Suy tư - Chia sẻ

Chiều sâu lễ Giáng sinh

Cập nhật lúc 12:48 22/12/2020
Trong xu thế hội nhập của thời đại 4.0, đã đến lúc người ta cần đào sâu tìm hiểu về ngày lễ Giáng sinh hơn là vui hưởng những hình thức bên ngoài. Nói hình thức bên ngoài là như một ước lệ tạm thời chỉ về những hình thức trang trí Noen, những sinh hoạt đời thường dịp Noen và cách sử dụng thời gian của ngày Noen.
Trong xu thế hội nhập của thời đại 4.0, đã đến lúc người ta cần đào sâu tìm hiểu về ngày lễ Giáng sinh hơn là vui hưởng những hình thức bên ngoài. Nói hình thức bên ngoài là như một ước lệ tạm thời chỉ về những hình thức trang trí Noen, những sinh hoạt đời thường dịp Noen và cách sử dụng thời gian của ngày Noen.
Hình thức Noen thường đa dạng, phong phú và hiện đại hóa theo ánh sáng đèn Led và Lazer nhưng chung quy đều diễn tả những nội dung chính: Thiên Chúa là ánh sáng đã đến trong trần gian. Ngài Giáng sinh trong hang đá nghèo hèn vào một đêm đông băng giá tuyết rơi…Những cánh thiệp bao giờ cũng xuất hiện sớm nhất in hình hang đá Belem, cây thông Noen, ông già Noen…Những chủ đề muôn thuở thấm đầy chất thi ca và mang dư âm của đất trời. Bầu khí Noen thật thân thương và dễ lan tỏa. Chỉ cần một cây thông nhắc nhớ một mùa đông giá lạnh, hình ảnh một ông già Noen đứng góc phố hay đứng trước khách sạn đây đó, người ta đã cảm thấy cõi lòng ấm áp và tình nghĩa thân thiện dễ gần nhau hơn. 
Nhưng không phải chỉ Giáng sinh mới bừng lên ánh sáng điện rực rỡ, ánh sáng điện đèn ở khắp nơi và luôn cần thiết hàng ngày. Không phải cứ nhìn thấy cây thông là thấy lòng rộn lên ấm áp, càng không phải ông già Noen làm nên lễ Giáng sinh. Ý nghĩa của ngày lễ Giáng sinh đã được nhắc tới từ trong Cựu ước, về Đấng Messia mà nhờ đó:
“Triều đại Người, đua nở hoa công lý 
và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn” (Tv 72,7).
Triều đại đua nở hoa công lý ấy đã đến, đã biến đổi diện mạo trời đất và đã mặc cho vạn vật một ý nghĩa, một niềm vui sâu xa trong tâm hồn. Hiểu về ý nghĩa này, khung cảnh Giáng sinh mới có nét đẹp chiều sâu.
Sinh hoạt đời thường những ngày lễ Giáng sinh cũng trở nên khác thường. Người ta nhớ tới nhau ngay từ khi cánh thiệp được gửi đi từ đầu Mùa Vọng, người ta dành thời gian vài tuần lễ hướng về trang trí Noen, thị trường đèn điện, cây thông Noen dần trở nên tấp nập hơn. Tinh thần đã vậy, vật chất cũng được nâng cao. Những quà cáp chuẩn bị, những chương trình ấn định, những bữa tiệc hẹn mời, và đương nhiên không thể vắng thiếu đi dự lễ đêm 24/12!
Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đó thì Noen vẫn chỉ có ý nghĩa là một ngày lễ hội. Người ta có thể nghĩ thêm nhiều chiêu thức khác nữa để mua vui. Điều quan trọng là xuất xứ của niềm vui cho ta ý nghĩa gì. Và một lần nữa, chúng ta lại tìm thấy trong Cựu ước câu trả lời đến từ Ngôn sứ Isaia: 
“Dân đang lần bước giữa tối tăm 
đã thấy một ánh sáng huy hoàng ; 
đám người sống trong vùng bóng tối, 
nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” 
(Is.9,1).
Bóng tối và ánh sáng là hai phạm trù đối lập nhau. “Đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi”. Đó chính là sự vỡ òa của niềm vui. Niềm vui này mang tên là niềm vui ơn cứu độ, được mang đến từ danh Giêsu, Đấng cứu độ duy nhất của loài người (x. Cv 4,12).
Cách sử dụng thời gian của ngày Noen cũng đa dạng và phong phú như khung cảnh và sắc màu trang trí Noen, nghĩa là có nhiều nhận thức khác nhau dẫn đến cách sử dụng thời gian rất khác nhau trong dịp Noen.
Có người coi Noen là dịp hưởng thụ, có người cho rằng Noen là để vui chơi, thế giới cho ngày Noen là ngày hòa bình, xu thế hiện đại biến Noen thành ngày lễ hội… Người ta vô tình hay hữu ý quên đi nội dung chính của ngày lễ Giáng sinh. Cuối cùng hang Belem chỉ còn là một câu chuyện cổ tích, một khung cảnh gia đình được nghệ thuật hóa nơi hang đá máng cỏ. Ý nghĩa khó nghèo của hang Belem năm xưa, mầu nhiệm Thiên Chúa Nhập Thể làm người cứu độ trần gian dần bị lu mờ. Lời Ngôn sứ Isaia khiến ta phải suy nghĩ lại, ngôn sứ nhấn mạnh về chính nội dung ngày lễ Noen - chữ viết tắt của Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta:
“Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, 
một người con đã được ban tặng cho ta. 
Người gánh vác quyền bính trên vai, 
danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, 
người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình” (Is. 9,5).
Đó là Hài Nhi Giêsu, là người thật và là Thiên Chúa thật. Người Kitô hữu chiêm ngắm Thiên Chúa Nhập Thể làm người nơi hang đá máng cỏ. Nhưng đó không phải là sự kiện độc quyền của người Kitô hữu. Lời Sứ thần báo trong đêm Giáng sinh đã khẳng định: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2,10-11).
Với ý nghĩa này, ta có thể coi ngày lễ Giáng sinh là ngày hòa bình của thế giới. Chính lời Sứ thần ca hát đêm Giáng sinh đã diễn tả điều đó: 
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời, 
bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14).
Như vậy, dù người ta chỉ trình bày một Hài Nhi Giêsu nằm trên máng cỏ cũng đủ diễn tả ý nghĩa của ngày lễ Giáng sinh. Ngược lại dù thêu dệt cây thông Noen với tuyết rơi ngợp trời, dù đoàn tuần lộc kéo ông già Noen đi khắp thế giới, dù dựng mô hình hang đá nghệ thuật và quy mô lớn đến đâu, mà thiếu Hài Nhi Giêsu thì đó vẫn chỉ là những bức tranh nghệ thuật. Hơn nữa, ngày lễ Giáng sinh không chỉ đi vào thế giới như mốc điểm chia thời gian trước công nguyên và sau công nguyên, đó còn là một sự thật lịch sử chi phối cuộc sống nhân loại, ước chi tới ngày toàn thế giới đều chứng nhận tính xác thực của lời Thánh vịnh: “Triều đại Người, đua nở hoa công lý và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn” (Tv 72,7).
Khi đó, người ta mới đi hết chiều sâu lễ Giáng sinh, và đồng cảm với người Kitô hữu khi hàng ngày người Kitô hữu đọc lời kinh chính Chúa Giêsu đã dạy: “Chúng con nguyện Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến…” 
Lm Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
Thông tin khác:
Đức Giêsu vua của các vua (19/12/2020)
Những người đã chết nói với tôi (19/12/2020)
Dịu dàng hai tiếng "Cảm ơn!" (09/12/2020)
Tỉnh thức đợi Chúa đến (08/12/2020)
Tìm kiếm đức khôn ngoan (07/12/2020)
Đức Mẹ bảo tôi "Hãy đứng dậy, Chúa gọi con đây" (07/12/2020)
Đức Mẹ bảo tôi "Hãy đứng dậy, Chúa gọi con đây" (01/12/2020)
Chứng tá ĐỨC TIN (30/11/2020)
Tâm sự cuối đời (26/11/2020)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log