Suy tư - Chia sẻ

Sống ơn gọi Kitô hữu

Cập nhật lúc 10:59 04/08/2015
Cuộc đời của con người là một chuyến hành trình gắn liền với những “ơn gọi”. Nói như thế bởi lẽ có những hệ quả không xuất phát do ý chí hay lý trí của chúng ta nhưng hoàn toàn phát xuất bởi thánh ý của Thiên Chúa.
 Cũng thế, sống ơn gọi là Kitô hữu không đơn thuần đó là một sự “kế thừa” hay một sự chọn lựa của cha mẹ hay của chính chúng ta, nhưng đó chính là ơn “nhưng không” của Thiên Chúa. Vì thế, trong các nhân đức Kitô giáo thì đức tin, đức cậy và đức mến được gọi là ba nhân đức “hướng Chúa”, nghĩa là những nhân đức phát sinh bởi Thiên Chúa mà thôi. Tuy nhiên, để các nhân đức đó được triển nở lại lệ thuộc vào chính chúng ta thông qua những chọn lựa và quyết định của mỗi người. Như vậy, chính Chúa cho chúng ta “là người Kitô hữu”, thì chúng ta phải sống ơn gọi “làm người Kitô hữu” sao cho cân xứng với ân huệ của Ngài.
Hành trình ra khỏi đất Ai Cập của dân Chúa năm xưa được trình bày qua trình thuật của sách Xuất hành cho chúng ta bài học về giá trị và mục đích của đời sống người Kitô hữu khi con cái Ixraen đã kêu trách các vị lãnh đạo của mình chỉ vì cái “bụng”: “Phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Ai cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thỏa thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào sa mạc này, để bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây!” (Xh 16,3).
Thật vậy, dân Ixraen đã giản lược ơn giải thoát của Thiên Chúa vào nơi thực tại trần thế, nhất là nơi sự no đủ về cái ăn cái mặc…Trình thuật Xuất hành cho ta thấy dân Chúa đang trên hành trình tiến về miền Đất Hứa, một miền đất “tràn đầy sữa và mật”. Tuy nhiên, trong chuyến hành trình đó dân Chúa đã nản lòng, thất vọng và bực tức trước những gian khó thử thách mà quên đi mục đích cuối cùng của cuộc hành trình. Họ mơ tưởng và mong mỏi được chết bên nồi thịt ở Ai Cập, chết trong cảnh nô lệ còn hơn là một cuộc sống tự do nhưng phải đói khát; họ chấp nhận đánh đổi cái chết về tinh thần để đổi lấy sự sống của thể xác.
Quả thật, dân Chúa năm xưa đã giúp chúng ta ý thức hơn về đời sống đức tin của mình ngày hôm nay, đồng thời cho chúng ta xác tín vào mục đích cuối cùng của cuộc hành trình đức tin ấy là gì. Chúng ta tin theo Chúa tiên vàn không phải bởi vì hạnh phúc của đời này nhưng là hạnh phúc vĩnh cửu mai sau. Để được như thế chúng ta không chỉ chấp nhận những gian khó ở thế gian, nhưng niềm tin đó đòi buộc chúng ta phải có một niềm phó thác tận căn như chính Chúa Giêsu đã mời gọi: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mt 16,25).
Như thế, mục đích tối hậu của niềm tin chúng ta là “tìm lại được mạng sống". Tuy nhiên, để có thể tìm được mạng sống ấy chúng ta chấp nhận đánh đổi và khước từ nhiều thứ phù du của thế trần. Nói như thế, không có nghĩa là chúng ta sao nhãng thực tại trần thế, nhưng ngược lại Giáo hội luôn dạy con cái mình phải quan tâm và làm thăng tiến những giá trị trần thế sao cho phù hợp với thánh ý Thiên Chúa.
Tóm lại, nhờ niềm tin vào Thiên Chúa mà mỗi người Kitô hữu chúng ta tìm thấy ý nghĩa và hướng đi cho cuộc đời một cách đúng đắn nhất. Cũng vì thế, thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Êphêxô đã nhắc nhớ chúng ta rằng: “Đừng ăn ở như dân ngoại nữa, vì họ sống theo những tư tưởng phù phiếm của họ” (Ep 4,17). Thật vậy, mặt hạn chế của những người không có niềm tin vào Chúa chính là việc họ chọn lựa một cuộc sống không có mục đích đích thực, họ chỉ dừng lại nơi những giá trị tạm thời và nơi những tư tưởng phù phiếm.
Tư tưởng phù phiếm đó một lần nữa được Đức Giêsu nhấn mạnh trong Tin Mừng hôm nay: "Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê” (Ga 6,26). Quả thế, Kitô giáo là đạo của tinh thần, của hạnh phúc siêu nhiên chứ không phải là “đạo gạo”. Theo Đức Kitô không phải để chúng có được những của cải ở đời này, nhưng đó là một ơn gọi được xây dựng và triển khai cách cụ thể trong cuộc sống hiện tại, lời của Đức Giêsu cho chúng ta thấy rõ ràng hơn: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận”.
Đức Giêsu không mời gọi chúng ta sống ơn gọi Kitô hữu một cách thụ động, nhưng Người đòi buộc chúng ta phải “ra công làm việc”. Của cải không thể có đối với những ai biếng nhác và hạnh phúc cũng chẳng tìm đến với chúng ta một cách ngẫu nhiên. Vì thế, thực tại trần thế là môi trường để người Kitô hữu chúng ta sống ơn gọi cách thiết thực và cất giữ cho mình kho tàng “không thể mối mọt”.
Vì vậy, sống “ơn gọi” Kitô hữu chính là thực hiện “những điều Thiên Chúa muốn” mà điều Thiên Chúa muốn chính là “tin vào Đấng Người đã sai đến”, Đấng ấy chính là Đức Giêsu và Ngài đã khẳng định với chúng ta rằng: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Ga 6,35).
Tóm lại, người Kitô hữu chúng ta không phủ nhận những giá trị của vật chất bởi “có thực mới vực được đạo”. Tuy nhiên, chúng ta không theo Chúa với mục đích để tìm kiếm những của ăn của uống đời này, nhưng “trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (x.Mt 6,33). Đó chính là mục đích tối hậu của cuộc sống “ơn gọi làm Kitô hữu” mà Thiên Chúa muốn chúng ta đạt đến, nhằm minh chứng cho tình thương của Người giữa lòng thế giới 
Nữ tu Maria Thu Vân
Thông tin khác:
Nghe lời Chúa trong tình hình hiện nay (30/07/2015)
Xin đừng chủ quan (23/07/2015)
Chút kinh nghiệm về LOAN BÁO TIN MỪNG (17/07/2015)
Đức Giêsu, con người xót thương (15/07/2015)
Bài chia sẻ của linh mục Phêrô Phan Đình Sơn (09/07/2015)
Lên đường để rao giảng sứ điệp của Thiên Chúa (07/07/2015)
Thánh lễ tạ ơn, kỉ niệm 60 năm thụ phong linh mục MỘT CHÚT TÂM SỰ VỀ ĐỜI LINH MỤC CỦA TÔI (06/07/2015)
Đừng khước từ cơ hội (30/06/2015)
Bài chia sẻ trong thánh lễ Mừng kính thánh Gioan Baotixita (23/06/2015)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log