Suy tư - Chia sẻ

Chúa nhật X mùa thường niên C: Lòng thương xót của Chúa

Cập nhật lúc 17:52 08/06/2013
Lời Chúa: Lc 7, 11-17 Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy". Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. Khi ấy, Chúa Giêsu đến một thành gọi là Naim. Các môn đệ và đám đông dân chúng cùng đi với Người. Khi Người đến gần cửa thành, thì gặp người ta đang khiêng đi chôn người con trai duy nhất của một bà goá kia, và có đám đông dân thành đi đưa xác với mẹ nó. Trông thấy bà, Chúa động lòng thương và bảo bà rằng: "Ðừng khóc nữa". Ðoạn tiến lại gần, Người chạm đến quan tài và những người khiêng đứng lại. Bấy giờ Người phán: "Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy". Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Rồi Người trao lại cho mẹ nó. Mọi người đều sợ hãi và ngợi khen Thiên Chúa rằng: "Một tiên tri cao cả đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã thăm viếng dân Người". Và việc này đã loan truyền danh tiếng Người trong toàn cõi Giuđêa và khắp vùng lân cận. Ðó là lời Chúa.
Suy niệm
Vì tình yêu thương mà Ðức Giêsu đem lại niềm an ủi cho bà góa. Ngài không đành lòng nhìn bà ta đau khổ nên đã cho con trai bà sống lại. Bài Tin Mừng cho thấy Ðức Giêsu luôn quan tâm đến nỗi khổ của chúng ta. Ngài luôn hiện diện nâng đỡ ủi an và cứu giúp chúng ta. Với Lời Chúa của Chúa nhật hôm nay, tôi suy tư về một Vài Thái Độ Cần Có Trong Sứ Vụ Loan Báo Tin Mừng của người môn đệ Chúa giữa lòng xã hội, thế giới và con người hôm nay.
Phản ứng trước những đau khổ và thiếu thốn của con người
Đức Giêsu luôn luôn chạnh lòng thương trước những buồn sầu và đau khổ của con người. Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy Đức Giêsu đến một thành nhỏ tên là Naim, có các tông đồ tháp tùng và một đám đông dân chúng theo sau.Vừa vào trong cổng thành, đám đông đi theo Đức Giêsu đã cắt ngang đường của một đám ma đang khiêng người con trai duy nhất của một bà goá nọ ra chốn mộ phần. Đức Giêsu đến bên bà mẹ đang khóc lóc thương tiếc con mình, rồi Người chạnh lòng thương bà mẹ.
Thánh ký giải thích rằng Đức Giêsu đã xúc động. Có lẽ Người đã có những dấu hiệu tỏ ra xúc động như khi Ladarô chết. Đức Giêsu Kitô ngày xưa và hôm nay cũng vậy không hề vô cảm trước những khổ đau của con người... Đức Kitô biết là có một đám đông đang vây quanh; họ sẽ kinh ngạc trước phép lạ và sẽ rao truyền câu chuyện này ra khắp vùng. Nhưng Người đã không hành động một cách giả tạo hoàn toàn chỉ nhắm đến việc tạo ra hiệu quả. Người chỉ xúc động trước nỗi đau khổ của bà ấy và Người không thể không an ủi bà ấy thôi. Vì thế Người đi về phía bà ấy và nói “Bà đừng khóc nữa” (Lc 7,13). Cũng gần như là nói: Tôi không muốn nhìn thấy bà khóc đâu; tôi đến trái đất này là để đem niềm vui và an bình. Và rồi, phép lạ chợt đến, làm nên dấu lạ của quyền năng Đức Kitô là Thiên Chúa. Nhưng trước đó đã xuất hiện lòng cảm thông của Người, làm nên dấu chỉ tỏ tường cho mọi người thấy lòng nhân hậu dịu dàng của con người Đức Giêsu. Người đã đặt tay trên xác người con ấy mà ra lệnh cho anh ta đứng dậy. Và Người đã trao anh ta cho người mẹ.
Đứng trước những đau khổ và bất hạnh của con người, chúng ta đã có thái độ nào?
Chúng ta phải noi gương Đức Giêsu để ngày một trở nên giống Người. Nhưng để trở nên giống Người, tiên vàn, chúng ta phải cầu nguyện: chúng ta nên cầu xin Chúa ban cho chúng ta một trái tim giống như trái tim của Chúa, trái tim có khả năng chịu đựng, cảm thông với những đau khổ của người khác. Chỉ với một trái tim như thế chúng ta mới nhận thức rằng chất dầu đích thực có thể xoa dịu nỗi âu lo khổ đau trên thế gian này chinh là tình yêu và bác ái... Tất cả những lời an ủi nào khác cũng khó lòng làm nguôi ngoai tạm thời và chỉ để lại đằng sau người ta nỗi cay đắng và thất vọng.
Chúng ta nên tự hỏi xem chúng ta đã biết cách sống yêu thương mọi người đi ngang qua con đường đời chúng ta hay chưa, liệu chúng ta có quan tâm đến những bất hạnh của họ hay không, và mối quan tâm ấy có dẫn đưa chúng ta tới chỗ hành động một cách hiệu quả hay chưa? Nhờ vậy mỗi khi xét mình hằng ngày, chúng ta sẽ khám phá ra rằng chúng ta cũng có nhiều hành động yêu thương bác ái để mà dâng lên Thiên Chúa.
Noi gương Chúa Giêsu: Tình yêu đi đôi với hành động
Đức Giêsu Kitô đến trần gian để cứu thoát kẻ hư mất. Người đã gánh vác những yếu hèn, những thương tích của chúng ta để cất đi khỏi chúng ta gánh nặng ấy. Người đã đến đây để chia sẻ cảm thông với những ai đang chịu đau khổ và cần nâng đỡ. Người không chỉ làm khách qua đường. Người ủi an và Người cứu sống. Lòng thương xót là một trong những chủ đề chính của những lời rao giảng của Người .... Có nhiều đoạn trong giáo huấn của Người cho chúng ta hiểu rõ lòng thương xót ấy. Chỉ cần nghĩ đến Chủ Chiên Nhân Lành đi tìm con chiên lạc hay bà góa quét nhà tìm cho được đồng bạc bị mất là cũng đủ hiểu ra lòng thương xót của Thiên Chúa rồi. Như thế, qua những gương mẫu muôn đời ấy, Người đã dạy chúng ta cung cách cư xử với những người anh em đang khổ đau bên cạnh chúng ta.
Cũng như tình yêu Thiên Chúa, không chỉ là một xúc động thoáng qua, mà còn là một lực nào đó thúc đẩy Chúa thực hiện hành động để bộc lộ cảm xúc ấy. Tình yêu chúng ta đối với tha nhân cũng phải là một tình yêu được tỏ lộ ra qua việc làm. “Chúng ta đừng yêu thương bằng lời nói nhưng trong việc làm và sự thật” như lời thánh Gioan. Tình yêu dẫn chúng ta tới chỗ muốn sự lành cho người chúng ta yêu thương và làm những việc tốt lành cho những người ấy. Cũng thế, mệnh lệnh của tình yêu sẽ dẫn đưa chúng ta tới chỗ mong muốn rằng mọi người đều sẽ được hiệp nhất làm một với Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta nỗ lực hết mình để đem lại sự hiệp nhất đó. Chúng ta biết rằng thiện hảo tối thượng hệ tại hiệp nhất với Thiên Chúa. Cách xa Thiên Chúa, không có sự thiện hảo nhỏ nhoi nào có ý nghĩa cả. Vì thế, sứ vụ loan báo Tin Mừng là làm cho mọi người nhận biết Thiên Chúa, chứ không phải là việc tìm kiếm những thiện hảo vật chất như là điều quan trọng nhất cho mình cũng như cho người khác.
Vì sự thiện hảo thiêng liêng có vị trí ưu tiên vượt qua bất cứ sự thiện hảo vật chất nào khác nên chúng ta không được quên đi lời cam kết của mọi Kitô hữu có lương tâm trưởng thành: đó là vận động cho một trật tự xã hội công bằng hơn. Do đó, đức ái cũng nhắm tới sự an sinh như là mục tiêu thứ hai, tức là cuộc sống đầy đủ vật chất của tất cả mọi người.
*
Lạy Chúa Giêsu, là con người với sự yếu đuối và bất lực trước những đau khổ, bế tắc của chính mình và của cuộc sống. Xin Chúa luôn ở với chúng con, quan phòng và săn sóc chúng con trong tình yêu của Chúa. Như con trai bà góa đã được sống lại, xin cho chúng con được tái sinh trong tình yêu và Thánh Thần, để từ cuộc sống hiện tại, chúng con bắt đầu đi vào cuộc sống vĩnh cửu trong Nước Thiên Chúa. Amen.
Thiên Ân
Thông tin khác:
CHÚA NHẬT, LỄ THIÊN CHÚA BA NGÔI-Thần Khí Sự Thật và Tình Yêu (25/05/2013)
Đức Phanxicô: Chúa cứu chuộc mọi người, kể cả người vô thần (24/05/2013)
MỘT TRANG SỬ MỚI (19/05/2013)
ƠN BÌNH AN ĐÍCH THỰC (Chúa nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống) (17/05/2013)
Sự hiệp nhất trong tình yêu Chúa (Chúa nhật 7 mùa Phục sinh) (11/05/2013)
ĐẠI LỄ CHÚA GIÊSU LÊN TRỜI (09/05/2013)
CHÚA NHẬT VI MÙA PHỤC SINH NĂM C Ơn Bình An và Tình Yêu của Thánh Thần (04/05/2013)
Ngày 03-05 Thánh GIACÔBÊ và PHILIPPHÊ Tông Đồ, lễ kính (03/05/2013)
ÔNG ĐÃ THẤY VÀ ĐÃ TIN (31.3.2013 – Chúa nhật Phục sinh, Năm C) (30/03/2013)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log