Suy tư - Chia sẻ

Điều kiện để có sự sống đời đời

Cập nhật lúc 09:08 11/07/2016
Trong mọi phương diện của cuộc sống, con người muốn đạt được một điều gì đó, thì luôn đi kèm với những điều kiện được đặt ra: muốn thành tài, thì phải miệt mài đèn sách; muốn được giỏi, thì không ngừng học hỏi, tìm tòi và khám phá...
Người thông luật kia thì muốn có sự sống đời đời, nên đã đích thân hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Đức Giêsu không trả lời một cách trực tiếp, mà trả lời bằng câu hỏi: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?” Ông ấy thưa: “Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình” (Lc 10,25-27). Như vậy, muốn có sự sống đời đời, thì phải biết mến Chúa và yêu người.

Nhìn lại chặng đường đã qua, có lẽ mỗi người Kitô hữu chúng ta ít nhiều đã lượng giá lại đời sống của mình, để nhận ra điểm mạnh, điểm yếu.. Từ đó biết canh tân, đổi mới tư duy sao cho phù hợp với những đòi hỏi của cuộc sống và nhất là những đòi hỏi của Tin Mừng. Vậy, chúng ta thử nhìn lại đời sống của mình qua hai chiều kích lớn, là: tương quan của ta đối với Thiên Chúa và tương quan của ta đối với nhau.

Đối với Thiên Chúa

Khi nói về tương quan của con người đối với Thiên Chúa, thì Đức Giêsu đã trích dẫn từ sách Đệ nhị luật cho một người thông luật kia rằng: “Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em” (Đnl 6,5).

Căn cứ vào lời của Đức Giêsu, chúng ta có thể nhận định, đánh giá mức độ tương quan của mình với Thiên Chúa: thật khó để có thể tạo ra mối tương quan mật thiết, khi cuộc sống có biết bao vấn đề đặt ra cho con người, làm cho con người với Thiên Chúa có một khoảng cách nhất định nào đó. Như thế, mến Chúa hết lòng, hết linh hồn... thật khó thực hiện. Cụ thể: để tham dự một thánh lễ hay làm một việc thờ phượng nào đó cách trọn vẹn, thì con người luôn đắn đo, do những ngoại cảnh tác động, lôi kéo, làm cản trở và có khi không thực hiện được. Thí dụ: hôm nay là ngày lễ trọng, nhưng nếu đi làm, thì Công ty sẽ trả cho lương gấp ba, gấp bốn so với lương bình thường và như vậy người công nhân rất dễ chọn đi làm hơn đi lễ. Như thế, tới một lúc nào đó chúng ta không nhận ra tầm quan trọng của bàn tiệc Thánh Thể, là hiến tế cuộc đời của Đức Giêsu được tái diễn trong thánh lễ, mà thư Do thái nói tới: “Hiến tế duy nhất mà Đức Kitô đã thực hiện, để đền tội cho nhân loại, mà Ngài chỉ dâng hiến một lần” (Dt 10,12).

Biết bao là thách đố đặt ra trong mối tương quan của con người với Thiên Chúa, có khi làm cho con người mất phương hướng, dẫn đến sự lãnh đạm, thờ ơ và xa rời Thiên Chúa. Làm sao tìm ra được giải pháp tốt nhất, để lấy lại sự thân tình với Chúa. Thiết nghĩ: mỗi người cần có thời gian tĩnh lặng, trở về với cõi sâu thẳm của lòng mình và nhờ ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, để nhận ra tầm quan trọng của Chúa trong cuộc đời của mình. Có như thế, chúng ta mới dễ dàng tiến tới mối tương quan giữa con người với nhau.

Đối với tha nhân

Đức Giêsu muốn người thông luật nhận ra tầm quan trọng của mối tương quan liên vị giữa con người với nhau, Ngài đã dùng lời văn đã được chép trong sách Lê vi: “Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân người. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lv 19,18).

Đức Giêsu muốn chúng ta thể hiện ra hành động trong mối tương quan với tha nhân, Ngài mong chúng ta nhận ra sự hiện diện của người khác trong cuộc đời của mình, là vô cùng quan trọng, quan trọng đến mức xem người khác như chính mình.

Để minh chứng cho điều đó, chúng ta đọc lại dụ ngôn người Samari tốt lành, mà Tin Mừng thánh sử Luca hôm nay thuật lại: “Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để mặc người ấy dở sống dở chết. Tình cờ có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Samari kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ săn sóc” (Lc 10,30-34).

Hình ảnh người Samari qua dụ ngôn nêu trên, đã giúp chúng ta nhận ra thế nào là người thân cận trong đời sống: đó chính là người đã thực thi lòng thương xót đối với người khác. Vì thế, Đức Giêsu nói với người thông luật: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy” (Lc 10,37).

Lời đó như đang văng vẳng bên tai chúng ta, như một lời mời gọi tha thiết và khẩn trương đối với mỗi người; như sách Đệ nhị luật trong bài đọc 1 có chép rằng: “Thật vậy, lời đó ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành” (Đnl 30,14). Nhưng thực tế của cuộc sống hôm nay, có mấy ai dám họa lại hình ảnh người Samari năm xưa, khi lòng tốt của con người bị người khác lợi dụng, bị người khác tấn công: có linh mục kia, trên đường đi công tác mục vụ, thấy một em bé trên tay cầm xấp vé số, đứng ở ngã tư đường, giữa cái nắng chang chang, nên vị linh mục dừng lại, sau vài lời hỏi han, và cuối cùng vị linh mục mua hết xấp vé số trên tay em bé. Về tới nhà, vị linh mục kiểm tra những tờ vé số, thì thật ngạc nhiên, vì tất cả số vé đó đã xổ hôm qua! Ở một tình huống khác: khi lưu thông trên đường, thì thấy một tai nạn, người bị nạn nằm bất động trên vũng máu, có người kia dừng lại chở nạn nhân tới bệnh viện. Khi nạn nhân tỉnh dậy, thì chỉ thẳng vào người đã cứu mình và nói: “mày là kẻ đụng tao”!!!

Chúng ta phải làm gì trước những tình huống như vậy! Có nên làm ngơ giả điếc hay là vô cảm không? Vì, sống chủ nghĩa “mặc kệ nó” vẫn là an toàn nhất. Nhưng như vậy, thì bản chất của người Kitô hữu sẽ như thế nào! Có lẽ chúng ta hãy can đảm, chấp nhận sự thiệt thòi, chấp nhận người khác lợi dụng lòng tốt của ta...Vì tất cả những gì con người làm hôm nay, sẽ phải trả lẽ trước mặt Chúa ngày mai: “Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ trỗi dậy: người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời. Các hiền sĩ sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ, những ai làm cho người người nên công chính, sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao” (Đn 12,2-3).

Khi chúng ta sống mến Chúa và yêu người, là lúc chúng ta chu toàn Luật của Chúa, đồng thời chúng ta đủ điều kiện để có được sự sống đời đời làm gia nghiệp. Để cùng với thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Côlôxê trong bài đọc 2 hôm nay, chúng ta nhận ra: “Chính Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người” (Cl 1,19).
Pet. Nguyễn văn Hải
Thông tin khác:
Chúa ở cùng anh chị em (08/07/2016)
Sứ giả bình an (06/07/2016)
Sống tinh thần đền tội (01/07/2016)
Tự do trong thần khí (27/06/2016)
Trao tác vụ yêu thương (23/06/2016)
Thầy là ai? (19/06/2016)
Một Chúa ba ngôi (21/05/2016)
Hãy nhận lấy Thánh Thần (14/05/2016)
Trước làn sóng khủng bố (04/12/2015)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log