương sáu trong Tin Mừng thứ tư nói về Bánh Hằng sống. Khởi đi từ việc Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng, giúp dân chúng thoát khỏi cái đói ngay lúc đó. Đó là dấu chỉ về của ăn đời đời mà chính Đức Giêsu sẽ thiết lập sau này, của ăn không phải giải quyết cái đói, cái khát thực tại nhưng là sự “no thỏa” đời đời.
Vì thế, để được sự sống đời đời cần phải hưởng nếm “lương thực” đó. Lời Chúa của chủ nhật tuần này khẳng định với chúng ta rằng “ai ăn thịt và uống máu tôi, thì có sự sống đời đời…Thịt và Máu chính là Bí tích Thánh Thể. Bí tích mà chính Chúa Giêsu đã thiết lập trước khi hoàn thành sứ mạng cứu độ nhân loại. Là Bí tích mà Chúa Giêsu tự nguyện hiến tế chính bản thân mình để trở nên của ăn cho nhân loại và nhờ của ăn đó mà nhân loại được thông phần vào sự sống muôn đời.
I. BÍ TÍCH THÁNH THỂ - MẦU NHIỆM NHẬP THỂ: HAI TRONG MỘT
Ở phần trước của chương sáu, tác giả thứ tư nhấn mạnh đến niềm tin và coi yếu tố đức tin như nền tảng để được cứu độ: “ai tin vào tôi chẳng khát bao giờ (Ga 6,35) (điều kiện để Đức Giêsu thực hiện các phép lạ). Ở phần tiếp theo, được coi là trọng tâm của Diễn từ về Bánh Hằng sống. Giờ đây niềm tin đó phải được thực hành qua việc đón nhận bánh Thánh Thể mà Chúa Giêsu đã thiết lập, đây là điều đã được khẳng định từ môi miệng của Đức Giêsu: “Tôi là bánh từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51). Nội dung của lời tuyên bố này mang chiều kích hiến tế, Đức Giêsu như là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, Ngôi Lời nhập thể giờ đây đã trở thành Đức Kitô Thánh Thể. Người ban phát lời của Ngươi, nhưng giờ đây Người ban phát chính Thịt Máu Người làm lương thực cho trần gian được ăn, được uống và được sống. Đó là lương thực mà sách Châm ngôn trong bài đọc 1 đã nói: là bánh và rượu do chính Đức Khôn Ngoan làm và pha chế để những ai ăn và uống sẽ được sống: “Hãy đến và ăn bánh của ta, và uống rượu ta pha chế! Đừng ngây thơ khờ dại nữa, và các con sẽ được sống; hãy bước đi trên con đường hiểu biết” (Bài đọc 1).
Trong chiều hướng này thánh sử Gioan đã nối kết mầu nhiệm Thánh Thể với mầu nhiệm Nhập thể. Vì thế chối từ thân phận nhập thể của Ngồi Lời Thiên Chúa, là khước từ thực tại của Thiên Chúa, là chính Thân Mình và Máu của Ngôi Lời, đã hóa thành xác thể, là Bánh bời trời được thánh hiến cho sự sống trần gian. Việc Ngôi Lời nhập thể đã trở thành nhục thể để sống với con người, đồng cảm với con người và đồng hành với con người. Thì trong mầu nhiệm Thánh Thể Ngôi Lời trở thành của ăn của uống để con người được sống và sống dồi dào. Giờ không còn chỉ là nhìn, nhưng là “nhai”, cảm nếm Ngôi Lời trong việc ăn và uống lương thực đích thực. Đó là lý do khiến người Dothái tranh luận.
Đức Giêsu còn khẳng định ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì được sự sống đời đời, đây là lời quả quyết cho thấy việc đón nhận Thánh Thể là một sự hiệp thông thường xuyên và luôn ở với Đức Giêsu. Việc “ở lại trong tôi” chính là sự diễn tả về mối giây liên kết mật thiết với Thiên Chúa, Đấng Hằng sống, thì người đón nhận Thánh Thể cũng sẽ được hằng sống.
II. BÍ TÍCH THÁNH THỂ: CHIỀU KÍCH HIỆP THÔNG GIỮA ĐỨC GIÊSU VÀ CỘNG ĐOÀN TÍN HỮU
Đón nhận Thánh Thể chính là đón nhận Ngôi Lời của Thiên Chúa, là nhận lãnh sự sống vĩnh hằng của Thiên Chúa, là được liên kết với Đức Giêsu, Đấng đến từ Chúa Cha, Đấng mà Chúa Cha tạo dựng muôn loài nhờ Người. Vì thế, đối tượng mà Thánh Thể trao ban là Ngôi Lời của Thiên Chúa, và chính nhờ việc ăn và uống Thân Mình và Máu Người mà thân xác của các tín hữu được tháp nhập làm một với Người, được bổ dưỡng và đạt đến sự sống muôn đời. Vì vậy, nguồn mạch hiệp thông giữa Chúa Kitô Thánh Thể và cộng đoàn tín hữu, chính là sự sống vĩnh hằng của Thiên Chúa, từ nơi Người phát xuất mọi sự sống tuôn đổ vào trần gian.
Người tín hữu hôm nay được mời gọi đến với Thánh Thể không đơn thuần là nhớ lại bữa ăn sau cùng, bữa ăn từ giã của Chúa Giêsu. Nhưng còn được mời gọi vào trong sự thân mật với Ngài, được trở nên một với Ngài để Ngài ở đâu người tín hữu cũng được ở đó, để không còn là hai nhưng là một nhờ được thông phần với cái chết và phục sinh của Chúa Kitô. Đón nhận Thánh Thể là đón nhận sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu, được Ngài ở lại. Việc ở lại không phải là sự viếng thăm thoáng qua như cách Ngài vào nhà ông Giakêu nhưng là ở lại luôn mãi, là người nhà trong vương quốc vĩnh cửu của Thiên Chúa, là được thụ hưởng sức sống từ Chúa Cha. Như chính Ngài đã sống bằng sức sống của Chúa Cha thì người tín hữu đón nhận Thánh Thể là đón nhận sức sống của Chúa Cha qua Ngài (xc. Ga 6,57). Không chỉ sự sống được bảo đảm vào ngày cách chung mà ở thực tại này chúng ta được đón nhận ân sủng của Thiên Chúa nhờ đón nhận Thánh Thể.
Đó cũng là cách thức mà thánh Phaolô diễn tả trong thư gửi giáo đoàn Êphêsô. Ngài thúc bách, kêu gọi đừng sống như những kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như những người khôn ngoan (bài đọc 2) là tìm hiểu đâu là ý Chúa và luôn biết tận dụng thời buổi hiện tại. Người khôn ngoan luôn đi tìm những điều cao cả; điều cao cả mà thánh nhân nói tới chính là thấm nhuần Thần Khí của Thiên Chúa, và đem cả tâm hồn mà ca tụng Thiên Chúa. Bài ca tụng Thiên Chúa tuyệt đẹp nhất chính là dọn tâm hồn mình được sạch để đón nhận Chúa Kitô Thánh Thể.
Hơn bao giờ hết, Lời Chúa tuần này là tiếng gọi, là lời mời mỗi người tín hữu hãy tìm kiếm sự khôn ngoan nơi Thiên Chúa qua việc năng đón nhận Thánh Thể. Để Thánh Thể sinh hiệu lực, mỗi người hãy chuẩn bị tâm hồn trong sạch để Chúa Kitô ngự đến và ở lại với chúng ta, để quyền năng Thiên Chúa cũng ở lại với chúng ta. Đón nhận Thánh Thể là chúng ta được tham dự vào bàn tiệc đời đời của Thiên Chúa, được hưởng nếm “cao lương mỹ vỵ”, được đón nhận sự sống vĩnh hằng của Thiên Chúa.
Tu sĩ Phanxicô Nguyễn Văn Lai