Suy tư - Chia sẻ

Cảm thương với những người đau khổ

Cập nhật lúc 11:07 27/08/2018
1.
Lúc này và thời gian gần đây, tôi đau đớn nhiều lắm, thân xác đau, tâm hồn đau, đau liên miên, đau dữ dội. Trong tình trạng như thế, nhiều lúc tôi cảm thấy như mình đang trở thành vô dụng, thậm chí còn là gánh nặng cho cộng đoàn.

2.
Tôi tha thiết xin Chúa xót thương tôi. Tôi khẩn khoản nài van Đức Mẹ đoái nhìn đến tôi.

3.
Một lúc không ngờ, tâm trí tôi được bình an. Tôi nhớ lại những lời xưa Chúa Giêsu đã nói trong ngày Chúa sẽ phán xét.
Chúa sẽ phán với những kẻ được xếp bên phải Người thế này: 

4.
“Nào, những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng vương quốc dọn sẵn cho các con.
Vì xưa Ta đói, các con đã cho Ta ăn. Ta khát, các con đã cho Ta uống. Ta là khách lạ, các con đã tiếp rước. Ta trần truồng, các con đã cho mặc. Ta đau yếu, các con đã thăm nom. Ta ngồi tù, các con đã đến thăm.
Bấy giờ các con sẽ thưa rằng: Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống. Có bao giờ thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước, hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù mà đến thăm đâu?
Để đáp lại, Ta sẽ bảo các con rằng: Ta bảo thật các con. Mỗi lần các con làm việc lành như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta, là các con đã làm cho chính Ta”. (Mt 25, 24- 35)

5.
Để tôi dễ nhớ, Chúa đã tóm tắt đoạn Phúc âm trên đây vào một ý chung, đó là: Ai cảm thương với những người đau khổ, sẽ được Chúa coi như là cảm thương với chính Chúa. Họ sẽ được Chúa trọng thưởng.

6.
Từ ý tưởng đó, Chúa dạy tôi hãy dùng chính tình trạng đớn đau của tôi, để cảm thương với những người đau khổ gần xa. Cụ thể là:
- Hãy cầu nguyện cho họ.
- Hãy dâng đau khổ tôi chịu, để cảm thương với họ.
- Hãy tận dụng mọi dịp, để an ủi họ.

7.    
Nếu được như thế, đời tôi không những sẽ không còn là vô dụng, mà trái lại sẽ trở thành ý nghĩa, sinh ích cho nhiều người.

8.
Bây giờ, thì tôi thấy điều Chúa muốn dạy tôi lúc này đã sáng tỏ: Hãy biết cảm thương với những người đau khổ. 
Những người đau khổ hiện nay là vô số kể.
Những người sống cảm thương với những người đau khổ hiện nay cũng không thiếu.

9.
Tôi và các môn đệ Chúa tại Việt Nam hôm nay hãy là những người biết sống cảm thương đích thực với những người đau khổ xung quanh mình. Nếu không, sẽ rất có lỗi trước mặt Chúa.

10.
Tới đây, tôi sực nhớ lại vài kỉ niệm khó quên. Hôm đó tại Hungary, trời mùa đông rất lạnh, tôi đứng đợi xe buýt ở một bến xe nhỏ. Thấy tôi run, một hành khách đứng bên vội cởi áo khoác ra, trùm lên tôi. Tôi không biết họ là ai. Chỉ biết họ là kẻ cảm thương với những người đau khổ bên mình. Hình ảnh người đó vẫn còn rất đậm trong tôi.

11.
Tối hôm đó, tại Pháp, tôi đến thăm một nhóm nhỏ các chị Tiểu muội người Pháp. Khuya rồi, tôi mới thấy một chị trở về. Hỏi, thì tôi được biết: Chị tình nguyện đi khuôn vác chung với nhóm lao động nghèo ở bến xe. Chị sống như thế, để cảm thương với những người đau khổ một cách thiết thực. Hình ảnh chị dòng đó vẫn còn nói nhiều với tôi.

12.
Tại chính Long Xuyên này, trong một thời gian dài, tôi đã thấy Đức cố Giám mục Micae Nguyễn Khắc Ngữ giữa đám đông giáo dân nghèo. Ngài ăn mặc rất nghèo, quì cầu nguyện giữa đám trẻ nghèo, ở cuối nhà thờ Chính tòa. Ngài cảm thương sâu sắc với những người nghèo khổ.
Hình ảnh của ngài vẫn còn rất sống động trong tôi.

13.
Tại chính Long Xuyên này, tôi đang thấy nhiều gương sáng về sự cảm thương với những người đau khổ.
Những người đau khổ rất khác nhau về hình thức, về mức độ. Đau khổ nhiều lắm. Khi được ai cảm thương, những người đau khổ đó sẽ được an ủi. Chúa sẽ thưởng công cho những kẻ cảm thương họ.

14. 
Tại nhiều nơi trên đất nước Việt Nam hôm nay, biết bao đồng bào đang nhắc tới một linh mục gốc Cồn Phước Long Xuyên, tức là cha Phaxicô Xaviê Trương Bửu Diệp. Xưa, ngài đã tự nguyện chết vì cảm thương với đoàn chiên đau khổ. Nay Ngài vẫn cảm thương với các người đau khổ, nên hằng ngày mang đến cho họ muôn vàn ơn lạ.

15.
Tới đây, tôi chỉ còn một điều cần làm, đó là xin ơn được biết sống cảm thương với những người đau khổ.
Bởi vì, nếu không có ơn Chúa, thì có thể cảm thương sẽ chỉ là trên lý thuyết, mà thiếu trên thực tế. 
Xin hãy cầu nguyện nhiều cho nhau.

ĐGM GB BÙI TUẦN



 
Thông tin khác:
Bánh hằng sống từ nước trời (22/08/2018)
Lựa chọn khó (20/08/2018)
Chúng ta đang tìm kiếm gì trong cuộc đời (14/08/2018)
Chút tâm sự về nỗi lòng của một người môn đệ Chúa (13/08/2018)
Chúng ta được nhận lãnh sự sống vĩnh cửu (07/08/2018)
63 năm linh mục (06/08/2018)
Những bước chân được sai đi (01/08/2018)
Một cái nhìn về giáo phận Long Xuyên (30/07/2018)
Mẫu gương của mọi mục tử (24/07/2018)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log