Suy tư - Chia sẻ

Chính anh em là chứng nhân về những điều này

Cập nhật lúc 07:11 14/04/2021
Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa các ông và nói, “Bình an cho anh em” (Lc 24-36). Ảnh: CTV
Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa các ông và nói, “Bình an cho anh em” (Lc 24-36). Ảnh: CTV
 
Được Thiên Chúa sai đến với nhân loại để nên bí tích cứu độ phổ quát, đồng thời vì những đòi hỏi căn bản của đặc tính công giáo, và vì lệnh truyền của Chúa Giêsu trước khi Ngài về trời Ngài căn dặn các môn đệ rằng: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20). Bởi đó, Giáo hội dành mọi nỗ lực để loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người. Thật vậy, chính các tông đồ là nền tảng của Giáo hội, đã theo chân Chúa Giêsu, rao giảng lời chân lý và đồng thời khai sinh các giáo đoàn để lời Chúa được lan rộng và tỏa sáng, để Nước Chúa được công bố và thiết lập khắp trần gian. Vì thế, vâng lệnh Chúa Kitô đồng thời được ân sủng và tình yêu Chúa Thánh Thần thúc đẩy, Giáo hội thực thi sứ mệnh: dẫn đưa tất cả đến với đức tin vào Thiên Chúa. Các chứng nhân của Chúa qua đời sống gương mẫu, lời giảng dạy, các bí tích và những phương thế trao ban ân sủng khác, để mở ra con đường thông suốt và vững chắc giúp mọi người thông dự trọn vẹn vào mầu nhiệm của Chúa Kitô.

Lời chứng của Thánh Phêrô trong sách Công vụ Tông đồ loan truyền cho dân chúng: “Đấng Ban sự sống thì anh em lại giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại… Đấng Kitô của Người phải chịu khổ hình. Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xóa bỏ tội lỗi cho anh em” (Cv 3,15-18). Như vậy, tội lỗi của mỗi người chúng ta dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết, có thẫm tựa vải điều, cũng hóa trắng như bông (x. Is 1,18). Đó là một ân huệ của Chúa dành cho mỗi người, ân huệ đó chính là tình yêu. Tuy nhiên, tình yêu không chỉ có nơi Chúa mà thôi nhưng mà thể hiện nơi con người, và một tình yêu đáp trả của con người đối với Thiên Chúa là đức tin và sự sám hối  trở về với Chúa là điều cần thiết. 

Thánh Phao lô đã thốt lên rằng: “Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16). Một thực tế cuộc sống cũng như kinh nghiệm của bản thân Phaolô, khi đi từ bóng tối bước qua ánh sáng, từ con người nhiệt thành bắt bớ những người đi theo ông Giêsu đã trở nên một tông đồ nhiệt thành trong việc loan báo Nước Thiên Chúa cho mọi người. Chính Chúa cũng rất cần những con người như vậy. Đó là chứng nhân yêu dấu của Chúa giữa trần gian này. Để có thể làm chứng cho Chúa Kitô cách hữu hiệu, các Kitô hữu phải tìm đến mọi người chung quanh với thái độ tôn trọng và yêu thương như Chúa đã dạy: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Giữa những nghĩa vụ chính yếu của con người thời nay, chớ gì mọi người đều tôn trọng việc nhìn nhận và thực thi các mỗi tương quan mật thiết giữa đạo và đời nhằm được nối kết tình Chúa và tình người lại với nhau như thánh Phaolô nói: “Trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Đức Kitô Giêsu, nhờ máu Đức Kitô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần. Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Dothái và dân ngoại thành một: Người đã hy sinh thân mình để phả hủy bức tường ngăn cách là sự thù ghét” (Ep 2,13-14). Thật vậy, thế giới càng hợp nhất thì càng thấy rõ những bổn phận của con người phải vượt trên các nhóm riêng rẽ và dần dần lan rộng đến toàn thế giới. 

Trở lại bài Tin Mừng, chúng ta thấy việc thuật lại những gì đã xảy ra của các ông trên con đường về Emmau. Trong bối cảnh hai ông thất vọng vì Thầy của mình đã chết. Tuy nhiên, đang đi trên đường về làng Emmau thì chính Chúa cùng đang đi với họ mà họ không nhận ra. Các ông đang nói thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: “bình an cho anh em” (Lc 24,36). Một phen hốt hoảng cho các ông và run lẩy bẩy cứ tưởng là người đâu tới hoặc là ma chứ đâu có nghĩ là Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra, Chúa chết rồi làm sao mà sống lại được nữa. Tuy nhiên, các ông không hiểu Lời của Chúa nói với các ông trước đó mà Kinh Thánh mô tả: “Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại” (Lc 24,46). Họ mừng vì nhận ra Thầy của mình đã sống lại thật rồi. Niềm vui của hai môn đệ trên đường Emmau đã được lan truyền cho khắp mọi người trên trần gian này, đó cũng là niềm vui của chúng ta: Chúa đã Phục sinh. 

Vậy, chúng ta là những Kitô cũng phải biết loan tin vui đó cho những người chung quanh.  Đó là yêu thương chia sẻ, đồng thời giúp mỗi người vững tin hơn và kêu gọi họ vào trong ngôi nhà yêu thương của Chúa là Giáo hội. Có Chúa cùng đi và hoạt động trong đời sống của mỗi cá nhân, nếu chúng ta tin rằng Chúa đang đồng hành với chúng ta trong cuộc sống thì mọi sự được tốt đẹp và bình an. Có Chúa cùng đi và hoạt động trong các Tông đồ nên họ sẵn sàng lên đường loan tin vui cho khắp mọi nơi. Xin Chúa Kitô Phục sinh cùng ở và hoạt động trong mỗi người chúng ta, và chúng ta cũng có bổn phận làm chứng cho Chúa mọi nơi mọi lúc, cho dù gặp gian nan vất vả chúng ta cảm thấy được niềm vui trong Chúa khi phục vụ tha nhân, để “tình yêu Thiên Chúa thực sự trở nên hoàn hảo” (1Ga 2,5), để mọi người được giải thoát khỏi gánh nặng tội lỗi và luôn cảm thấy bình an khi có Chúa đồng hành

Tu sĩ Phêrô Trương Văn Vịnh
Thông tin khác:
Thái độ trước những thử thách (13/04/2021)
Hiệp nhất trong lòng thương xót Chúa (09/04/2021)
Chúa Giêsu nhìn tôi (08/04/2021)
Đức Giêsu, niềm hy vọng cứu độ (05/04/2021)
Đơn sơ tha thiết với Đức Mẹ (04/04/2021)
Đừng Sợ! Thiên Chúa đang ở đây! (02/04/2021)
Yêu thương và hy sinh (01/04/2021)
Chết vì yêu (28/03/2021)
Bao dung trong sám hối (26/03/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log