Ben Sira, tác giả sách Huấn Ca cho rằng, lời nói có giá trị bộc lộ sự thật, dựa vào lời nói của một người, có thể biết người ấy thực ra là dở hoặc hay. Hơn nữa, lời nói còn giúp ta hiểu được lòng dạ của họ. Nhưng Chúa Giêsu thì dạy điều quan trọng không phải là nói, mà là làm. Ngài đã trách các kinh sư Do Thái:
“Họ nói mà không làm”(Mt 23,3).
Không phải giáo huấn của Cựu Ước và Tân Ước nghịch nhau. Lời nói mà Ben Sira đề cập là lời thốt ra cách hồn nhiên, chân thành, chưa bị ngụy trang hay uốn nắn bởi những toan tính quanh co. Ngày nay, người ta phát triển những kỹ thuật để nghiên cứu và khảo sát lời nói, phân tích từng chữ từng câu để khám phá ý nghĩa thật. Các nhà phân tâm học còn tìm cách cho bệnh nhân nói để chữa trị tâm bệnh của họ. Lời khuyên của Ben Sira có lẽ không hợp nếu dùng nó để xét đoán lời nói của người khác, nhưng rất hữu ích nếu dùng để tự xét đoán bản thân:
- Tôi thường nói những chuyện gì? Nói nhiều về một vấn đề chứng tỏ tôi quan tâm nhiều hay bị ám ảnh bởi vấn đề đó.
- Tôi thường phê bình chỉ trích hay khích lệ, ủi an? Điều này giúp tôi biết tôi là người hẹp hòi hay rộng lượng; là người gây chia rẽ xáo trộn hay là người kiến tạo bình an.
- Khi nói về bản thân, giọng điệu của tôi thế nào? Điều này cho thấy tôi kiêu căng hay khiêm tốn.
Chúa Giêsu chỉ rõ một thực tế rất thông thường là thấy cái rác nhỏ xíu trong mắt người khác thì dễ hơn thấy cái xà to tướng nằm ngay trong mắt mình. Thấy khuyết điểm của người khác dễ hơn nhận ra khuyết điểm của mình. Lý do là mình thường dễ dãi với bản thân và khắt khe với người khác. Đó là khuynh hướng tự nhiên. Nhưng đó là một căn bệnh: bệnh mù quáng, bệnh lệch lạc. Ta có thể áp dụng giáo huấn của Chúa Giêsu vào hai trường hợp:
- Áp dụng cho chính bản thân: Hãy cẩn thận đừng phê phán người khác, vì chưa chắc gì mình đã tốt hơn ai và hãy biết nhìn lại chính mình.
- Khi nhận trách nhiệm lãnh đạo: Vì trách nhiệm mà nhiều khi phải sửa lỗi người khác. Để cho lời nói của mình không là giả hình, để cho lời sửa dạy giàu sức thuyết phục, trước hết hãy lo sửa đổi bản thân, nhờ đó ta trở thành một tấm gương khiến cho lời sửa đổi của mình đáng được người khác nghe theo.
“Sao anh thấy cái rác trong mắt anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới” (Lc 6,41). Ngưwời ta thường rất hà tiện trong lời khen ngợi, nhưng lại quảng đại trong tiếng chê bai. Có thể nói, một trong những tội con người dễ phạm nhất là hay xét đoán, nghĩ xấu, nghĩ sai cho người khác. Để có đôi mắt trong sáng, chúng ta không nên nhìn vào đôi mắt kẻ khác để thấy “cái rác” trong đó, hay “bới lông tìm vết” để xét đoán, chỉ trích họ; mà hãy nhìn vào chính đôi mắt tâm hồn mình, để thấy “cái đà” của kiêu căng tự mãn, của phô trương giả hình, để thanh lọc cho nên trong sáng. Vì người xưa có câu:
“Việc người thì sáng, việc mình thì quáng”, nên việc nhìn lại chính mình để tự kiểm thảo luôn là điều cần thiết của mỗi tín hữu Kitô, nhất là những vị lãnh đạo, hướng dẫn các tâm hồn. Triết gia Chilon cũng nói lên một luật sống bất hủ:
“Hãy tự biết mình”. Thánh Augustinô thường cầu nguyện:
“Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con”. Biết mình thường hèn yếu lỗi lầm để đừng bao giờ khắt khe lên án anh em. Biết mình hay che đậy giả hình để cảm thông, dung thứ cho kẻ khác. Biết mình thích phô trương, háo thắng để đừng phê phán nhạo báng một ai. Những kẻ may mắn thường là những người có tâm hồn lạc quan vui vẻ, họ có thói quen nhìn vào mặt tích cực của sự việc và vào điều tốt của kẻ khác. Trái lại, những kẻ bất hạnh thường có thái độ tiêu cực, thù hằn, họ thích nhìn vào điều tồi tệ nơi kẻ khác, họ rất ham chỉ trích, và ưa “vạch lá tìm sâu”. Đúng như lời Chúa Giêsu đã nói trong đoạn Tin Mừng này:
“Cây tốt thì sinh trái tốt, cây xấu thì sinh trái xấu” (Lc 6,43).
Lời nói, việc làm của người tín hữu Kitô chỉ có thể sinh hoa kết trái tốt tươi, nếu siêng năng suy niệm và thực hành Lời Chúa. Những ai sống trong vị kỷ, xét đoán, chỉ trích và thù hằn, sẽ chết trong bóng tối gian ác của chính mình.