Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Việc xảy ra là khi Chúa Giêsu cầu nguyện riêng một nơi, và có các môn đệ ở với Người, thì Người hỏi các ông rằng: "Những đám dân chúng bảo Thầy là ai?" Các ông thưa rằng: "Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ khác lại cho là Êlia, còn người khác thì cho là một trong các tiên tri thời xưa đã sống lại". Người lại hỏi các ông rằng: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?" Simon Phêrô thưa rằng: "Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa". Và Người ngăn cấm các ông không được nói điều đó với ai mà rằng: "Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại".
Người lại phán cùng mọi người rằng: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta. Vì kẻ nào muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất nó. Còn kẻ nào mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ cứu được mạng sống mình".
Suy niệm
Hai cái chết xảy ra cùng một thời. Đó là cái chết của công Chúa Diana và Mẹ Têrêsa Calcutta.
Dù chỉ là công chúa của xứ Wales, tên tuổi của Diana đã gắn liền với tước hiệu công chúa của “lòng người”, biết hy sinh vì con người, sẵn sàng giúp đỡ mọi người.
Còn mẹ Têrêsa Calcutta, có lẽ không tước hiệu nào xứng đáng hơn, danh dự hơn khi trao tặng cho mẹ bằng tước hiệu “Mẹ của kẻ nghèo. Mẹ của lòng bác ái hy sinh”.
Mẹ không có chương trình xoá đói giảm nghèo rầm rộ nào. Nhưng Mẹ sống đau khổ với người đau khổ. Mẹ sống nghèo đói với người đói nghèo, đến nỗi tổng thống Bill Clinton phải thốt lên : “Mẹ là con người vĩ đại nhất của thời đại chúng ta ….”
Đó quả là những mẫu gương từ bỏ chính mình, hy sinh chính mình vác thập giá phục vụ bác ái yêu thương để theo Chúa. Phải chăng công chúa Diana và chân phước nữ tu Têrêsa Calctta trên đây đã thực giện lời mời gọi đó của Chúa, đặc biệt là Mẹ Têrêsa. Một con người có quả tim trong sạch để không chỉ mang lại một chút cơm bánh mà tặng hiến cả cuộc đời cho người nghèo đói.
*
Hôm ấy, Chúa Giêsu cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người. Chúa tế nhị dẫn dắt và nhắc nhở các môn đệ bằng những câu hỏi để gây ý thức nơi các ông. Trước hết Người hỏi: "Đám đông nói Thầy là ai?". Từ từ Chúa dẫn đưa các ông đến câu hỏi quan trọng nhất, xác tín nhất: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? ". Chúa Giêsu có thể tự giới thiệu về mình, tự nói lên căn tính của mình. Nhưng Người đã không làm thế. Người muốn người môn đệ phải tự khám phá ra Người. Chúa muốn lời tuyên xưng của người môn đệ phải phát xuất từ nỗ lực tìm hiểu và cảm nghiệm chân thực trong cuộc sống sinh hoạt với Người.
Bài Tin Mừng hôm nay trình thuật cho chúng ta về việc Tông đồ Phêrô tuyên xưng niềm tin của ông vào Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế và nhân đó Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của Người, đồng thời Người cũng tuyên bố những ai muốn theo Người cũng phải theo con đường thập giá, hy sinh hãm mình và dấn thân trọn vẹn.
Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: “
phần các con các con bảo thầy là ai?”. Khi đặt câu hỏi này, Chúa Giêsu đòi hỏi chính nơi các Tông đồ phải có nhận thức về thân thế của Thầy mình, là Đấng mà mình đang theo đuổi.
Ngay sau câu hỏi của Chúa Giêsu, chúng ta đọc được lời tuyên tín thật mạnh mẽ xác quyết: “
Thầy là Đức Kitô của Thiên Chúa”. Lời tuyên tín này biểu lộ đức tin của Phêrô vào Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế đã được xức dầu (Lc 4,18; Cv10,58).
Tuy nhiên khi tuyên xưng, Phêrô vẫn chưa thật sự hiểu Đấng Kitô có nghĩa là gì. Có lẽ ông còn chịu ảnh hưởng của đám đông nghĩ đến một Đấng Kitô oai nghi, vinh quang và quyền lực. Vì thế Chúa Giêsu đã phải giải thích cho các môn đệ hiểu biết con đường của Người. Con đường thực sự mà Đấng Kitô phải đi là con đường đau khổ: “
Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ chỗi dậy”. Đó là con đường tủi nhục. Con đường khổ nạn. Con đường chết chóc. Nhưng sau tủi nhục sẽ đến vinh quang. Sau khổ nạn sẽ là hạnh phúc. Sau chết chóc là phục sinh. Đó không phải là con đường vinh quang trần thế, nhưng là con đường nhỏ hẹp thiêng liêng. Nhưng đó chính là con đường dẫn đến hạnh phúc đích thực.
Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Người rằng: “
Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta” : Đây là con đường dành cho những ai đi theo Chúa.
Khi nhắc đến mệnh đề:
Ai muốn theo Ta, Chúa Giê-su muốn khơi dậy lòng muốn cho những ai đi theo Chúa. Câu này cũng chứng tỏ Chúa tôn trọng quyền tự do lựa chọn của con người, theo hay không theo Chúa.
Muốn theo chân Chúa, các môn đệ không thể đi con đường nào khác con đường của Chúa. Phải đi vào con đường hẹp để dẫn đến Nước Trời. Đi vào con đường đau khổ để đến vinh quang. Vượt qua cái chết để đến sự sống.
Giáo Hội muốn mời gọi chúng ta theo Chúa thì phải chấp nhận con đường khổ giá Chúa đã đi, bằng cách luôn luôn sẵn sàng tu sửa đời sống và chấp nhận mọi thử thách trong đời sống theo Chúa mỗi ngày.
Chúa hỏi các Tông Đồ về tinh thần của dân chúng, Chúa cũng đã hỏi chúng ta về sự liên đới với tha nhân, sống với ai thì quan tâm đời sống phần rỗi của người ấy.
Chúa đòi hỏi các môn đệ phải xác định thái độ của mình đối với Chúa. Đôi lúc, nhất là những dịp sống riêng với Chúa như là những giờ tĩnh tâm hay những lúc cầu nguyện, xét mình, Chúa cũng muốn đòi hỏi thái độ dứt khoác của ta đối với Chúa.
Chúa mời gọi ta hãy có tinh thần từ bỏ
Người theo Chúa cần có tinh thần từ bỏ, ưu tiên chọn Chúa trên hết mọi sự, xem Chúa và việc của Chúa là quan trọng hơn cả. Mạng sống, cha mẹ, vợ con, nhà cửa, ruộng vườn đều rất quý trọng, nhưng người theo Chúa chọn điều quý hơn là chính Chúa. Họ giống như người “tìm được viên ngọc quý, tìm được kho báu chôn trong ruộng, liền trở về bán tất cả để mua viên ngọc, mua thửa ruộng ấy”. Chúa đòi buộc người theo Chúa phải từ bỏ, nghĩa là đặt tất cả dưới Người, yêu Người trên mọi sự. Đưa ra đòi hỏi này và biết đó là một chọn lựa khó khăn nên Chúa Giêsu căn dặn nên biết tính toán cẩn thận rồi mới chọn lựa dứt khoát. Muốn xây tháp cần tính toán có đủ tiền. Muốn thắng trận cần có lính. Muốn theo Chúa phải từ bỏ. Từ bỏ ý riêng, từ bỏ sự tự do, từ bỏ những điều mình ưa thích khi những điều ấy đi ngược lại với lời dạy của Chúa hay làm cho bản thân xa cách Người. Sự từ bỏ là cách diễn tả một tình yêu. Khi yêu người ta vui lòng từ bỏ tất cả. Khi yêu người ta cảm thấy nhẹ nhàng. Sự từ bỏ vì tình yêu là một niềm hạnh phúc. Cha mẹ tần tảo dãi dầu mưa nắng lo cho con cái ăn học. Học sinh, sinh viên thức khuya dậy sớm miệt mài học tập. Sự từ bỏ như thế thật đáng trân trọng. Ai cũng ngại từ bỏ, nhất là từ bỏ những gì gắn liền với mình nhất, cam go hơn cả là chính con người mình.
Chúa mời gọi ta hãy vác thập giá theo Người.
Hai yêu cầu được gói gọn trong hai động từ, đó là “từ bỏ” mọi sự và “vác” thập giá. Không chỉ dứt bỏ mọi sự, người môn đệ theo Chúa còn phải vác thập giá theo Chúa mỗi ngày trong đời sống của mình
Theo Chúa giống như đi leo núi. Thập giá giống như cây gậy của người leo núi. Nó rất cần và rất có ích. Không có gậy để dò đường và để chống đỡ thì ta sẽ mỏi chân, sẽ không đi nổi, có khi té ngã hay bỏ cuộc. Nghe nói đến thập giá phải vác, người ta có thể cho đó là một đòi hỏi quá sức con người. Thật ra, thập giá đi liền với tình yêu. Phải nhìn thập giá Đức Kitô như một sự tốt lành thượng đẳng, nếu không chẳng thể chấp nhận nổi thập giá. Thập giá phát xuất từ một tình yêu của Đấng Cứu Độ. Thập giá là hy sinh của Chúa. Có tình yêu nào mà không cần đến ngôn ngữ của hy sinh?
Nếu thập giá là biểu tượng của đau khổ thì Đấng chịu đóng đinh đã chiến thắng đau khổ. Chúa Kitô đã tạo ra sự khác biệt hoàn toàn giữa thập giá và kẻ bị đóng đinh. Khi nhận lấy thập giá, Đấng là tình yêu đã cho thấy rằng tình yêu có thể biến đau khổ thành niềm vui, để những ai gieo trong nước mắt có thể gặt giữa tiếng cười, những ai khóc lóc có thể được an ủi, những ai đau khổ có thể đồng hiển trị với Người. Tình yêu biến đau khổ thành hy sinh dâng hiến và niềm vui. Thiếu tình yêu, hy sinh chỉ còn là đau khổ gánh nặng và buồn chán. Đức Kitô đã đón nhận cái chết trên thập giá vì yêu thương nhân loại. Cái chết của Chúa là một hiến lễ có giá trị cứu chuộc tội, đền tội và Người “chỉ dâng hiến lễ một lần là đủ”.
Bài học suy tư
Ngày xưa, Ðức Giêsu đã hỏi các môn đệ Ngài là ai đối với họ. Chắc chắn hôm nay Ngài cũng đang đặt câu hỏi đó với mỗi người chúng ta. Chúng ta thử nghĩ xem, chúng ta sẽ trả lời Ngài như thế nào? Chúng ta có tin rằng Ðức Giêsu là Thiên Chúa, là Ðấng làm chủ cuộc đời chúng ta không? Chúng ta có sẵn sàng sống cho Ngài và theo Ngài không? Ðức Giêsu có chiếm vị trí quan trọng trong cuộc sống của chúng ta không? Hay chỉ có vật chất, lợi lộc, hưởng thụ mới là điều quan trọng?
*
Lạy Chúa Giêsu, giữa một thế giới chạy theo vật chất và đam mê xác thịt, chúng con như muốn loại Chúa ra bên lề cuộc sống chúng con, xin Chúa thức tỉnh và canh tân nhân loại chúng con. Xin cho chúng con ý thức rằng: chỉ có Chúa mới là hạnh phúc đích thực. Xin cho cuộc sống của chúng con luôn hướng về Chúa trong tâm tình yêu mến, phụng sự và tín thác. Amen.