Suy tư - Chia sẻ

Chúa nhật XV mùa Thường niên: Tôi Là Người Thân Cận Của Ai ?

Cập nhật lúc 10:01 13/07/2013
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã dạy con rằng: Chúa chỉ tính sổ với con về những hành động yêu thương, bác ái mà con đã làm hoặc đã không làm cho những người anh em của con mà thôi (x. Mt 25). Xin cho điều Chúa dạy in sâu vào tâm trí con, để con không bao giờ quên; trái lại luôn cố gắng sống theo lời Chúa dạy !
Lời Chúa Lc 10, 25 – 37
 
"Ai là anh em của tôi?"
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
 
Khi ấy, có một người thông luật đứng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời". Người nói với ông: "Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?" Ông trả lời: "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình". Chúa Giêsu nói: "Ông đã trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống". Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Nhưng ai là anh em của tôi?" Chúa Giêsu nói tiếp:
 
"Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán mà bảo rằng: 'Ông hãy săn sóc người ấy và ngoài ra, còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả lại ông'. Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?" Người thông luật trả lời: "Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy". Và Chúa Giêsu bảo ông: "Ông cũng hãy đi và làm như vậy". Ðó là lời Chúa.
 
Suy niệm
 
Chân phước mẹ Têrêsa Calcutta kể lại đêm kia có người đàn ông đến nhà mẹ và nói :Có một gia đình 8 đứa con đã nhiều ngày không có gì ăn. Xin Mẹ thương giúp đỡ.
 
Mẹ liền lên đường đem theo thức ăn. Khi đến nơi nơi, mẹ thấy măt người nào người nấy xanh mét vì đói. Mẹ trao cho cho người mẹ trong gia đình ít gạo. Bà liền phân làm hai rồi ra khỏi nhà đem theo một nửa phần gạo . Khi trở về , mẹ hỏi bà đi đâu đó. Bà trả lời cách giản dị : Tôi mang gạo cho người hàng xóm, họ cũng đói như gia đình tôi.
 
Trong câu chuyện trên, ta thấy người nghèo quảng đại hơn người giàu. Thường lệ, khi chúng ta nghèo khổ đói khát , chúng ta nghĩ đến chính mình, chứ không nghĩ đến người khác. Nhưng người đàn bà nghèo nay cũng như người ngoại giáo Samari trong Tin Mừng hôm nay đã làm khác hơn mọi người. Họ đã thể hiện tình thương quảng đại của Chúa Kitô.
 
Bài Tin Mừng của Chúa Nhật 15 Mùa Thường Niên hôm nay là trình thuật về cuộc đối thoại giữa người luật sĩ và Chúa Giê-su về đức bác ái và về thực hành bác ái.
 
Người luật sĩ trong Tin Mừng có nhận thức đúng về bác ái vì ông cho rằng người Samari là người duy nhất đã cảm thông và tỏ ra mình là người anh em của kẻ xấu số. Ở đây cho thấy tình yêu tạo cho ta thành “anh em” của mọi người mà không tùy thuộc vào sự xa hay gần về phương diện máu mũ, quốc tịch hay tôn giáo … Vì vậy dụ ngôn này muốn làm nổi bậc khuôn mẫu về tình yêu thương tha nhân. Thực vậy, trong ba người chỉ có người Samari là khuôn mẫu đích thực về tình yêu thương anh em như chính mình.
 
Khi chọn người Samari trong dụ ngôn nói về tình bác ái huynh đệ, Chúa Giê-su muốn nói lên dù là người ngoại giáo không biết gì về lề luật như các luật sĩ, không có phẩm cách tế tự như các thầy tư tế, trợ tế, ông đã tỏ ra là người thật nhân bản vàđạo đức. Ong đã chấp hành hai giới luật lớn của Cựu Ước và của Tân Ước sau này nói về tình bác ái.
 
Khi giúp đỡ một kẻ vô danh như vậy, người Samari đã trở thành kiểu mẫu của tình bác ái đích thực. Và vì vậy Chúa Giê-su đã khuyên nhủ luật sĩ, hãy thực thi tinh thần bác ái theo kiểu mẫu đó thì sẽ được sự sống đời đời.
 
Với bài Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội muốn nhắc lại cho chúng ta về điều kiện để được sống đời đời đã được chính Chúa công bố, chính là mến Chúayêu người. Đồng thời cũng dạy cho chúng ta về cách thế yêu người là yêu tha nhân như chính mình.
 
Bài Tin Mừng hôm nay gợi lên trong chúng ta nhiều suy tư.
 
Trước hết, có khoảng cách rất lớn giữa “hiểu biết” về Đạo và “sống” Đạo:
 
Câu chuyện mà Tin Mừng Lu-ca kể lại cho chúng ta hôm nay khiến chúng ta phải giật mình suy nghĩ khi thấy rằng giữa “nói” và “làm”, giữa hiểu biết về Đạo và sống Đạo có một khoảng cách lớn lao. Thời Đức Giê-su cũng đã có tình trạng ấy: thầy tư tế của đền thờ và thầy Lê-vi của Do-thái giáo đều biết rất rõ là giới răn quan trọng nhất của Đạo Chúa là giới răn yêu thương.
 
Thế nhưng họ đều tìm cớ để khỏi phải thực hành giới răn ấy, khi trước mắt họ là một con người bị nạn cướp bóc lột và đả thương đang nằm chờ được họ giúp đỡ. Trong khi ấy một người ngoại – người Sa-ma-ri – lại là người thực thi đức yêu thương một cách cụ thể, đúng lúc, đúng cách ! Trước mắt người Do Thái thì người Sa-ma-ri chỉ là một kẻ ngoại đạo, đáng khinh khi. Nhưng trên thực tế người ấy lại có những tâm tình mà chính Đức Giê-su đã có, trước nỗi thống khổ của đồng loại: Đó là biết “chạnh lòng thương”.
 
Tin Mừng ghi lại nhiều lần Đức Giê-su đã chạnh lòng thương, đã xúc động trước cảnh bất hạnh của con người, trước mồ người bạn thân là La-da-rô. Người Sa-ma-ri cũng “chạnh lòng thương” trước người bị nạn, nằm bên lề đường giống như Đức Giê-su đã “chạnh lòng thương” trước đám đông không người chăm lo, săn sóc. Người “ngoại” mà giống Chúa hơn người có đạo, hơn cả các đấng bậc trong Đạo. Ngày nay trong cộng đoàn chúng ta có thấy tình trạng y như thế này không ? Thực tế cho thấy là đó đây vẫn xẩy ra tình trạng tương tự. Phải chăng vì thế mà việc truyền giáo của chúng ta ít có kết quả ? Phải chăng vì thế mà giới trẻ càng ngày càng xa lánh Giáo Hội ? Phải chăng vì thế mà nghe nói đến công giáo, người lương vẫn thờ ơ dửng dưng, vì họ không thấy trong công giáo có gì là hấp dẫn, là thu hút cả?
 
Từ “Ai là người thân cận của tôi ?” đến “Tôi là người thân cận của ai ?”
 
Đức Giê-su đã khéo lái vấn đề từ câu hỏi của người thông luật “Ai là người thân cận của tôi ?” sang gợi ý tuyệt vời của Ngài: “Tôi là người thân cận của ai ?” Thành ra thay vì Đức Giê-su phải trả lời câu hỏi của người thông luật thì ông ấy và chúng ta phải trả lời câu hỏi mà Đức Giê-su đã đặt ra cho ông ấy và cho chúng ta: “Các bạn là người thân cận của ai ?” Nói cách khác: trước những người đang cần đến sự giúp đỡ, yêu thương của các bạn thì các bạn đã cư xử như thế nào với những người ấy, để các bạn trở thành người thân cận của những người ấy ?
 
Chúa Giê-su đã lấy mẫu gương thương người của người xứ Samari để chỉ vẽ cho tôi thực hành đức thương người. Tôi có  noi gương người đó để thực hành đức yêu người cách cụ thể  chưa? 
 
Nhìn vào kiểu mẫu thương người của người Samari tôi nhận ra rằng tình thương yêu bác ái sẽ biến tôi thành anh em với mọi người chưa ?
­­­­­­­­
*
­­­­­­­­­­­­
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã dạy con rằng: không phải những người cứ kêu: “Lạy Chúa, lạy Chúa…” là được vào Nước Trời. Nhưng chỉ những ai thi hành Ý muốn của Cha, mới được vào mà thôi (x. Mt 7, 21 ). Xin cho điều Chúa dạy in sâu vào tâm trí con, để con không bao giờ quên, trái lại luôn cố gắng sống theo lời Chúa dạy!
 
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã dạy con rằng: Chúa chỉ tính sổ với con về những hành động yêu thương, bác ái mà con đã làm hoặc đã không làm cho những người anh em của con mà thôi (x. Mt 25). Xin cho điều Chúa dạy in sâu vào tâm trí con, để con không bao giờ quên; trái lại luôn cố gắng sống theo lời Chúa dạy !
 
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy ban ánh sáng và sức mạnh của Ngài cho con, để con biết sống như người khôn ngoan trong Phúc âm tức biết lắng nghe và thực thi Thánh Ý Thiên Chúa, biết hy sinh quên mình để yêu thương và phục vụ tha nhân. Amen. 
Thiên Ân
Thông tin khác:
Anh em hãy ra đi (7.7.2013 – Chúa nhật 14 Mùa Thường niên, Năm C) (06/07/2013)
Tin tưởng vào Tình Thương Chúa (29/06/2013)
Nền tảng trường tồn của Hội Thánh Chúa (28/06/2013)
Chúa Nhật 12 mùa Thường Niên C: Từ bỏ và vác Thập giá theo Chúa (22/06/2013)
Chúa nhật XI mùa Thường niên năm C: Sự Khao Khát Thánh Thiện Của Người Phụ Nữ Tội Lỗi (15/06/2013)
Chúa nhật X mùa thường niên C: Lòng thương xót của Chúa (08/06/2013)
CHÚA NHẬT, LỄ THIÊN CHÚA BA NGÔI-Thần Khí Sự Thật và Tình Yêu (25/05/2013)
Đức Phanxicô: Chúa cứu chuộc mọi người, kể cả người vô thần (24/05/2013)
MỘT TRANG SỬ MỚI (19/05/2013)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log