Đức Giêsu vua của các vua |
Chúa nhật 34 thường niên, mẹ Giáo hội mừng kính trọng thể lễ Chúa Kitô, Vua vũ trụ. Đây không chỉ là dấu hiệu khép lại năm phụng vụ, khai mở một năm phụng vụ mới nhưng còn là sự xác tín về cương vị Thủ Lãnh của Đức Kitô. Ngài là Đấng qui tụ mọi loài. Phụng vụ Lời Chúa trong các bài đọc hôm nay cũng nhắm đến chiều kích này. Một lần nữa khẳng định Đức Giêsu, Đấng hiện thân của Lời sáng tạo, Đấng khơi nguồn sự sống; chính Đấng ấy sẽ qui tụ và xét xử mọi loài bằng tình yêu khiêm và tình yêu nhưng không.
Đức Giêsu, vị Vua khiêm hạ Khi nói đến tước hiệu Vua trong lịch sử dân Israel, người ta thường nghĩ ngay đến Sa-un, vị vua đầu tiên của Ixraen, hay Đavít, vị vua tài giỏi, hoặc Salomon, vị vua đầy khôn ngoan... Nhưng vị vua trên hết chính là Thiên Chúa. Ngài là Vua của dân Ixraen, là Đấng giải thoát họ khỏi sự thống trị của người Aicập; là Đấng dẫn đưa họ vào vùng đất tràn đầy sữa và mật. Vị Vua vô hình đã dùng sức mạnh để chiến đấu và chiến thắng những thế lực đối nghịch. Bên cạnh đó, Thiên Chúa như là vị Vua thấu hiểu nỗi niềm của từng công dân.
Bài đọc 1, ngôn sứ Êdêkien đã diễn tả Vua (Thiên Chúa) như vị mục tử chăm sóc đàn chiên. Ngày ngày kiểm điểm đàn chiên, thâu họp đàn chiên mỗi khi chúng tản mác. Chính Ngài sẽ là người trực tiếp chăn dắt đàn chiên chứ không phải ai khác. Chính Ngài sẽ cho chiên nghỉ ngơi: con nào thất lạc Ngài dẫn lối về; con nào bị thương tích chính Ngài băng bó... Vị Vua mà ngôn sứ Êdêkien diễn tả không phải là đấng cai quản đàn chiên ở trên cao, trái lại chính Ngài trực tiếp đến với đàn chiên, đồng hành với đàn chiên, cùng băng núi vượt suối để dẫn đàn chiên tới đồng cỏ xanh tươi. Vị Vua ấy chính là Thiên Chúa toàn năng. Ngài không phải là Đấng ở trên cao dõi theo thế sự đang diễn ra, nhưng là Thiên Chúa đồng lao cộng khổ với dân Ngài. Một vị Vua cao cả nay khiêm hạ đến cùng song hành với dân. Vị Vua ấy chính là Đức Giêsu. Ngài là Vua muôn vua, Chúa các Chúa.
Lời tiên báo của thiên sứ mở ra một cuộc đời chói lọi phía trước dành cho Đức Giêsu. Thế nhưng, sách Thánh dường như không ăn khớp với lời tiên trưng ấy. Bởi lẽ, nếu nhìn dưới khía cạnh con người, chúng ta dễ dàng bắt gặp được điều đó khi nhìn lại cả cuộc đời của Đức Giêsu không có chỗ nói về tước hiệu vua được gán cho Ngài, ngoại trừ phép lạ hóa bánh ra nhiều; sau khi dân chúng được ăn no nê và muốn tôn Ngài làm vua (x. Ga 6,15). Tác giả Luca đã thuật lại cuộc sinh hạ Đức Giêsu, thiếu thốn trăm bề: nơi sinh là hang súc vật, máng cỏ là nơi tựa lưng, sưởi ấm bằng hơi thở bò lừa... (x.Lc 2,1-20). Con trẻ mà Thiên sứ tiên báo trẻ thành Vua nay lại hạ sinh trong sự nghèo hèn hơn bất cứ cuộc sinh hạ nào. Hơn nữa, Ngài lớn lên trong một gia đình nghèo, tại vùng quê hẻo lánh. Ba mươi tuổi đã bôn ba đây đó rao giảng Tin Mừng; và cuối đời lại bị xử tử như một tên gian phi. Nhìn vào con người Giêsu không biểu lộ hình ảnh oai vệ của một vị vua.
Nếu xét theo tiêu chuẩn đánh giá của con người thì Đức Giêsu không phải là vua. Thế nhưng, lời Thiên sứ loan tin lại trở nên hiện thực và chính Đức Giêsu là Vua thực sự. Ngài không phải là vua theo kiểu trần thế, dùng uy quyền để cai quản con dân nhưng Ngài dùng tình yêu để cai trị.
Đức Giêsu, vị Vua tình yêu
Ngài sẽ cai trị nhà Giacóp đến muôn đời. Chỉ có tình yêu mới tồn tại vĩnh cửu. Vị vua nào cai trị bằng tình yêu thì sẽ làm vua đến muôn đời. Đức Giêsu không cai trị con người bằng quyền lực nhưng bằng tình yêu. Cả cuộc đời của Đức Giêsu luôn biểu lộ tình yêu. Ngài là Logos của Thiên Chúa, Đồng bản thể với Thiên Chúa, đồng sáng tạo với Thiên Chúa Cha, nay vì yêu thương con người đã chấp nhận xuống thế làm người. Điều mà thánh Phaolô nhấn mạnh Ngài trút bỏ vinh quang để mặc lấy thân nô lệ (x. Pl 2,6-11), để đồng hành với con người; đặc biệt là giải thoát con người khỏi tình trạng nô lệ và phục hồi thiên chức làm con Thiên Chúa.
Mặt khác, cả cuộc đời công khai của Đức Giêsu luôn thể hiện tình thương. Ngài không lựa chọn đối tượng để yêu nhưng yêu hết thảy mọi người, đặc biệt những người bị bỏ rơi: ngài yêu người thâu thuế, yêu thương cô gái điếm, không kết án người phụ nữ ngoại tình, cứu chữa đứa hầu của người dân ngoại...Và tình yêu đạt tới sự trọn vẹn trên cây thập tự. Thập giá là biểu tượng, mà nơi đó Thiên Chúa trao tất cả những gì Thiên Chúa có cho con người, đó chính là Con Một chí thánh. Đức Giêsu đã yêu và dành tình yêu ấy đến hơi thở cuối cùng. Ngài yêu đến nỗi chết cho người mình yêu. Chết để người mình yêu được sống. Một Thiên Chúa đón nhận cái chết để con người được sống và sống dồi dào.
Vì thế, chỉ có Vua tình yêu mới có quyền xét xử con người trong ngày sau hết. Trang Tin Mừng được thánh Mattheu thuật lại về cuộc phán xét khẳng định vị thế làm Vua của Đức Giêsu. Lúc này mọi người sẽ tề tựu lại bên nhau để chịu xét xử, và Đấng xét xử không ai khác chính là Đức Giêsu. Vì vậy, “Đức Kitô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù dịch dưới chân Ngài” (bài đọc 2). Đấng đã dùng tình yêu để yêu thương thì nay dùng tình yêu để xét xử. Và những người sống tình thương mà đối xử với nhau thì được lãnh nhận phần thưởng thiên quốc. Còn những người dùng luật hay quyền mà đối xử với nhau thì bị giáng phạt (bài Tin Mừng). Mỗi người tín hữu cũng sẽ đến lúc đứng trước vị Thẩm Phán tối cao, và phải trả lẽ trước mặt Ngài. Mỗi người chúng ta đã đối xử với người thân cận như thế nào, bằng tình thương hay bằng luật lệ? Đó là câu hỏi đòi buộc mỗi người tự cật vấn và trả lời.
Phụng vụ lời Chúa hôm nay, mẹ Giáo hội cho chúng ta chiêm ngắm chân dung Đức Giêsu, Ngài là Vua khiêm hạ. Vì yêu thương, Ngài đã đến cư ngụ giữa con người và đồng hành với con người. Hơn nữa Ngài còn ban sức sống dồi dào cho con người. Mặt khác, Ngài là Vua tình yêu. Ngài dành tất cả tình yêu cho con người. Ngài dùng tình yêu để đối xử với con người; và những ai lấy tình yêu làm chuẩn mực trong tương quan với tha nhân sẽ trở thành công dân của Nước Trời. Mặt khác, trong ngày phán xét chúng ta trở nên là chiên hay dê đều phụ thuộc vào hành trình tại thế trong cách cử xử với tha nhân. Nếu chúng ta lấy luật lệ hay thiếu lòng trắc ẩn mà đối xử với tha nhân thì ngày chung thẩm, chúng ta sẽ là những người đứng bên trái và chịu hình phạt muôn kiếp. Trái lại, nếu chúng tương giao với tha nhân bằng tình yêu và lòng vị tha, chúng ta sẽ được đứng bên hữu Ngài và được lãnh nhận phần thưởng.