Suy tư - Chia sẻ

Chúa nhật 16 mùa thường niên C: “Matta rước Người vào nhà mình, Maria đã chọn phần tốt nhất”.

Cập nhật lúc 17:26 21/07/2013
Lạy Chúa Giêsu, chúng con đã chọn Chúa làm gia nghiệp, xin giúp chúng con trong cuộc sống đời thường luôn biết lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành.
Lời Chúa (Lc 10,38-42)
 
Trong khi thầy trò đi đường, Đức Giê-su vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Ma-ri-a. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: "Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay! " Chúa đáp: "Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi."

Suy niệm
 
Một tu sĩ trẻ thắc mắc vè chăm ngôn dòng mình : “Cầu nguyện và làm việc”. Một ngày kia, viện phụ  bảo thầy chèo thuyền đi với ngài. Viện phụ chèo trước, nhưng chỉ với một mái chèo, và kết quả là thuyền chỉ xoay tròn mà không đi tới. Tu sĩ trẻ nói : Thưa Cha, nếu không chèo hai mái. Chúng ta sẽ chẳng đi tới đâu.
 
Viện phụ trả lời : Con nói đúng, mái chèo bên phải là cầu nguyện. Mái chèo bên trái là làm việc .nếu không hài hoà như thế, con vẫn chỉ xoay trong vòng xoáy.
*
Trong bài Tin Mừng của Chúa nhật 16 mùa Thường Niên hôm nay, thánh sử Luca thuật lại câu chuyện hai chị em Matta và Maria đón tiếp Chúa để nói lên ý nghĩa đích thực của người môn đệ Chúa Giê-su.
 
“Bà có người em gái tên Maria ngồi bên chân Chúa” : Ở đây khi gọi Chúa Giê-su tước hiệu là Chúa, Luca muốn làm nổi bậc uy thế của Chúa Giê-su trước mặt mọi người thuộc về Người, đồng thời thái độ của Maria “ngồi bên chân Chúa” là thái độ của các môn đệ trước mặt Thầy mình   thái độ “lắng nghe lời Chúa” đối với Luca đó là bổn phận đầu tiên của người môn đệ đích thực. Ở đây muốn nêu cao giá trị đích thực của môn đệ Chúa Giê-su qua vai trò Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người”.
 
“Matta bận rộn với việc thết đãi khách” : Với vai trò là chủ nhà, bà Matta lăng xăng lo lắng đón tiếp Chúa, một vị khách quý mà bà muốn bày tỏ hết lòng kính trọng.
 
“Lạy Thầy, em tôi để tôi hầu hạ một mình” : Ở đây cho thấy Matta đã không nhận ra giá trị của việc Maria “ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người” mà bà chỉ thấy đó là thái độ không chịu góp phần vào công việc của bà, nên bà muốn lôi em ra khỏi việc “nghe lời Chúa”. Bà quá chắc chắn về phán đoán của mình đến nỗi với một giọng điệu trách móc, bà mời Chúa Giê-su cùng chia sẽ quan niệm ấy với mình “Xin Thầy bảo em con giúp con với”.
 
Như vậy Matta và Maria xuất hiện ở đây như hai môn đệ nhiệt thành đón Chúa Giê-su Thầy mình, nhưng Maria chỉ lắng nghe lời Thầy, còn Matta lo dành riêng cho Thầy một sự đón tiếp nồng hậu.
 
Matta, con lo lắng quá nhiều chuyện, chỉ có một sự cần mà thôi. Hoạt động hăng say, hay lắm! Nhưng Chúa muốn nhắc nhở chúng ta đừng quá hoạt động mà quên đi hoặc gạt ra ngoài nếp sống, sự hồi tâm tĩnh thức và tận hiệp với Chúa. Chúa muốn hoạt động tông đồ của chúng ta phải bắt nguồn từ sự hồi tâm suy niệm, phải được hòa lẫn với cầu nguyện, phải được hòa nhịp trong tinh thần và ý định của Thiên Chúa.
 
Maria đã chọn phần tốt nhất: Ở đây Chúa muốn chúng ta khi hoạt động tông đồ, cần phải dành ưu tiên cho đời sống nội tâm là lắng nghe lời Chúa, vì lời Chúa là sự sống.
 
Bài Tin Mừng này truyền thống thường hiểu, hai chị em Matta và Maria biểu trưng cho hai thái độ hoạt động và chiêm niệm - cầu nguyện. Theo Origène: “Người ta có thể chấp nhận là Matta tượng trưng cho đời hành động và Maria cho đời chiệm niệm. Mầu nhiệm tình yêu không còn đời sống hoạt động nữa, nếu lời dạy và huấn đức không đưa tới việc chiêm niệm: vì hoạt động và chiêm niệm không thể tách rời nhau”.
 
Thánh Ambrosiô chú giải sát nghĩa hơn: “Qua mẫu gương của Matta và Maria, nơi đây công việc của bà này ta thấy một sự tận tâm hoạt động, nơi kia một tâm hồn đạo đức biết lắng nghe lời Chúa; nếu phù hợp với đức tin thì thái độ có giá trị hơn các việc làm, như đã chép: “Maria đã chọn phần tốt hơn, sẽ không bị giật mất” .
 
Kiểu chú giải của truyền thống trên không luôn cho chúng ta lối chú giải tổng quát, vì các tác giả đôi khi chỉ chú ý đến khía cạnh này hay khía cạnh kia của câu chuyện mà không nhìn đến toàn bộ của nó. Tuy nhiên lại cho thấy Kitô hữu đích thực, một môn đệ Giêsu chính đáng, thì hai cách hoạt động mà hai chị em Matta, Maria tượng trưng phải luôn cùng hiện diện nơi người tín hữu.
 
Đặt trong văn mạch, với đoạn Tin Mừng Thánh sử Luca cho thấy Chúa Giêsu khởi sự lên Giêrusalem là phần chính của sách Phúc âm Luca. Toàn bộ câu truyện nhằm cho thấy tiêu chuẩn ưu tiên giúp người môn đệ hành động: Ngồi dưới chân Chúa lắng nghe Lời Người (c.39). Khi tặng cho Chúa Giêsu tước hiệu “Chúa” trong Phúc âm của mình, Luca muốn làm nổi bật uy thế của Người, thái độ của Maria đúng là thái độ của các môn đệ đứng trước Thầy. Như vậy, đối với Luca lắng nghe lời chúa là ưu tiên số một của người môn đệ. Lời được lắng nghe hay được rao giảng xuất hiện như giá trị tối cao. Tiêu chuẩn trên càng được sáng tỏ trong câu truyện chọn 7 Phó tế chuyên trách phục vụ bàn ăn thời Công vụ Tông đồ. Ở đây, nhóm Mười Hai tự thấy họ phải chọn lựa giữa việc rao giảng Lời của Thiên Chúa và việc phục vụ bàn ăn, cuối cùng họ quyết định chỉ chuyên tâm lo cầu nguyện và phục vụ Lời.
 
Chúa Giêsu phê phán Matta lo lắng xôn xao “nhiều chuyện”. “Nhiều điều” mà Matta lo lắng, theo văn mạch là săn sóc tiếp khách, phục dịch vật chất cho Chúa Giêsu. Matta không phải bị khiển trách vì thái độ hiếu khách nhưng vì đã quá băn khoăn lo lắng đến vật chất khiến bà quên mất điều cần thiết duy nhất. Còn “điều cần thiết độc nhất” được minh định bởi thái độ của Maria là bỏ tất cả để nghe lời Người. Ở đây, ta lại thấy một đề tài quen thuộc được trình bày nhiều lần trong giáo  huấn của Chúa Giêsu về sự lo lắng: chớ lo bênh vực mình trước tòa án của những người bắt bớ, đừng quá lo lắng về thức ăn áo mặc; Những mối lo âu của cuộc sống làm chết ngạt hạt giống Lời Chúa khiến lòng trí nặng nề …. Sở dĩ sự lo lắng bị lên án vì làm người tín hữu quên mất điều chính yếu, đấy là việc ưu tiên chọn Chúa trong cuộc sống.
 
Như vậy, Chúa đưa ra một quy luật sống cho các môn đệ, đấy là phải dành ưu tiên tuyệt đối cho việc lắng nghe Lời Chúa trong đức tin. Hằng ngày chúng ta vẫn đón Chúa trực tiếp vào nhà của mình qua việc lãnh nhận Thánh Thể, qua việc chiêm ngắm Chúa nơi Nhà tạm… nhưng chúng ta có biết chọn phần tốt nhất là lắng nghe lời Chúa dạy bảo chưa? Hoặc trong cuộc sống bộn bề, chúng ta có thực dành cho Chúa chỗ đứng ưu tiên số một chưa?... Khi chúng ta học biết lắng nghe Chúa là dấu hiệu chúng ta đang muốn học sống nơi Người, muốn sống như Người.
 
Matta vất vả nhiều, bà thấy mình có công trạng, đáng và muốn người ta chú ý tới bà nhiều hơn, để ca tụng, thương xót và giúp đỡ: “Lạy Chúa, em con để con phục dịch một mình mà Chúa không quan tâm sao ? Xin Chúa nói nó giúp con” (c.40). Một cách tài tình, Matta muốn Chúa Giêsu và em bà lệ thuộc vào sự tận tâm của bà. Có thể quảng diễn ý của Matta thế này: Lạy Chúa, Chúa không thấy, Chúa không thích những gì con làm cho Chúa sao? Lẽ ra Chúa nên tỏ ra biết ơn những lao nhọc của con, đừng để con làm việc một mình chớ ! Dù sao cũng là việc phục vụ Chúa mà ? Maria tự đặt mình đúng như cách người biệt phái đối với người thu thuế (Lc 18,8-14): Tất cả những gì mà bà làm cho Chúa Giêsu đều cố ý làm nổi bật ưu thế của bà trên người em và bó buộc bà này phải bắt chước “gương tốt” của mình….
 
Cách phản ứng tự nhiên và rất chị em của Matta thường cũng là phản ứng của chúng ta.
 
Chúng ta tìm cách làm tăng giá trị của mình trước mặt người khác bằng cách trưng bày những hoạt động của chúng ta. Như người biệt phái, chúng ta treo bảng công chính của chúng ta trước mặt mọi người để họ chú ý. Chúng ta đòi hỏi được trọng đãi như là món nợ người khác phải trả cho chúng ta. Chúng ta muốn lãnh ngay “phần thưởng của chúng ta” mà đánh mất phần thưởng mà Cha trên trời dành cho chúng ta (Mt 6,1-3)….
 
Phục vụ kiểu đó chẳng khác gì chúng ta phục vụ người khác mà vẫn còn là cách để thống trị họ, để khoe khoang so sánh chúng ta với họ, và còn để cho họ mang tâm trạng tội lỗi. Nhiều lần chúng ta cũng làm như vậy, nhất là khi tưởng rằng mình ra sức làm việc cho Chúa và ao ước Ngài cho mình phải lẽ hơn một Maria nào đó. Có lẽ cũng có một chút ghen tương trong thái độ cư xử của chúng ta: chúng ta đòi hỏi người khác phục vụ Chúa Kitô theo cách chúng ta, dưới sự điều khiển của chúng ta… Có người vẫn ngộ nhận sống khiêm nhường là sống thật con người của mình theo kiểu phô diễn tất cả tài năng mình có, làm nổi bật cái tôi của mình trong việc nhân danh Chúa mà không hiểu rằng làm thế chẳng khác gì ta đang mại thánh, phạm thánh…
 
Suy tư tới đây chúng ta có lẽ mới phần nào hiểu, tại sao vẫn có những môn đệ: "nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao” nhưng Người vẫn tuyên cáo: “Ta không hề biết các ngươi ; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác” Mt 7,21-23).
 
Bài học suy tư và áp dụng
 
Là Kitô hữu, tôi có luôn cố gắng giữ thăng bằng giữa làm việc và cầu nguyện không ? Tôi cảm nhận  thế nào khi có sự thăng bằng này ?
 
Mỗi kitô hữu cần cầu nguyện nửa giờ mỗi ngày khi bận việc. Nếu không bận lắm, cần cầu nguyện một giờ mỗi ngày (Thánh Phanxicô Salesiô).
*
Lạy Chúa Giêsu, chúng con đã chọn Chúa làm gia nghiệp, xin giúp chúng con trong cuộc sống đời thường luôn biết lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành. Có như thế chúng con mới thấy Chúa hiện diện năng động cho chúng con; có như thế, Chúa Giêsu mới thực trở thành lý do cho mọi sự lựa chọn của chúng con.Trước mắt, giúp ngày sống hôm nay chúng con chu toàn nhiệm vụ, nhất là bổn phận đạo đức trong tin yêu Chúa Giêsu. 
Thiên Ân
Thông tin khác:
Chúa nhật XV mùa Thường niên: Tôi Là Người Thân Cận Của Ai ? (13/07/2013)
Anh em hãy ra đi (7.7.2013 – Chúa nhật 14 Mùa Thường niên, Năm C) (06/07/2013)
Tin tưởng vào Tình Thương Chúa (29/06/2013)
Nền tảng trường tồn của Hội Thánh Chúa (28/06/2013)
Chúa Nhật 12 mùa Thường Niên C: Từ bỏ và vác Thập giá theo Chúa (22/06/2013)
Chúa nhật XI mùa Thường niên năm C: Sự Khao Khát Thánh Thiện Của Người Phụ Nữ Tội Lỗi (15/06/2013)
Chúa nhật X mùa thường niên C: Lòng thương xót của Chúa (08/06/2013)
CHÚA NHẬT, LỄ THIÊN CHÚA BA NGÔI-Thần Khí Sự Thật và Tình Yêu (25/05/2013)
Đức Phanxicô: Chúa cứu chuộc mọi người, kể cả người vô thần (24/05/2013)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log